Thực trạng phát triển dịch vụ tài chính bao thanh toán ở Việt Nam


Bao thanh toán không phải nghiệp vụ ngân hàng truyền thống nhưng đã được thực hiện nhiều năm qua trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bao thanh toán vẫn còn khá mới mẻ, chưa quen thuộc đối với các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp trong nước, do đó có thể coi đây là một sản phẩm tài chính hiện đại trên thị trường Việt Nam.

Tại Việt Nam, bao thanh toán là một sản phẩm tài chính hiện đại trên thị trường Việt Nam.
Tại Việt Nam, bao thanh toán là một sản phẩm tài chính hiện đại trên thị trường Việt Nam.

Khái quát dịch vụ bao thanh toán và thực trạng tại Việt Nam

Thực tế, bao thanh toán có từ rất lâu đời song thực chất nó chỉ phát triển mạnh từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay. Cụ thể, sau thế chiến thứ 2, nhiều nước trên thế giới lâm vào kiệt quệ, khủng hoảng và suy thoái kinh tế, nhất là các quốc gia tham chiến. Các doanh nghiệp của các quốc gia này rơi vào tình trạng khó khăn tài chính nghiêm trọng.

Để phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp khi mua bán với nhau phải dùng đến phương thức thanh toán trả sau (trả chậm). Tuy nhiên, khi sử dụng phương thức này, doanh nghiệp lại phát sinh thêm chi phí quản lý nợ. Trong trường hợp người bán thiếu vốn để tài trợ cho sản xuất kinh doanh của mình, người bán buộc phải bán lại khoản nợ để nhanh chóng có vốn phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, tình trạng nợ khó đòi cũng là vấn đề nhức nhối đối với nhiều doanh nghiệp bán hàng. Chính vì vậy, bao thanh toán ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu về tài trợ vốn và quản lý, thu hồi các khoản nợ giúp doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn.

Theo Công ước quốc tế về bao thanh toán (UNIDROIT): “Bao thanh toán là hoạt động của đơn vị bao thanh toán đứng ra mua lại các khoản phải thu của khách hàng phát sinh từ giao dịch bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ nhưng thanh toán chậm, theo đó khách hàng nhận được các khoản tiền ứng trước tương ứng với tỷ lệ định trước giá trị của khoản phải thu. Phần còn lại sẽ được trả lại cho khách hàng khi người mua hàng thực hiện việc thanh toán và đã trừ đi các khoản phí. Ngoài việc tài trợ dưới dạng tạm ứng cho khách hàng dựa trên các khoản phải thu, đơn vị bao thanh toán còn cung cấp dịch vụ theo dõi sổ sách, thu nợ hộ và bảo hiểm rủi ro tín dụng”.

Tại Việt Nam, theo Quyết định số 1096/2004/ QĐ-NHNN ngày 06/9/2004 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về Quy chế hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng (TCTD): “Bao thanh toán là một hình thức cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho bên bán hàng thông qua việc mua lại các khoản phải thu phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá đã được bên bán hàng và bên mua hàng thoả thuận trong hợp đồng mua, bán hàng”.

Trong các năm qua, nhiều ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã triển khai nghiệp vụ bao thanh toán. Số lượng các tổ chức tín dụng quan tâm đến dịch vụ này ngày càng tăng, biểu hiện số lượng các tổ chức được cấp giấy phép cung ứng dịch vụ tăng lên đáng kể. Hiện nay, số lượng các tổ chức tín dụng của Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Bao thanh toán quốc tế (FCI) là 8 ngân hàng, trong đó có 4 ngân hàng thương mại trong nước và 4 ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Từ các khái niệm trên, có hiểu Bao thanh toán là việc chuyển nợ của người mua hàng (con nợ) từ người bán hàng hoá hay cung ứng dịch vụ (chủ nợ cũ) sang công ty mua nợ (chủ nợ mới). Công ty mua nợ đảm bảo việc thu nợ, tránh rủi ro về không trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ của người mua. Công ty mua nợ có thể trả trước thời hạn toàn bộ hay một phần các khoản nợ của người mua cùng với khoản hoa hồng tài trợ hay phí thu nợ. Mọi rủi ro không thu được nợ đều do công ty mua nợ gánh chịu.

Sau Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN, các quy định pháp luật về bao thanh toán tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện như: Quyết định số 30/2008/QĐ-NHNN ngày 16/10/2008 của Thống đốc NHNN Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế hoạt động bao thanh toán của TCTD ban hành theo Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN; Điều 8 Thông tư số 24/2011/TT-NHNN ngày 31/8/2011 của Thống đốc NHNN Việt Nam; Điều 2 và khoản 2 Điều 3 Thông tư số 14/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2014/TT-NHNN.

Tiếp đó, tại Thông tư số 02/2017/TT-NHNN ngày 17/5/2017 của NHNN quy định về hoạt động bao thanh toán của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, thuật ngữ Bao thanh toán được quy định chi tiết hơn. Cụ thể:

- Bao thanh toán bên bán hàng là việc đơn vị bao thanh toán mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu của khách hàng là bên bán hàng thông qua việc ứng trước tiền để được nhận quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến khoản phải thu theo thỏa thuận.

- Bao thanh toán bên mua hàng là việc đơn vị bao thanh toán mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải trả của khách hàng là bên mua hàng thông qua việc ứng trước tiền thanh toán cho bên bán hàng và được khách hàng hoàn trả tiền ứng trước, lãi và phí theo thỏa thuận.

- Bao thanh toán trong nước là việc bao thanh toán dựa trên hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trong đó bên bán hàng và bên mua hàng là người cư trú.

- Bao thanh toán quốc tế là việc bao thanh toán dựa trên hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa bên xuất khẩu và bên nhập khẩu, trong đó một bên là người cư trú, một bên là người không cư trú.

Từ các căn cứ pháp lý nói trên, trong các năm qua, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) ở Việt Nam đã triển khai nghiệp vụ bao thanh toán. Số lượng các TCTD quan tâm đến dịch vụ này ngày càng tăng, biểu hiện số lượng các tổ chức được cấp giấy phép cung ứng dịch vụ tăng lên đáng kể. Hiện nay, số lượng các TCTD của Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Bao thanh toán quốc tế (FCI) là 8 ngân hàng, trong đó có 4 NHTM trong nước và 4 ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Nghiệp vụ bao thanh toán đã được nhiều NHTM giới thiệu cho khách hàng thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị khách hàng, quảng cáo, hướng dẫn trên trang web của ngân hàng để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ này. Nhờ đó, nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về dịch vụ bao thanh toán cũng tăng lên đáng kể.

Tại các đơn vị triển khai nghiệp vụ này, sản phẩm bao thanh toán đã phần nào đáp ứng được nhu cầu về vốn của một số doanh nghiệp nhưng hạn chế về tài sản đảm bảo, thúc đẩy nhiều cơ hội kinh doanh. Đồng thời, nó cũng giúp cho các đơn vị này đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ, ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Các NHTM luôn theo sát sự biến động, phát triển kinh tế xã hội để xây dựng, phát triển dịch vụ bao thanh toán phù hợp với thực tế, có tính cạnh tranh cao, đảm bảo nguồn tài trợ vốn kịp thời cho các doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bao thanh toán quốc tế (FCI), doanh số bao thanh toán của Việt Nam đã tăng dần theo các năm. Cụ thể, doanh số bao thanh toán năm 2005 là 2 triệu EUR, năm 2006: 16 triệu EUR, năm 2007: 43 triệu EUR, năm 2008: 85 triệu EUR, năm 2009: 95 triệu EUR, năm 2010 đạt 105 triệu EUR và năm 2011 đạt trên 120 triệu EUR. Tuy nhiên, con số này còn nhỏ so với doanh số bao thanh toán của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới (Theo FCI, năm 2014, tổng giá trị giao dịch toàn cầu đạt 2.373 nghìn tỷ Euro thì Việt Nam mới chỉ đạt 100 triệu EUR)

Trong số các NHTM trong nước, Vietcombank đi đầu trong lĩnh vực này, triển khai sớm và có kết quả rõ rệt nhất. Từ các năm 2007-2008, Vietcombank đã triển khai thí điểm nghiệp vụ bao thanh toán tại một số đơn vị và chi nhánh lớn như Sở Giao dịch Vietcombank, Vietcombank Hà Nội, Vietcombank TP. Hồ Chí Minh; Từ tháng 01/2009, tiến hành triển khai nghiệp vụ bao thanh toán tại tất cả các chi nhánh Vietcombank trên toàn quốc.

Doanh số bao thanh toán xuất nhập khẩu của Vietcombank theo FCI trong năm 2007 là gần 700.000 EUR, năm 2008 xấp xỉ 2,200 triệu EUR, năm 2009 xấp xỉ 3,5 triệu EUR, năm 2010 đạt trên 5 triệu EUR, năm 2011 đạt trên 6 triệu EUR. Tương tự, trong các năm 2012-2020, ước tính dao động quanh mức 10-15 triệu EUR.

Hạn chế và nguyên nhân

Mặc dù, có những dấu hiệu tích cực nhưng việc ứng dụng nghiệp vụ bao thanh toán ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển, chưa thể hiện hết những ưu điểm vốn có. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể:

Thứ nhất, tại Việt Nam bao thanh toán là một dịch vụ mới mẻ đối với tất cả các chủ thể tham gia vào dịch vụ này bao gồm: đơn vị cung ứng dịch vụ bao thanh toán (ngân hàng, TCTD...), khách hàng (doanh nghiệp) và mới mẻ đối với cả cơ quan chức năng ban hành những quy định pháp lý về dịch vụ này tại Việt Nam.

Thứ hai, chi phí sử dụng dịch vụ bao thanh toán cao gây e ngại cho các doanh nghiệp. Bao thanh toán là một nghiệp vụ có nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro từ phía người mua.

Thứ ba, sản phẩm bao thanh toán chưa có sức hấp dẫn đối với khách hàng.

Thứ tư, trình độ hiểu biết về luật pháp, điều ước, tập quán, thông lệ quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp.

Thứ năm, quan hệ với thị trường nước ngoài của các tổ chức cung cấp dịch vụ bao thanh toán còn hạn chế.

Thứ sáu, điều kiện cơ bản để ứng dụng nghiệp vụ bao thanh toán đó là phương thức nhờ thu trong mua bán hàng hóa và dịch vụ. Để thực hiện phương thức nhờ thu thì phải dựa trên cơ sở tín nhiệm giữa bên mua và bên bán, giữa người cung ứng dịch vụ và người sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan khác là, tại một số NHTM và chi nhánh NHTM, dịch vụ bao thanh toán chưa được ban lãnh đạo quan tâm và chỉ đạo phát triển đúng mức, chưa xây dựng một chiến lược phát triển riêng biệt cho dịch vụ mới này.

Một số quan điểm và giải pháp phát triển bao thanh toán ở Việt Nam

Theo xu thế quốc tế và theo nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp trong nước, các ngân hàng trong nước sẽ phải khẩn trương triển khai nghiệp vụ bao thanh toán.

Hiện tại, đa số các ngân hàng cung ứng dịch vụ bao thanh toán tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở cung cấp sản phẩm bao thanh toán có truy đòi. Trong tương lai, khi nghiệp vụ bao thanh toán phát triển ở Việt Nam, các ngân hàng thương mại sẽ tiến tới cung cấp dịch vụ bao thanh toán đầy đủ, thậm chí có thể tiến hành cung ứng dịch vụ Forfaiting (bao thanh toán vốn trung, dài hạn).

Để sản phẩm bao thanh toán nhanh chóng phát triển tại Việt Nam nói chung, các giải pháp cần tập trung khắc phục những hạn chế và những nguyên nhân nêu ở trên. Các NHTM cần giảm phí dịch vụ bao thanh toán trong thời gian đầu, ít ra là 2-3 năm tạo sự hấp dẫn và làm quen của các doanh nghiệp; tăng cường các buổi hội thảo, tập huấn, cho doanh nghiệp.

Để tăng tính hấp dẫn cho dịch vụ bao thanh toán, các NHTM cần có sự vận dụng linh hoạt về hình thức đảm bảo tiền vay, nên dựa trên cơ sở tín nhiệm hoặc hình thức đảm bảo khác thay cho tài sản thế chấp. Trong tương lai gần, một số NHTM có điều kiện nên mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại một số thị trường tài chính lớn trên thế giới, tạo điều kiện cho việc phát triển nghiệp vụ bao thanh toán cũng như một số nghiệp vụ kinh doanh quốc tế của ngân hàng.

Một số giải pháp cụ thể khác mà NHTM cần quan tâm là từ hội sở chính đến các chi nhánh NHTM cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền dịch vụ này tới toàn thể nhân viên và khách hàng, tăng cường hoạt động marketing, cũng như xây dựng mô hình phát triển dịch vụ này một cách hợp lý. Ngoài ra, Chính phủ, cũng như hoàn thiện khung pháp lý, NHNN cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy sự phát triển dịch vụ mới này...

Các trường đại học, cao đẳng khối kinh tế cần đưa vào chương trình đào tạo kiến thức về tài trợ thương mại nói chung và bao thanh toán nói riêng cho sinh viên. Đổi mới, hoàn thiện nội dung các loại giáo trình, chương trình hiện có và xây dựng thêm các loại giáo trình với các chương trình mới, phù hợp với yêu cầu thực tế công việc tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. Ngân hàng Nhà nước, Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN ngày 06/9/2004 về Quy chế hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng;

2. Ngân hàng Nhà nước, Quyết định số 30/2008/QĐ-NHNN ngày 16/10/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế hoạt động bao thanh toán của tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN;

3. Ngân hàng Nhà nước, Thông tư số 02/2017/TT-NHNN về hoạt động bao thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

4. Các website, www.vcb.com.vn; www.sbv.gov.vn; www. factors-chain.com.

(*) TS. Hoàng Thị Minh Châu, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Công đoàn.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2021.