Làm gì để phát triển nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam?

PV.

Thời gian gần đây, thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” hay mô hình kinh tế chia sẻ được đưa ra bàn luận trên nhiều diễn đàn. Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1/2018 mới được ban hành, Chính phủ đã thống nhất xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mô hình kinh tế chia sẻ là gì?

"Kinh tế chia sẻ" (Sharing economy) là cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Theo ông Yuhei Okakita, "kinh tế chia sẻ" có thể được định nghĩa là hoạt động tái thiết kinh tế, trong đó các cá nhân ẩn danh có thể sử dụng các tài sản nhàn rỗi (bao gồm cả các tài sản vô hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi), được sở hữu bởi các cá nhân khác thông qua các nền tảng kết hợp trên Internet.

Một số chuyên gia cho rằng, "nền kinh tế chia sẻ” là một thuật ngữ đề cập đến mô hình kinh doanh khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng cuối cùng và kết hợp với các yếu tố công nghệ để hợp thành một mô hình kinh doanh. Theo đó, mô hình này thường do các doanh nghiệp khởi nghiệp khởi xướng – đối tượng này không sở hữu bất kỳ một nhà máy hay một kho hàng nào nhưng lại có cả một kho tài nguyên sẵn có trên toàn cầu và luôn sẵn sàng gia nhập vào hệ thống.

Khái niệm nền kinh tế chia sẻ được bắt đầu manh nha từ năm 1995, khởi điểm tại Mỹ với mô hình ban đầu có tính chất “chia sẻ ngang hàng” nhưng không rõ rệt. Mô hình kinh doanh này thực sự phát triển mạnh mẽ khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng năm 2008, người dân buộc phải thay đổi cách tiêu dùng để thích ứng với bối cảnh khó khăn.

Việc “chia sẻ” những tài nguyên sẵn có bằng các ứng dụng công nghệ cùng những khoản lợi nhuận khổng lồ đem lại cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê và sử dụng tài nguyên, đã khiến mô hình kinh doanh này nhanh chóng phát triển vượt ra khỏi biên giới Mỹ, lan rộng khắp châu Âu và toàn thế giới.

Thách thức phát triển kinh tế chia sẻ ở Việt Nam

Tại Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ bắt đầu xuất hiện gắn với các tên tuổi từ nước ngoài như Uber, Grab, Airbnb cũng như nhiều start-up trong nước như Ahamove, jupviec.vn, Cơm mẹ nấu... Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, tính đến thời điểm này, kinh tế chia sẻ tại Việt Nam chưa thực sự phát triển, mặc dù việc cho thuê những tài sản ít sử dụng đã và đang tồn tại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cũng nhận định nhìn chung sự phát triển của các dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ trong thời gian vừa qua còn mang tính tự phát, trong khi các cơ quan quản lý còn khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình này. Chẳng hạn, mô hình này đang gây khó cho cơ quan quản lý kiểm soát nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với xã hội, nghĩa vụ với các đối tượng tham gia. Đặc biệt vấn đề an toàn cho người tiêu dùng rất khó quản lý. 

Hiện nay, hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của nước ta như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật giao dịch điện tử… và các quy định về thuế hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ. Hiện chưa có được những khung khổ pháp luật chặt chẽ để quản lý các mô hình hoạt động của kinh tế chia sẻ. 

Ngoài ra, mô hình Kinh tế chia sẻ còn tồn tại một số hạn chế khác như nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp truyền thống do doanh nghiệp tham gia nền kinh tế chia sẻ không đảm bảo dịch vụ của họ đạt chuẩn theo quy định của pháp luật.

"Kinh tế chia sẻ" cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách tại Việt Nam, bao gồm môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; Kiểm soát việc minh bạch về thông tin; Quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; Quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; chống thất thoát thuế và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội. 

Làm gì để phát triển nền kinh tế chia sẻ? 

Sự nở rộ của dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ nói chung và nền kinh tế chia sẻ nói riêng tại Việt Nam cũng đang cho thấy mối lo ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng đắn. 

Mới đây, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1/2018 mới được ban hành, Chính phủ đã thống nhất xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ; phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan dự báo xu hướng thế giới, vận dụng phù hợp với tình hình Việt Nam, tổ chức xây dựng Đề án, bảo đảm tính khoa học, khả thi, đúng hướng; Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2018. Chính phủ cũng phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Đề án này.

Theo các chuyên gia kinh tế, để phát triển nền kinh tế chia sẻ bền vững tại Việt Nam, Chính phủ cần sớm điều chỉnh và bổ sung kịp thời các văn bản pháp quy để quản lý tốt hoạt động kinh doanh theo mô hình Kinh tế chia sẻ và khai thác tối đa tiềm năng của mô hình này, qua đó giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hệ thống pháp luật sẽ giúp điều chỉnh mọi hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ, vừa đảm bảo môi trường thuận lợi cho nó phát triển, vừa tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa nền kinh tế này với mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống. Hành lang pháp lý cũng giúp Chính phủ Việt Nam kiểm soát được khoản thuế từ các công ty cung ứng dịch vụ và “người chia sẻ tài sản”. 
Bên cạnh đó, các chủ thể muốn khởi nghiệp với mô hình kinh tế chia sẻ, cần có những bước chuẩn bị về nguồn cung, đào tạo nhân lực và xây dựng niềm tin để tạo dựng thương hiệu. Cần tập trung đầu tư phát triển mạng lưới internet, nâng cấp đảm bảo tính bảo mật tài khoản thanh toán trực tuyến, tạo một nền tảng tốt cho sự phát triển và thành công của kinh doanh chia sẻ...