Phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam: Những rào cản và giải pháp khắc phục
Trong hơn ba thập kỷ qua, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có bước phát triển cả về lượng và chất. Khu vực này đã và đang góp phần tích cực giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội cơ bản của đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản, khiến cho khu vực này chưa phát huy được hết tiềm năng để thực sự đóng vai trò là “động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Những rào cản phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam
Trong hơn ba thập kỷ qua, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có bước phát triển cả về lượng và chất, góp tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội cơ bản của đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản. Cụ thể:
Thứ nhất, các rào cản có liên quan đến tư duy lý luận và nhận thức đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Sau hơn 30 năm đổi mới, đến nay, đường lối và quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân luôn nhất quán, liên tục được hoàn thiện, đổi mới, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nhằm đạt được sự thống nhất cao về tư tưởng để chỉ đạo thực hiện. Cụ thể là việc xác định rõ nội hàm xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường, vai trò của kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước…
Thứ hai, các rào cản liên quan đến khung khổ pháp luật cho sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Việt Nam đã sửa đổi Hiến pháp, ban hành nhiều đạo luật từ Bộ Luật dân sự, đến các Luật như: Thương mại, Ngân hàng, Đầu tư, doanh nghiệp (DN)… Tuy nhiên đến nay, hệ thống thể chế và pháp luật của Việt Nam theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế vẫn còn chưa hoàn thiện và đầy đủ. Trong những năm qua, số lượng văn bản pháp luật tăng nhanh, trong khi chất lượng của nhiều văn bản chưa đảm bảo; việc lấy ý kiến công chúng tuy đã được cải thiện nhưng chưa thực sự thay đổi về chất… Còn nhiều quy định chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, phức tạp và chồng chéo, dẫn tới tình trạng các cơ quan thừa hành và các DN lúng túng trong việc chấp hành luật.
Thứ ba, các rào cản liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh.
- Rào cản về gia nhập thị trường quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ; môi trường kinh doanh chưa thực sự bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh; việc gia nhập, hoạt động và rút khỏi thị trường còn nhiều rào cản.
- Rào cản đối với tiếp cận thông tin và nguồn lực (vốn, đất đai). DN tư nhân (DNTN) có quy mô nhỏ thường gặp khó khăn hơn trong tiếp cận thông tin so với các DN ngoài nhà nước với quy mô lớn. Các DNTN cũng luôn gặp phải những vấn đề khó khăn trong tiếp cận đất đai và mặt bằng cho sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, các rào cản có liên quan đến việc thực thi các quy định đối với hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân. Mặc dù thời gian qua, một số bộ, ngành đã có những cải cách tích cực về các quy định liên quan như thành lập DN, tiếp cận điện năng, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... nhưng thực tế cho thấy, vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định và thực thi các luật này. Ví dụ: Mặc dù, Luật DN và Luật Đầu tư 2014 đã có nhiều cải cách nhưng vẫn còn khá nhiều rào cản dưới luật gắn với các quy định về điều kiện kinh doanh như các “giấy phép con”. Trong số 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, thì có đến 2.833 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền, bao gồm các văn bản được ban hành trước và sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành.
Thứ năm, các rào cản liên quan đến chi phí không chính thức. Việc phải trả các khoản chi phí không chính thức là một gánh nặng lớn mà các DNTN. Giá trị của các khoản chi phí không chính thức so với doanh thu của của DNTN tương đối lớn.
Thứ sáu, các rào cản liên quan đến sự bất bình đẳng trong cơ chế chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân trong tương quan so sánh với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các DN nhà nước (DNNN) vẫn được hưởng nhiều ưu ái từ Nhà nước. Những ưu ái này gây méo mó thị trường, hậu quả là nguồn lực chưa được bố trí vào nơi sử dụng hiệu quả nhất. DNNN ngoài ưu thế được cấp vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với DNTN trong việc tiếp nhận các nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng, ngân hàng; có ưu thế lớn hơn nhiều trong tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh. DNNN ở các lĩnh vực độc quyền nhà nước như điện, nước, xăng dầu, dịch vụ công ích thiết yếu, cơ chế định giá chưa theo cơ chế thị trường và tính minh bạch trong cơ chế giá còn thấp.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2017 |
Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân trong nước lại chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ phía các DN nước ngoài trong bối cảnh hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ. Một nghiên cứu định lượng của các giảng viên trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra rằng, áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm phá sản hoặc buộc các DN nhỏ và vừa của Việt Nam phải lui về các ngành thâm dụng lao động với năng suất thấp.
Thứ bảy, các rào cản liên quan đến hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước.
Bộ máy quản lý nhà nước đối với hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, chưa thực sự hiệu quả và nặng về cơ chế xin - cho. Theo Bộ Chỉ số xếp hạng quản trị quốc gia của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hiệu quả chính quyền của Việt Nam mặc dù có sự cải thiện nhưng vẫn luôn nằm dưới điểm trung bình của thế giới. Xét về tổng thể, Việt Nam vẫn xếp hạng dưới mức trung bình của thế giới về năng lực quản trị quốc gia.
Thứ tám, các rào cản do năng lực nội tại thấp và trong nhiều trường hợp, văn hóa kinh doanh còn nhiều bất cập.
Trong quá trình phát triển, các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng bộc lộ nhiều hạn chế: Các DN chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính, trình độ trang bị kỹ thuật và năng lực cạnh tranh thấp kém; nhiều DN ngoài nhà nước và hộ tiểu chủ, cá thể thực hiện kinh doanh theo tình huống ngắn hạn, chưa có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của Nhà nước còn hạn chế.
Giải pháp khắc phục những rào cản thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân
Để xóa bỏ các rào cản và thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới cần thực hiện các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, nhóm giải pháp về hoàn thiện lý luận và thống nhất về nhận thức.
Trước hết, cần nhận thức rõ hơn về chức năng của Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều kiện tiên quyết để tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Vai trò của Nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội không phải là sự tranh chấp với thị trường, mà là kiến tạo thị trường qua việc xây dựng hạ tầng kinh tế, kỹ thuật “cứng” và hạ tầng kinh tế, kỹ thuật “mềm” cho nền kinh tế, làm cho thị trường hoạt động tốt hơn. Thước đo tốt nhất để đánh giá vai trò của Nhà nước là mức độ lành mạnh của thị trường.
Bên cạnh đó, cần phân định rõ hơn chức năng, vai trò của khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân. Việc xác định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” không hàm ý sự phân biệt đối xử “vai trò chủ đạo” so với “động lực quan trọng”, mà với ý nghĩa là tùy thuộc vào chức năng của mỗi khu vực kinh tế để xác định vị trí, chỗ đứng của chúng.
Có thể thấy, trong 30 năm đổi mới, việc hình thành và đa dạng hóa các hình thức sở hữu đã quy định các thành phần kinh tế tương ứng. Tuy nhiên, nhận thức về chế độ sở hữu và thành phần kinh tế hiện còn chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại. Cách phân chia “thành phần kinh tế” dễ dẫn đến việc phân biệt đối xử và không còn phù hợp với thực tiễn và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Thứ hai, nhóm giải pháp thiết lập nền tảng cơ bản cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Một là, tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, cơ cấu lại nền kinh tế, dịch chuyển từ phát triển các lĩnh như khai thác tài nguyên, bất động sản… sang các lĩnh vực sản xuất công nghệ, nông nghiệp và dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh như du lịch… Cần tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, tham gia rộng rãi vào quá trình cổ phần hóa các DNNN, hưởng các ưu đãi về lãi suất, vay vốn, đào tạo, thuế, thủ tục hành chính… khi tham gia vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới.
Hai là, hoàn thiện thể chế phân bổ nguồn lực để huy động và sử dụng có hiệu quả cao nhất là các nguồn lực của Nhà nước. Cần có những giải pháp đột phá để chấm dứt cơ chế xin - cho trong phân bổ nguồn lực NSNN; quản lý NSNN một cách chặt chẽ, minh bạch từ Trung ương tới địa phương và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện các dự án phát triển của Nhà nước; tăng cường trách nhiệm của người đề xuất, người phê duyệt và người quản lý, thực hiện dự án, công khai minh bạch trong quá trình đấu thầu, tránh việc lợi dụng các quan hệ thân hữu để đạt được gói thầu, vay vốn nhà nước.
Ba là, tạo lập môi trường thực sự bình đẳng, dỡ bỏ các rào cản cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển; đoạn tuyệt hoàn toàn những phân biệt đối xử trên thực tế với khu vực kinh tế tư nhân; đẩy mạnh cổ phần hóa tất cả các DNNN đang thực hiện chức năng “kinh doanh”, tạo cơ hội tham gia cho khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu tư nhân về tài sản để các DNTN yên tâm kinh doanh lâu dài, phát triển một cách lành mạnh.
Bốn là, nâng cao chất lượng thể chế và quản trị của khu vực kinh tế tư nhân; phát triển văn hóa DN lành mạnh, hình thành một đội ngũ doanh nhân có trách nhiệm với xã hội, chấp nhận những chuẩn mực trong sạch, minh bạch, nói “không” với nạn hối lộ, tham nhũng trong kinh doanh.
Năm là, xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích áp dụng công nghệ và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo. Chính sách công nghiệp cần tạo ra bầu không khí hợp tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân hơn là chỉ đơn thuần cung cấp các ưu đãi tài chính; cần phải dựa vào cả “cà rốt” (các ưu đãi) và “cây gậy” (các biện pháp hành chính) để hướng khu vực tư nhân vào những lĩnh vực được xác định; cần ưu tiên phát triển một cách minh bạch và có trách nhiệm mở rộng cho tất cả các bên có liên quan có thể tham gia.
Sáu là, phát triển kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực để nâng cao tính sẵn sàng về công nghệ cho khu vực tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp. Phát triển các hệ thống kết cấu hạ tầng xương sống như mạng thông tin, internet, giao thông...; xây dựng các trung tâm kiểm định, hệ thống thương hiệu và cấp chứng chỉ sản phẩm cho khu vực kinh tế tư nhân; xây dựng những “thành phố đáng sống”, những đặc khu kinh tế có mức độ tự do và tự chủ cao, kết nối với hệ thống đô thị toàn cầu, là nơi thu hút nhân tài đến sinh sống, khởi nghiệp và làm việc.
Bảy là, thiết lập nền quản trị quốc gia tốt, thực hiện chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ phát triển. Xây dựng hệ thống dịch vụ công hiệu quả; cải cách mô hình cung ứng dịch vụ công theo hướng tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng. Hoàn thiện hệ thống giải quyết tranh chấp, xét xử, bảo vệ quyền sở hữu tài sản, tạo điều kiện cho tiến hành các thủ tục phá sản DN theo tinh thần thượng tôn pháp luật; đảm bảo nguyên tắc toà án độc lập có hiệu lực trên thực tế, bảo vệ công lý. Tiếp tục đa dạng hoá, mở rộng các dịch vụ như: Luật sư, tư vấn kinh doanh, trọng tài...
Tám là, xây dựng bộ máy hành chính có trách nhiệm giải trình đối với công chúng, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề lợi ích nhóm đối với chính sách. Áp dụng mạnh mẽ chính phủ số ở mọi lĩnh vực để giảm thiểu và hiện đại hóa thủ tục hành chính, hạn chế tham nhũng, tăng cường tính minh bạch và tiếp nhận được sự phản hồi của người dân. Thiết lập các cơ chế đối thoại liên tục nhằm giám sát nền hành chính công và dỡ bỏ những rào cản, bất cập xuất hiện trong quá trình thực thi chính sách.
Thứ ba, nhóm giải pháp đối với từng nhóm đối tượng của khu vực kinh tế tư nhân.
Đối với nhóm DN lớn: Cần có chính sách công nghiệp phù hợp với vai trò kiến tạo, định hướng của Nhà nước để tạo môi trường cho việc hình thành các DNTN lớn hoạt động trong những ngành nghề mới, đặc biệt là các lĩnh vực dựa vào công nghệ. Các DNTN lớn của Việt Nam cần xây dựng một lộ trình để phát hành cổ phiếu thành công trên thị trường chứng khoán quốc tế và cần một chiến lược hướng vào xuất khẩu, thay vì tập trung vào một số ngành then chốt được bảo hộ nội địa.
Đối với nhóm DN nhỏ và vừa: Cần thiết lập các cụm liên kết ngành sản xuất linh kiện, đòi hỏi quy mô đầu tư vốn vừa phải và độ tinh vi công nghệ ở mức trung bình. Chính phủ và chính quyền địa phương cần định hướng, tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng cụm liên kết ngành điện tử, công nghệ thông tin, chế biến lương thực, thực phẩm, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong những lĩnh vực này. Mở rộng quy mô, hoàn thiện quy chế của các Quỹ Hỗ trợ phát triển DN vừa và nhỏ; mở rộng đối tượng, phạm vi của cơ chế bảo lãnh tín dụng. Chuẩn hoá các tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán, các tiêu chí đánh giá và định mức tín nhiệm DN để giảm mức độ rủi ro của các khoản cho vay DN vừa và nhỏ...
Đối với nhóm DN khởi nghiệp: Khuyến khích, động viên, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp; thúc đẩy khởi nghiệp trở thành phong trào sâu rộng trong xã hội, coi trọng tính hiệu quả, tránh hình thức coi trọng chất lượng hơn số lượng; Thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, giúp các doanh nhân vượt qua rào cản về vốn, rủi ro, nguồn nhân lực... để hiện thực hóa các ý tưởng; Cần giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm thuế, tạo điều kiện cho các khu vực làm việc chung, vườn ươm DN và các tổ chức cung ứng dịch vụ tư vấn pháp luật, kế toán, kiểm toán, định giá tài sản, chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư... cho DN khởi nghiệp phát triển mạnh.
Đối với khu vực phi chính thức: Cần khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức chuyển đổi thành DNTN một cách tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của bản thân các cơ sở này. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ khu vực này phát triển thông qua giảm gánh nặng về thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra, chi phí không chính thức, thuế cho các hộ sản xuất kinh doanh; tạo thuận lợi cho các hộ thuê mướn, tuyển dụng, sa thải và chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ thích đáng khu vực phi chính thức trong đào tạo nghề.
Đối với nhóm DN trong nông nghiệp và ở nông thôn: Để tạo đột phá phát triển phải chuyển từ mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình sang mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, dựa vào DN và trang trại, hoạt động theo cơ chế thị trường. Để tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, cần dỡ bỏ hạn điền, có cơ chế tạo thuận lợi để người nông dân cho thuê đất nông nghiệp một cách lâu dài; Chính quyền địa phương cần hỗ trợ các DN trong việc thuê đất từ các hộ nông dân nhỏ lẻ. Đặc biệt, cần đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với DN, nhà khoa học và người nông dân để tháo gỡ, hạn chế khó khăn cho người nông dân, DN.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2014), Sách trắng về DN nhỏ và vừa ở Việt Nam, Hà Nội, NXB Thống kê;
2. CIEM (2010), Phát triển kinh tế tư nhân, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương;
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, NXB Sự thật, Hà Nội, 1991;
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (1993), Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;
5. Đậu, Tuấn Anh (2016), DN nhỏ và vừa tư nhân Việt Nam kinh doanh trong chật vật, Diễn đành Kinh tế Việt Nam 2016, Hà Nội;
6. Nguyễn Sơn Hồng & Trần Tuyến Quang (2014a), Báo cáo tổng kết 30 năm công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội;
7. Doan Tinh, Nguyen Son, Vu Huong, Tran Tuyen & Lim Steven (2015). Does rising import competition harm local firm productivity in less advanced economies? Evidence from the Vietnam’s manufacturing sector. The Journal of International Trade & Economic Development(ahead-of-print), 1-24.