Tạo động lực khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập nâng cao tự chủ tài chính


Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo động lực khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập khai thác nguồn thu, nâng cao mức độ tự chủ tài chính...

Phóng viên: Xin ông chia sẻ một số điểm đáng chú ý trong Nghị định số 60/2021/NĐ-CP?

Vụ trưởng Nguyễn Trường Giang: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về đổi mới cơ chế tài chính với các đơn vị sự nghiệp công. Đây là một chủ trương rất lớn để triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương năm 2017; tạo động lực khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập khai thác nguồn thu, nâng cao mức độ tự chủ tài chính; đồng thời, quy định theo hướng trao quyền tự chủ đầy đủ cho các đơn vị theo mức độ tự chủ tài chính...

Điểm đáng chú ý đầu tiên là cơ chế tiền lương đối với các đơn vị sự nghiệp công được khuyến khích theo hướng tiếp cận với các doanh nghiệp nhà nước. Nếu các đơn vị tự chủ càng cao, tự chủ chi đầu tư, chi thường xuyên thì sẽ được hưởng cơ chế như đối với doanh nghiệp. Tất nhiên, mức độ tự chủ mà thấp hơn thì mức độ tự chủ tiền lương thấp hơn nhưng tinh thần là khuyến khích các đơn vị sử dụng nguồn tăng thu, giảm chi, tiết kiệm chi để tăng bổ sung thu nhập cho người lao động.

Điểm đáng chú ý thứ hai là tách biệt rõ nhiệm vụ đơn vị sự nghiệp công trong việc cung cấp dịch vụ công và phục vụ Nhà nước đối với việc cung cấp dịch vụ theo yêu cầu xã hội. Ngoài ra, các đơn vị được sử dụng năng lực về nguồn lực, cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực để cung cấp dịch vụ công cho xã hội theo hướng hạch toán đầy đủ chi phí, đóng góp thuế theo quy định và nếu có chênh lệch thì được bổ sung cho nhiệm vụ chính trị cũng như bổ sung thu nhập cho người lao động.

Nội dung thứ ba trong Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ cơ sở pháp lý trong việc sử dụng tài sản công trong liên doanh nghiệp ký kết. Trước đây, quy định quản lý tài sản công chưa có cơ sở pháp lý nhưng năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó quy định rõ trách nhiệm đơn vị sự nghiệp công lập trong việc sử dụng tài sản công khi cung cấp dịch vụ công, thành lập pháp nhân hoặc không thành lập pháp nhân, cung cấp theo yêu cầu xã hội. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cũng dẫn chiếu Nghị định số 151/2017/NĐ-CP để cho phép các đơn vị sự nghiệp công được sử dụng tài sản đó để cung cấp dịch vụ công cho xã hội theo nguyên tắc hiệu quả.

Điểm đáng chú ý thứ tư là tạo điều kiện hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công giao quyền tự chủ gắn với khả năng tự chủ của đơn vị. Đơn vị tự chủ càng cao về tài chính, nguồn thu, tiết kiệm chi càng được giao nhiều quyền tự chủ hơn.

Và cuối cùng là trong Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định rõ về cơ chế giá cung cấp dịch vụ. Trước đây, với đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, giá cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thường chưa tính đủ chi phí dẫn đến thực tế các đơn vị sự nghiệp công không bù đắp đủ chi phí cần thiết. Tuy vậy, trong Nghị quyết số 19/NQ-TW quy định rõ sau năm 2021, tiến tới tính đủ chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí quản lý, chi phí khấu hao trong giá dịch vụ công đối với cả lĩnh vực cung cấp dịch vụ công cơ bản như giáo dục, y tế.

Nếu thực hiện được lộ trình này thì tất cả đơn vị sự nghiệp công trong đó có cả giáo dục, y tế đều có nguồn thu đủ bù đắp được chi phí cần thiết. Tuy vậy, lộ trình này hiện nay đang bị chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên tôi nghĩ chúng ta cần phải đẩy nhanh để làm sao các đơn vị sự nghiệp công thu đủ để bù đắp chi phí.

Phóng viên: Một số đơn vị thí điểm trong thời gian qua đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, theo ông thì dự thảo sửa đổi tới đây sẽ giúp khắc phục những điều này thế nào, thưa ông?

Vụ trưởng Nguyễn Trường Giang: Lẽ ra Nghị định số 60/2021/NĐ-CP được thực hiện ngay từ tháng 6/2021. Tuy nhiên, ở thời điểm ban hành thì do tác động của dịch bệnh nên tất cả các đơn vị sự nghiệp bị ảnh hưởng tới nguồn thu nên Chính phủ cũng trình Quốc hội phê duyệt việc lùi lộ trình cải cách tiền lương và Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ lùi lộ trình thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP sau 1 năm.

Như vậy, lộ trình thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP sẽ bắt đầu từ năm 2023. Khi triển khai Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, qua việc lấy ý kiến của một số Bộ, Ngành địa phương, chúng tôi thấy có một số điểm mà cần phải trao đổi để thúc đẩy, ví dụ như lộ trình tính biểu giá chi phí cung cấp dịch vụ công...

Ngoài ra, vừa qua có thông tin là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K xin không thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, nhưng cũng phải thông tin lại rằng, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai được Chính phủ cho thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ toàn bộ về tài chính gồm có chi đầu tư, chi thường xuyên trong 2 năm theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ. Do vậy, cách hiểu là khi đã tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư là không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị, đầu tư tài sản… là chưa đúng. Trong Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cũng không quy định như vậy, mà chỉ quy định là khi Nhà nước giao nhiệm vụ thì Nhà nước sẽ bố trí tương xứng với kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

Do vậy, trong trường hợp Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở A, trang bị máy B theo nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì ngân sách nhà nước vẫn hỗ trợ. Điểm này trong Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã có rồi nhưng chúng tôi sẽ hướng dẫn rõ hơn để các đơn vị yên tâm trong triển khai thực hiện.

Phóng viên: Quan điểm của ông như thế nào về việc tăng giá chi phí lên thì đồng nghĩa với việc giá dịch vụ cũng sẽ tăng và liệu chất lượng dịch vụ có theo đó mà tăng không?

Vụ trưởng Nguyễn Trường Giang: Theo tôi, về nguyên tắc kinh tế thì đơn vị cung cấp dịch vụ phải thu để đủ bù chi. Khi thu bù chi thì tương xứng với chất lượng tăng lên. Tất nhiên, cần hiểu rằng, chi ở đây là chi theo khuôn khổ định mức chứ không phải muốn chi như thế nào cũng được. Hoạt động chi này cần có sự giám sát của các cơ quan liên quan.

Khi tăng giá thì sẽ phải tăng chất lượng, điều đó là đương nhiên. Nhưng trong quá trình đó, chúng ta phải kiểm soát, tăng giá đến đâu và chất lượng đi theo đến đâu, tránh việc chỉ tăng giá mà không có cam kết về chất lượng. Do vậy, vấn đề tăng tự chủ nhưng phải gắn với việc nâng cao trách nhiệm tài chính. Khi tăng giá thì phải khẳng định là chất lượng dịch vụ để tương xứng với giá.

Gia Hân (ghi)