Tạo đà xoay chuyển kinh tế
Kinh tế Việt Nam không thể dựa mãi vào thu hút đầu tư FDI ồ ạt, đại trà, phải “đi săn” các nhà đầu tư có năng lực, đẳng cấp.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã tạo dựng được những cơ hội, điều kiện tạo đà cho sự xoay chuyển về mặt kinh tế trong năm 2018 nhưng thực tế vẫn mới chỉ đạt về mặt số lượng (GDP ở mức 6,81% trong năm 2017), những cái “ẩn” của nền kinh tế liên quan đến chất lượng tăng trưởng kinh tế vẫn còn đó.
Theo quan sát của báo chí, trong khi phần lớn mọi người khá hồ hởi với kết quả rất ấn tượng ở năm 2017 thì Viện trưởng luôn có những lời bình luận và nhận định rất chừng mực, thậm chí Viện trưởng còn nói rằng “không nên quá tự hào”?
PGS.TS Trần Đình Thiên,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. |
PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi không có ý phủ nhận, nhưng mức tăng trưởng ấy có gì ghê gớm đâu. Có người nói lẽ ra tăng trưởng 8-9% là trong tầm tay, nhưng tôi cho là với nền kinh tế 200 tỷ đô la như Việt Nam thì có tăng trưởng 15% cũng chưa phải là chuyện lớn.
GDP ở mức 6,81% - đấy mới là về số lượng. Vấn đề đáng quan tâm là chất lượng tăng trưởng, chất lượng của các con số và chất lượng của cơ cấu nền kinh tế. Cơ chế tăng trưởng, cơ cấu ngành, vùng còn chưa thay đổi. Khu vực kinh tế nhà nước vẫn cứ yếu kém, càng ngày càng yếu. Thu nhập đầu người mới có hơn 2.000 USD, có gì mà tự hào trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác phát triển cao liên tục trong hàng chục năm.
Tuy khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò trong nền kinh tế nhưng chưa có sự thay đổi lớn, dù số DN tư nhân năm qua tăng rất mạnh nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 8% GDP, số lượng DN nhỏ, thậm chí nhỏ li ti, vẫn rất nhiều và vẫn thiếu liên kết. Nếu cứ li ti, hoạt động lẻ tẻ, manh mún mãi như hiện nay thì không thể ra “chiến đấu” và phát triển nhanh được. Nếu không có sự liên kết với nhau, các DN này sẽ suy yếu đi.
FDI cũng đạt mức kỷ lục, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng đạt mức kỷ lục: 425 tỷ USD nhưng xuất khẩu vẫn nghiêng về khu vực FDI và giá trị gia tăng mà Việt Nam đạt được còn rất thấp.
Năm 2017 cũng có điểm rất đặc biệt cần lưu ý đó là tiền có nhiều nhưng giải ngân vốn đầu tư nhà nước rất khó khăn do vướng mắc về cơ chế, thể chế gây ra nhiều thách thức cho nền kinh tế. Nếu đầu tư công được thúc đẩy đúng mức sẽ giúp giảm chi phí xã hội rất nhiều. Đầu tư công, với sự tham gia quá nhiều của khối tư nhân (được thể hiện qua các dự án BOT) cũng dẫn đến những phí tổn mới mà người dân, xã hội phải gánh, phải chi trả. Gánh nặng chi phí cho DN như chi phí logistics cao tương đương 18-20% GDP trong đó chi phí giao thông khoảng 16%. Điều này cho thấy gánh nặng phí BOT với DN đang rất lớn. Bên cạnh đó nguồn nhân lực, yếu tố quyết định đến tương lai nền kinh tế chưa được cải thiện gì cả.
Để phát triển cả lượng và chất chúng ta cần làm gì, dựa vào đâu?
Để phát triển, cần xây dựng chiến lược phát triển DN Việt Nam với lộ trình rõ ràng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đặc sản, phát triển du lịch đẳng cấp cao và phát triển công nghệ cao hướng tới công nghiệp 4.0 cũng là những đầu việc sẽ góp phần tạo sự xoay chuyển trong năm 2018.
Những việc cần làm ngay làm luôn làm tiếp tục, đó là Chính phủ mạnh tay xử lý tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, phải gia tăng áp lực đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh hơn. Cần tháo gỡ những trói buộc với DN như giấy phép con, điều kiện kinh doanh, giảm thanh kiểm tra, giảm gánh nặng chi phí cho DN. Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp cũng cần xem lại. Khởi nghiệp cần đẳng cấp, gắn với các sáng kiến, đổi mới sáng tạo công nghệ cao cần khuyến khích. Tuy nhiên, không thể phát triển khởi nghiệp kiểu phong trào. Khởi nghiệp không thể phát triển như phong trào lập nghiệp. Như thế lực lượng DN hoạt động mới thực chất.
Năm 2018 cũng cần có cách nhìn khác và chiến lược khác về thu hút FDI. Kinh tế Việt Nam không thể dựa mãi vào thu hút đầu tư FDI ồ ạt, đại trà. Không để tình trạng ai vào cũng chấp nhận để lập thành tích, để lấp đầy các khu công nghiệp bằng mọi giá mà phải “đi săn” các nhà đầu tư có năng lực, đẳng cấp.
Mặc dù đã có khá nhiều nỗ lực thúc đẩy các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng kết quả tái cơ cấu chưa rõ nét, vì sao?
Nếu chúng ta đã rất cố gắng, nhưng không có kết quả rõ nét, thì hoặc là chưa đủ cố gắng, hoặc là cách làm chưa đúng. Cần phải thay đổi phương pháp tái cơ cấu nền kinh tế, khi những cách làm cũ đã tới hạn.
Cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam đã bước sang một giai đoạn rất khác so với những năm đầu tiên khởi động chương trình này.
Chính phủ đang rất quyết liệt với khu vực DNNN, với cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi DN. Nhưng cách thức cải cách khu vực DNNN cần thay đổi, vì phần vốn nhà nước thoái mới khoảng 8%, cho dù số lượng DN cổ phần hóa không hề nhỏ. Và quan trọng hơn cả là thay đổi tư duy không thể tiếp tục coi DNNN là trụ cột. Cách cổ phần hóa, thoái vốn hiện tại vẫn dền dứ trong tư duy “DNNN là trụ cột”, vẫn dền dứ muốn giữ lại một khoản thu cho ngân sách. Mục tiêu cổ phần hóa là để nguồn lực nhà nước làm việc khác, không phải để kinh doanh. Khi Nhà nước thoái vốn mạnh, có thêm nguồn vốn tư nhân tham gia vào sẽ mang lại sự thay đổi lớn về quản trị, thương hiệu và các DN đang được coi là có thương hiệu sẽ phát triển theo hướng thị trường mà không cần vốn nhà nước.
Để tái cơ cấu có kết quả, các nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế phải theo phương thức khác, cách làm khác, không thể chỉnh sửa hay điều chỉnh những công thức cũ mà cần phải có phương pháp mới.
Cảm ơn Viện trưởng đã trả lời phỏng vấn!