Kinh tế cũng cần tuần hoàn
Sự tuần hoàn trong thiên nhiên là lẽ đương nhiên mang tính quy luật. Như mặt biển, mặt hồ nước bốc hơi tạo thành mây, mây làm mưa xuống cho sông, biển, ao, hồ lại có nước. Như vạn vật không mất đi mà chuyển từ dạng này sang dạng khác, dạng nọ hỗ trợ, tạo nên dạng kia. Nhưng đó là sự tuần hoàn của ông trời, còn sự tuần hoàn trong đời sống kinh tế, nhất là sự tác động của con người đến sự tuần hoàn này thì gần đây ở nước ta mới nói đến, bước đầu hiểu được quá trình cụ thể, như giữa rác thải và sản xuất, bảo vệ môi trường, làm kinh tế xanh.
Nền kinh tế tuần hoàn là một bước đi quan trọng trên hành trình bảo vệ hành tinh xanh. Chỉ riêng việc tái chế rác thải cũng sẽ góp phần đáng kể bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm những tác động tiêu cực đến môi trường, sử dụng vật liệu tái chế sẽ giúp giảm đáng kể mức độ ô nhiễm so với sử dụng vật liệu mới.
Theo các chuyên gia kinh tế và môi trường, người ta bắt đầu một quy trình là làm ra hàng hóa, sử dụng hàng hóa và kết thúc quá trình là xử lý đồ thừa, chất thải. Trước đây người ta chỉ biết thải rác là kết thúc cuối cùng của quá trình, còn ngày nay người ta cho đây là một quá trình không có điểm kết thúc. Mà nên vận dụng nó trong sự tuần hoàn, biến những thứ sử dụng không hết, biến cái hết tác dụng hôm nay thành nguồn lực sử dụng cho ngày mai.
Chuỗi cung ứng tuần hoàn gồm sản xuất, sử dụng, tái chế cái thừa, thải thành những thứ có thể tạo ra thứ tái sử dụng, vừa không lãng phí, vừa tạo tiềm năng rất lớn cho ngành công nghiệp tái chế, đáp ứng phần không nhỏ cho nhu cầu nguyên liệu ngày một gia tăng. Quan trọng hơn nữa là xử lý được rác thải từ nhiều nguồn, hàng nghìn tấn mỗi ngày ở mỗi thành phố lớn, cũng đâu có ít ở các làng quê thời hiện đại dân đông, tiêu dùng lắm xả rác ra cũng lắm, để rồi cùng với rác từ các cơ sở sản xuất, nếu không dọn dẹp tốt, rác thải sẽ ngập ngụa đường làng ngõ xóm và gây tật bệnh cho mọi người.
Lâu nay khắp phố cùng quê, rác thải vẫn chưa được thu gom xử lý một cách triệt để, mà chỉ xả thải tùy tiện, nếu có xử lý vẫn chủ yếu là chôn lấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh ô nhiễm. Nhưng nếu sử dụng công nghiệp tái chế sẽ tận dụng một phần làm nguyên liệu, lại lợi thế hơn nguyên liệu thô là giảm được chi phí khai thác, vận chuyển nguyên liệu thô, dành và bảo vệ được nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Lợi ích của sự vận dụng kinh tế tuần hoàn thì ai cũng thấy, nhưng điểm nghẽn của việc triển khai đối với doanh nghiệp và của cộng đồng xã hội là chưa biết cách gầy dựng và tiến hành thế nào cho thực hiệu quả, lại cũng chưa được sự hỗ trợ cao, vẫn thiếu một khung pháp lý phù hợp, không dễ vay vốn, gặp nhiều khó khăn trước sự quản lý còn nhiều bất cập của một số cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, sự nhạy cảm của ngành nghề tái chế dễ gây tác hại môi trường.
Trong khi đó nếu phát triển tốt kinh tế tuần hoàn cũng là một cách phát triển nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Đáng tiếc là nhiều doanh nghiệp chưa hiểu thế nào là dự án xanh hay thế nào là tăng trưởng bền vững và mối quan hệ giữa kinh tế tuần hoàn với tăng trưởng xanh, họ thường cho rằng yếu tố xanh hay tăng trưởng xanh dễ tăng chi phí sản xuất đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, phải có cách đánh giá đúng từ các cấp quản lý, điều kiện thuận lợi về vốn và về pháp lý, chứ bản thân họ, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì còn rất yếu kém. Thế nhưng trong bối cảnh kinh tế xã hội đang rất phát triển, nhà máy mọc lên thêm, hàng hóa làm ra cũng gia tăng mạnh, đời sống người dân ngày một cải thiện kéo theo việc gia tăng mua và sử dụng hàng hóa nhiều, thải rác ra cũng lắm, khiến thêm khó xử lý rác thải.
Mặt khác, bản thân quá trình sản xuất phát triển cũng cần nhiều nguyên liệu, nhất là nguyên liệu giá rẻ, thì nguyên liệu từ tái chế rác thải là rất phù hợp. Cộng cả hai điều trên, rõ ràng là việc xử lý tốt rác thải, rộng ra là phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ góp vào tăng trưởng xanh, là một bộ phận của kinh tế xanh và để khuyến khích kinh tế tuần hoàn cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước. Cần cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin kinh tế và thị trường, giúp họ xây dựng các dự án sản xuất kinh doanh gắn với yếu tố tuần hoàn, tận dụng phế thải, rác thải kết hợp với bảo vệ môi trường.
Vận dụng tốt, hiệu quả quy trình tuần hoàn giữa sản xuất, tiêu thụ và xử lý rác thải chính là cách tiết kiệm, tận thu trong sản xuất, thân thiện với môi trường. Những yếu tố này có thể thực hiện trong thiết kế sản phẩm, chuẩn bị nguyên vật liệu đầu vào, kết hợp giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp làm dịch vụ cung cấp hàng với doanh nghiệp, hộ tái chế phế liệu, rác thải, cùng nhau xử lý rác thải.
Để nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà nước, từ phía ngân hàng, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng những yêu cầu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, như năng lực quan trị điều hành, uy tín tín dụng, sản phẩm đầu ra đạt chất lượng cao, sử dụng nguyên liệu mới cùng với nguyên liệu tái chế, không gây tác hại đến môi trường. Về phương diện quản lý nhà nước, cần phải vượt qua tồn tại là chưa có một hệ thống quản lý vững mạnh với đầy đủ chế tài trong việc kiểm soát các hoạt động tái chế rác thải, phế liệu và hoạt động bảo vệ môi trường để có thể phát triển nền kinh tế tuần hoàn với sự đồng thuận của nhà nước, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó cùng chung tay đẩy mạnh việc thực hiện mô hình nền kinh tế tuần hoàn, góp phần giải quyết các thách thức về môi trường và tăng trưởng bền vững. Nên chăng là có sự kết hợp giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa với các cơ quan quản lý môi trường về xử lý rác thải, cả với các doanh nghiệp hộ kinh doanh tái chế rác thải.
Kinh nghiệm của thế giới gợi mở cho chúng ta nhiều khi họ đang chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, khiến chất thải thay vì bị vứt bỏ lãng phí và gây ô nhiễm môi trường lại được hồi sinh thành các nguồn lực khác nhau trong đó có nguyên liệu trở lại quy trình sản xuất và sử dụng. Tin rằng các chính sách của Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai nhanh, mạnh nền kinh tế tuần hoàn kết hợp với kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, có sự ủng hộ từ trung ương đến các tỉnh, thành phố.