Tạo động lực cho Cần Thơ phát triển
Thời gian qua, TP. Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng. Sở, ngành và địa phương cũng chủ động đối thoại với doanh nghiệp (DN) nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Song, cơ sở hạ tầng của thành phố dù được tập trung đầu tư nhưng vẫn còn thiếu tính kết nối, huy động các nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Ðể huy động nguồn lực cho thành phố, cần chính sách thu hút đầu tư hiệu quả hơn.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố thực hiện gần 12.983,6 tỉ đồng, đạt 21,18% kế hoạch và tăng 6,35% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước thực hiện hơn 2.470,8 tỉ đồng; vốn ngoài nhà nước gần 10.253,6 tỉ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 259,6 tỉ đồng. Các nguồn vốn thực hiện đạt từ 19,86% đến 29% kế hoạch. Trong đó, vốn nhà nước và vốn ngoài nhà nước giảm, chỉ tăng nhẹ so cùng kỳ năm 2020, nhưng điểm sáng là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trên 227,5% so với cùng kỳ.
Các nguồn vốn đầu tư được sử dụng tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm và các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế... để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Thành phố. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều công trình, dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhất là các công trình giao thông đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo sức bật mới cho đô thị và cả khu vực nông thôn. Song, về yêu cầu, thì các nguồn lực đầu tư vào thành phố vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng, lợi thế phát triển.
Ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố, cho rằng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cần sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung huy động các nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành đưa vào khai thác các dự án ưu tiên theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố, như: đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ (nối quốc lộ 91 đến quốc lộ 61C); tuyến đường nối quận Ô Môn và huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang); các đường tỉnh 917, 918, 921, 923; nâng cấp mở rộng các đường đô thị quan trọng, nghiên cứu và thực hiện cải tạo các nút giao thông trọng điểm. Việc triển khai thực hiện cần gắn với mục tiêu, định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực và của địa phương tại khu vực dự án, quan tâm yếu tố mỹ quan đô thị.
Theo ông Tâm, bên cạnh đó, cần sự phối hợp của các cấp, ngành, địa phương trong đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, khẩn trương xây dựng hoàn thành các khu tái định cư của thành phố để đáp ứng kịp thời, đầy đủ nền tái định cư cho các dự án giao thông. Chủ động nghiên cứu phương án khai thác quỹ đất hai bên đường khi triển khai đầu tư các đường trục chính để thu hồi vốn đầu tư và tạo nguồn thu cho thành phố. Ðôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đi kèm với làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình.
Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị Trung ương ưu tiên huy động các nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư và hoàn thành đưa vào khai thác các dự án giao thông kết nối nội vùng và liên vận quốc tế. Nhất là các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ, luồng cho tàu vào các cảng để đảm bảo tính đồng bộ trong kết nối hạ tầng giao thông, tăng lợi thế thu hút đầu tư không chỉ riêng cho Cần Thơ mà còn cho các địa phương trong vùng ÐBSCL.
Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư
Trong 2 năm gần đây, thành phố được nhiều nhà đầu tư, DN quan tâm nhờ vị trí trung tâm vùng ÐBSCL và cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện. Trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.344 DN, đơn vị; trong đó 793 DN, vốn đăng ký 11.809 tỉ đồng, tăng 8,4% về số DN, gấp 2,46 lần về vốn so cùng kỳ.
Thành phố cũng cấp mới cho 3 dự án FDI, vốn hơn 1,31 tỉ USD và 1 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, vốn đầu tư 539 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2021, thành phố có 111 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 2.915,8ha, tổng vốn đầu tư 117.639,7 tỉ đồng. Có 84 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,04 tỉ USD và 248 dự án đang hoạt động trong khu công nghiệp, tổng vốn đăng ký hơn 1,75 tỉ USD...
Theo Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ, để phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, thành phố cần mở rộng không gian đô thị, tận dụng hiệu quả hành lang đô thị - công nghiệp kết nối với TP. Hồ Chính Minh và các tỉnh trong vùng ÐBSCL.
“Thành phố cần nhanh chóng tận dụng mọi nguồn lực, nhất là cơ chế đặc thù để huy động vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để kết nối mạng lưới giao thông vùng và hạ tầng khu công nghiệp. Xây dựng phương án và đưa vào quy hoạch các khu công nghiệp đạt chuẩn quốc tế để thu hút các nhà đầu tư lớn, là đầu tàu để đưa hàng hóa vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy DN địa phương phát triển.
Ngoài ra, để đạt hiệu quả trong thu hút đầu tư, các khu công nghiệp phải nằm ngoài các khu dân cư, các trung tâm thương mại dọc theo sông Hậu, nhưng vẫn đấu nối được với hệ thống giao thông liên vùng, vừa giảm chi phí đầu tư, vừa đảm bảo các vấn đề môi trường và phát triển bền vững” - TS. Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ, đề xuất.
Còn theo ông Lê Thanh Tâm, mặc dù trong thời qua, TP. Cần Thơ luôn tích cực, chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng nhưng tính liên kết giữa các hệ thống kết cấu hạ tầng và kết nối với các tỉnh lân cận chưa đồng bộ. Vì vậy, cần đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Ðề xuất Trung ương sớm phê duyệt và triển khai Chương trình hỗ trợ từ ngân sách Trung ương có mục tiêu phát triển bền vững vùng ÐBSCL (DPO), phát huy hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện các công trình giao thông kết nối quan trọng, tăng cường liên kết hợp tác, tạo động lực quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.
“Tập trung hoàn thành các đề án khai thác quỹ đất đã được phê duyệt hoặc chuẩn bị triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng tạo quỹ “đất sạch” đối với các dự án trọng điểm. Giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong quá trình thực hiện để đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch. Quy định cụ thể về thời gian, trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện giải phóng mặt bằng. Bố trí nguồn kinh phí đảm bảo kịp thời thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ “đất sạch” để phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Tạo điều kiện cho các DN bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai,” - ông Tâm đề xuất. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, thu hồi đất cũng cần minh bạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN đến thành phố.