Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn hiệu quả
Chiều 22/8, Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) tổ chức Toạ đàm lấy ý kiến vào dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (Luật số 69/2014/QH13).
Đảm bảo hiệu quả công tác quản lý và đầu tư vốn nhà nước
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Lê Mạnh Sơn – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, đây là một trong những luật quan trọng tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội, đặc biệt các DN. “Họạt động lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động bởi Luật đã được Bộ Tài chính thực hiện rất nghiêm túc, được sự ủng hộ, phản hồi rất tích cực từ các chủ thể khác nhau”, Phó Tổng giám đốc PVN cho hay.
Lãnh đạo PVN nêu rõ, PVN là tập đoàn kinh tế lớn, do đó, dự án Luật này chắc chắn sẽ có tác động đến toàn bộ hoạt động công ty mẹ và các công ty thành viên của Tập đoàn. Vì vậy, ông Lê Mạnh Sơn khẳng định, việc hoàn thiện pháp luật cho hoạt động quản lý vốn nhà nước tại DN sẽ đảm bảo hiệu quả công tác quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN sử dụng vốn hiệu quả, DN chủ động nguồn vốn đó để sản xuất, kinh doanh không bị vướng mắc, không bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính.
Quy định về phân phối lợi nhuận sau thuế, trong đó có trích lập Quỹ đầu tư phát triển là một trong những nội dung quan trọng nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu tại Toạ đàm. Ông Trần Thái Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho rằng, việc phân phối lợi nhuận cần giao lại cho DN quyết định để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật DN, cũng như điều lệ công ty, để thu hút đầu tư…. Lãnh đạo BSR cũng đồng tình với tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển tại DN như đề xuất của phương án 3 tại dự thảo.
Đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam cũng đồng tình với các đề xuất về Quỹ Đầu tư phát triển tại DN ở mức trích lập từ 50-80% lợi nhuận sau thuế. Đồng thời, đơn vị này cũng đề nghị việc phân phối lợi nhuận giữ nguyên như các quy định hiện hành tại Nghị định số 53/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, theo Nghị định số 53/2016/NĐ-CP, quỹ khen thưởng, phúc lợi của người lao động tối đa không quá 3 tháng tiền lương bình quân thực hiện, nếu lợi nhuận được thực hiện bằng lợi nhuận kế hoạch. Trường hợp lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận kế hoạch thì được trích thêm quỹ khen thưởng, phúc lợi bằng 20% lợi nhuận thực hiện vượt, nhưng tối đa không quá 3 tháng tiền lương bình quân thực hiện.
Phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN
Góp ý thêm tại Toạ đàm, ông Trần Thái Bảo bày tỏ nhất trí với tinh thần của Dự thảo Luật là bảo đảm nguyên tắc "Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn nhưng không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của DN". Các quy định tại Dự thảo cũng góp phần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tạo chủ động, phát huy tính năng động, sáng tạo của DNNN, cùng với việc có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh làm thất thoát tài sản nhà nước.
Về phân cấp đầu tư của DN cấp 2, theo Dự thảo Luật, các hoạt động đầu tư, bao gồm thẩm quyền phê duyệt đầu tư, chủ trương đầu tư, phải báo cáo và xin ý kiến cơ quan chủ sở hữu trước khi quyết định. Tuy nhiên, BSR kiến nghị các nội dung này giao cho DN thực hiện quyết định; đồng thời dự thảo không quy định thủ tục xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với hoạt động đầu tư của DN.
Phó Tổng Giám đốc BSR cũng nêu rõ, không nên quy định DN F2 thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật để đảm bảo và phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN; hạn chế việc quản lý, cũng như can thiệp sâu của cơ quan quản lý vào hoạt động của DN theo tinh thần của Nghị quyết số 12/NQ-TW ngày 30/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lai, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.
Đặc biệt, BSR cho rằng, việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với DN có vốn đầu tư của DNNN (F2) như quy định tại dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN là chưa đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng giữa DNNN với các DN của các thành phần kinh tế khác.
Cũng góp ý về vấn đề đối tượng áp dụng, đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam cho rằng, dự thảo quy định đối tượng áp dụng là các DN có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và DN có vốn nhà nước đầu tư khác (DN có vốn đầu tư của DN có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp) sẽ tăng trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý, điều hành; tăng thêm thủ tục hành chính, hạn chế sự linh hoạt, chủ động của DN.
Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất của dự thảo với các luật khác, cũng như tạo sự bình đẳng với các DN khác và giúp phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, dự thảo chỉ nên quy định đối tượng áp dụng là DNNN theo quy định của Luật DN năm 2020. Đối với các DN F2 chỉ nên áp dụng đối với người đại diện phần vốn của DN F1 tại DN F2.
Qua những ý kiến của DN, ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính và ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, đầy đủ, để hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội, với kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN.