Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực là giải pháp căn cơ hỗ trợ doanh nghiệp
Theo các đại biểu Quốc hội, tình hình "sức khoẻ" của doanh nghiệp hiện nay còn yếu. Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, ngoài giải pháp thời điểm như thuế, phí, cần có giải pháp căn cơ, dài hạn là tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngưng hoạt động còn cao
Thảo luận ở Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024, các đại biểu Quốc hội đề cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Thảo luận tại Tổ 2 về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp hiện nay thành lập mới tăng nhưng giải thể, phá sản, ngưng hoạt động cũng tăng cao. Thành lập mới và tái hoạt động so với số giải thể, chờ phá sản còn thấp hơn, số vốn thành lập trên một doanh nghiệp thấp đi.
Do đó, theo Đại biểu, để nền kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và phát triển hơn nữa trong thời gian tới, cần tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách tài khóa, các gói hỗ trợ thông qua các khoản thuế, phí như giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ nền kinh tế. "Bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đang phát huy hiệu quả, kích thích sản xuất, hỗ trợ nền kinh tế", Đại biểu nêu. Cùng với đó, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, khuyến khích doanh nghiệp thành lập, thu hút nguồn lực xã hội cho đầu tư.
Tại Tổ 1, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng; cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%… Ngoài ra, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp), cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp)…
Trong bối cảnh trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần tăng kích cầu trong nước, có chính sách tiếp tục miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí; có giải pháp cụ thể khơi thông hoạt động doanh nghiệp, để doanh nghiệp tin tưởng mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất…
Giải quyết bài toán thiếu vốn
Cũng bàn về nội dung trên, tại tổ 13, đại biểu Nguyễn Như So – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho hay, doanh nghiệp hiện vẫn phải đối mặt với những khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu vốn, thiếu lao động có kỹ năng. Đại biểu cho rằng, với tình hình này, việc thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 6% đến 6,5 % là vô cùng thách thức.
Theo đại biểu Nguyễn Như So, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vực dậy, bồi dưỡng, nuôi dưỡng các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nội địa. Bên cạnh những giải pháp về phát triển thị trường, đại biểu cho rằng cần tập trung các giải pháp về đất đai, xây dựng thương hiệu.
Đại biểu Nguyễn Như So đề nghị Chính phủ tập trung, quyết liệt giải quyết bài toán thiếu vốn và làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Theo đó, cần tiếp tục linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm hỗ trợ một cách thực chất, tiếp sức cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh chóng, kịp thời và có sức lan tỏa.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Theo đại biểu Nguyễn Như So, các giải pháp về vốn, thuế, phí mang tính thời điểm, về dài hạn, giải pháp căn cơ, then chốt vẫn phải tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh.