Tỉnh Hậu Giang:
Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đánh giá năng lực cạnh tranh
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Hậu Giang đã đi đầu trong việc tiến hành đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ngành và huyện, thị (còn gọi là DDCI). Đây được xem là tấm gương phản ánh thực chất, thước đo sự điều hành của tỉnh Hậu Giang trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế.
Thước đo sự điều hành
Nếu như năm 2019, Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cấp huyện chỉ tập trung lấy ý kiến của doanh nghiệp thì năm 2020 đã mở rộng thêm nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; từ đó có được kết quả đánh giá, phản ánh một cách toàn diện hơn về chất lượng điều hành của địa phương.
Chỉ số thành phần của DDCI năm 2020 được xây dựng dựa trên các chỉ số thành phần của PCI (địa phương đo lường 8 chỉ số thành phần; sở, ban, ngành được đo lường với 7 chỉ số thành phần); các tiêu chí nhỏ được đào sâu hơn nhằm tìm kiếm, đánh giá khó khăn của doanh nghiệp, qua đó góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong kết quả đánh giá Bộ Chỉ số DDCI năm 2019.
Theo kết quả DDCI vừa công bố, thứ hạng của các đơn vị cũng có nhiều biến chuyển. Theo đó, ở cấp độ địa phương có 3 đơn vị đạt khá, dẫn đầu ở điểm số DDCI năm 2020 là huyện Vị Thủy, huyện Châu Thành A, huyện Long Mỹ. Ở cấp sở, ban, ngành có 8 đơn vị đạt khá: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Thuế, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Là địa phương có Chỉ số DDCI từ hạng nhì năm 2019 vươn lên hạng nhất năm 2020, thành công của Vị Thủy bắt nguồn từ sự nỗ lực, đồng lòng của các cấp chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, khẳng định: Địa phương luôn luôn chấp hành tốt các chỉ thị, các công việc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao và trong quá trình thực hiện, điều hành tất cả các sở, ngành và địa phương cũng vậy, lãnh đạo rất năng động, sáng tạo và quyết liệt. Nhưng khi xuống cấp dưới thì có vấn đề, những hạn chế báo cáo chỉ ra hoàn toàn chính xác trên cơ sở đó tự xem lại mình, tìm hiểu thêm.
“Việc tổ chức này rất cần thiết và nên duy trì để qua đó nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành của các sở, ngành và địa phương. Có như vậy, chắc chắn rằng các chỉ tiêu, nghị quyết, các chương trình của Tỉnh ủy, UBND tỉnh so với các đơn vị sẽ thực hiện nhanh. Nếu không tập trung xử lý những khó khăn của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc đầu tư phát triển thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Vui nhấn mạnh.
Số lượng sở, ban, ngành được đánh giá, xếp loại năng lực điều hành ở mức “khá” tăng so với năm 2019 (năm 2019: 5, năm 2020: 8); cho thấy sự đồng bộ trong nỗ lực cải thiện năng lực phục vụ cộng đồng doanh nghiệp. Đây là cơ sở để hoàn thiện tốt hơn những khó khăn đang hiện hữu phải giải quyết trong thời gian tới.
Ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trên cơ sở đánh giá này, nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của đơn vị để rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Ông Hùng cũng mong duy trì việc đánh giá DDCI trong thời gian tới.
Đồng quan điểm này, ông Võ Công Khanh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Rút kinh nghiệm từ năm 2019 làm lại chỉ số sát hơn, điểm thành phần rõ ràng hơn. Ngoài ra, khi đã làm năm 2019 và có sự thay đổi của các sở, ngành và địa phương năm 2020 các chỉ số này có những chỉ số tăng hoặc giảm. Ông Khanh đề xuất, hàng năm có đánh giá này, làm căn cứ điều chỉnh lại hành vi của các sở, ngành và địa phương.
Ở khía cạnh khác, kết quả đánh giá DDCI năm 2020 cho thấy không có một sở, ban, ngành và địa phương nào được đánh giá xếp loại tốt hoặc rất tốt, theo thang điểm xếp loại. Mức độ chênh lệch điểm số giữa các sở, ban, ngành với nhau và giữa các địa phương với nhau không quá lớn như năm 2019. Tuy nhiên, việc này không đến từ nỗ lực, bắt kịp điểm số của các đơn vị và địa phương có điểm số thấp mà đến từ sự giảm điểm của sở, ngành và địa phương ở nhóm đầu. Trong đó, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang từ nhóm “khá” xuống nhóm “trung bình”; thành phố Vị Thanh, huyện Châu Thành và thị xã Long Mỹ từ nhóm “khá” xuống nhóm “trung bình”.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho biết: Việc đánh giá DDCI trước tiên phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của bộ máy phục vụ hành chính công. Ông Lam dẫn chứng ở đơn vị nhiều năm dẫn đầu về DDCI là tỉnh Quảng Ninh thì việc tổ chức công bố DDCI giống như ngày hội của địa phương với sự tham dự đông đủ của các đơn vị.
Tính đến nay, đã có 45/63 tỉnh thành có đánh giá DDCI, tại khu vực ĐBSCL thì tỉnh Hậu Giang đi đầu đánh giá DDCI. Hiện đã có 7/13 tỉnh, thành trong vùng thực hiện đánh giá theo bộ chỉ số này. Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho rằng, chỉ số DDCI được thể hiện trong vòng 5 năm sẽ cho ra những kết quả rất tốt.
Cơ sở để bứt phá vươn lên
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, các sở, ban, ngành và địa phương bên cạnh việc tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Ông Đồng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế đối với các chỉ số đạt thấp. Tiếp tục nâng cao chất lượng đối với các chỉ số thành phần đạt kết quả tốt; hoàn thành trước ngày 30/11/2021, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi.
Đối với việc công bố, công khai thông tin, nhất là các thông tin về quy hoạch của các ngành, các cấp, người đứng đầu tỉnh yêu cầu các đơn vị công khai quy trình, thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp; trước hết là kênh thông tin tương tác online giữa doanh nghiệp và chính quyền.
“Phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong việc làm cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp để giải quyết nhanh chóng, kịp thời các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai thực hiện và hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất. Tiếp tục tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố từ đó tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư và doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực,” ông Đồng Văn Thanh đề nghị.
Trong năm 2019-2020, Hậu Giang tiến hành xây dựng và triển khai đánh giá Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành tỉnh và địa phương (DDCI), nhằm xác định rõ những tồn tại, hạn chế, cũng như những nỗ lực đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, cần phát huy ở từng địa phương và sở, ban, ngành tỉnh.