Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn:
Tạo động lực cho thị trường chứng khoán
(Tài chính) “Quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Chính phủ chắc chắn thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của các NĐTNN” - đó là nhận định của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng.
Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng chia sẻ: "Với việc hàng loạt tập đoàn, tổng công ty như Vietnam Airlines, MobiFone, Vinatex… sẽ phải tiến hành IPO trong thời gian tới là nhằm đẩy mạnh hơn nữa chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của DNNN. Bởi các DN này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tạo ra bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và mang lại một cơ hội lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế của đất nước.
Đối với thị trường chứng khoán (TTCK), việc CPH các tập đoàn, tổng công ty lớn có hoạt động kinh doanh hiệu quả đồng nghĩa với việc một lượng hàng lớn, có chất lượng được đưa vào TTCK, đáp ứng được sự mong đợi của các NĐT trong và ngoài nước. Tôi cho rằng việc CPH các DN nói trên sẽ mang lại một động lực chưa từng có cho sự phát triển của TTCK Việt Nam.
Các nghị quyết của Trung ương và Chính phủ đều thể hiện rõ quyết tâm cải thiện mạnh mẽ chất lượng quản trị của các công ty được CPH theo các tiêu chuẩn trên thị trường niêm yết. Tuy nhiên, chất lượng quản trị công ty không thể thay đổi một sớm, một chiều mà cần một khoảng thời gian hợp lý. Song thực tế cho thấy, sau CPH và đặc biệt sau niêm yết, chất lượng quản trị công ty của các DNNN được CPH đều có chuyển biến tích cực".
Phóng viên: Thưa ông, định giá DN để đưa giá CP hợp lý - là một trong những trở ngại trong việc đấu giá cổ phần trước đây (do lo ngại bán rẻ tài sản nhà nước nên định giá cao) - dường như đã được tháo gỡ khi giá cổ phần nhiều DN lớn được chào bán cao không nhiều so với mệnh giá. Ông bình luận vấn đề này như thế nào?
Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng: Định giá DN là một vấn đề, nhưng bán cổ phần ở mức giá nào lại phụ thuộc khá nhiều vào tình hình thị trường. Trước đây, việc CPH các DNNN có những thời điểm gặp nhiều khó khăn do chúng ta đặt quá nhiều mục tiêu cho CPH, trong đó có những mục tiêu không thể đồng thời đạt được.
Điều quan trọng phải xác định mục tiêu quan trọng nhất của CPH là tạo ra chuyển biến trong việc quản trị, điều hành, minh bạch hóa và giám sát xã hội đối với DNNN.
Để hoàn thành CPH 432 DN từ nay đến hết năm 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì HOSE và HNX bình quân 1 ngày phải tổ chức bán đấu giá hơn 1 DNNN. Vậy UBCKNN đã có những biện pháp gì để khắc phục điều này?
Trong số các DN dự kiến thực hiện CPH không phải toàn bộ đều phải được thực hiện bán đấu giá qua HOSE và HNX. Các DN nhỏ có thể thực hiện bán đấu giá tại DN hoặc các tổ chức trung gian. Điều chúng tôi còn băn khoăn là sự “ùn tắc” về mặt thông tin. Nếu các đợt IPO được tiến hành tập trung vào một thời điểm, thông tin về các DN được công bố ở mức độ dày đặc, trùng lắp sẽ khiến các nhà đầu tư (NĐT), đặc biệt là các NĐT cá nhân không có đủ thời gian để tiếp cận, phân tích và xử lý.
Để hạn chế điều này, UBCKNN và các sở đang chủ động theo dõi quá trình chuẩn bị CPH tại các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty lớn; phối hợp với các đơn vị có liên quan để có thể công bố một cách kịp thời nhất kế hoạch IPO của các DN nhằm đảm bảo cho các NĐT được tiếp cận sớm nhất với thông tin của các DN.
Theo ông, việc Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh CPH DNNN liệu có thu hút nhiều sự quan tâm đến từ NĐTNN?
Rất nhiều tổ chức đầu tư lớn của nước ngoài hiện chưa tham gia vào TTCK Việt Nam, bởi quy mô của các DN đã được CPH nhỏ, tỷ lệ cổ phần chào bán ra bên ngoài thấp, nên chưa đáp ứng được quy mô và định hướng đầu tư dài hạn của các tổ chức này.
Tuy nhiên tại Hội nghị xúc tiến đầu tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì tại Tokyo, Nhật Bản (cuối tháng 4 vừa qua), việc đại diện các tập đoàn tài chính, đầu tư lớn nhất của Nhật Bản tham dự và đưa ra nhiều câu hỏi hóc búa và nhạy cảm cho thấy các NĐT Nhật Bản đã và đang theo dõi, nghiên cứu chặt chẽ tình hình kinh tế, xã hội, pháp luật nói chung cũng như quá trình CPH nói riêng tại Việt Nam.
Vietnam Airlines nằm trong số những DNNN lớn phải CPH trong thời gian tới.
Có ý kiến cho rằng tác động của tiến trình CPH đối với diễn biến của TTCK Việt Nam trong năm 2014 vẫn còn những bất cập, sự chậm trễ trong việc niêm yết sau IPO, hoặc dù CPH phần đại diện vốn nhà nước vẫn còn lớn và chất lượng quản trị DN sau IPO chưa cải thiện. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Sự chậm trễ trong việc niêm yết sau khi IPO đúng là một trong những bất cập làm ảnh hưởng tới sự hấp dẫn đối với cổ phần được chào bán của các DNNN tại Việt Nam. Về mặt kỹ thuật, việc đưa các CP vào niêm yết sau CPH hay tiến hành CPH đồng thời với việc niêm yết không phải là một vấn đề khó khăn và nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Việc nhiều DN chưa niêm yết ngay sau khi CPH có liên quan đến một vấn đề khá phức tạp là việc tái cấu trúc hệ thống quản trị, quản lý của DN.
Tại hầu hết các quốc gia thực hiện việc CPH các DNNN, một vấn đề luôn được đặt ra là tái cấu trúc DN trước rồi thực hiện CPH. Nếu thực hiện tái cấu trúc thì thời gian giữa CPH và niêm yết có thể được rút ngắn. Hiện tại UBCKNN đang nghiên cứu, xem xét các DN sẽ thực hiện CPH trong năm nay.
Đối với các DN hoạt động có hiệu quả, có hệ thống quản trị, quản lý đã được xây dựng theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, UBCKNN sẽ trình Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DN này thí điểm xây dựng kế hoạch IPO đồng thời với niêm yết.
Xin cảm ơn ông.