Tạo những đột phá mới cho phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam
Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân tại Đại hội XII (2016) có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay. Vấn đề đặt ra là cần quán triệt, nắm vững chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn để tạo ra những đột phá mới thuận lợi cho phát triển của kinh tế tư nhân trong bối cảnh tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” và hội nhập quốc tế của Việt Nam đang diễn ra sâu rộng, mạnh mẽ.
Những vấn đề đặt ra hiện nay
Kinh tế tư nhân (KTTN) được dùng để chỉ các thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Cả hai thành phần kinh tế trên thuộc cùng chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, tuy nhiên, quy mô sở hữu là khác nhau.
Thực tiễn cho thấy, việc phát triển KTTN trong cơ cấu kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cách gọi trước đây và nay là trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng ta kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới.
Tại Đại hội XII (2016), Đảng ta đã khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”.
Việc Đảng ta xác nhận “KTTN là một động lực quan trọng” trong phát triển đất nước (Đại hội X mới ghi nhận “KTTN có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”), không chỉ xác nhận vai trò mới của KTTN mà còn mở ra những cơ hội mới để thành phần KTTN phát triển mạnh mẽ hơn. Với chủ trương của Đảng không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, xóa bỏ hẳn cơ chế bao cấp, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Nhìn lại chặng đường 30 năm thực hiện đổi mới, có thể thấy rất rõ những đóng góp tích cực của KTTN đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước, gồm: Góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; huy động các nguồn vốn trong nhân dân, trong xã hội vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước; tạo môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam...
Số liệu thống kê về KTTN cho thấy, hiện cả nước có khoảng trên 500 nghìn DN, chiếm gần 90% số DN của cả nước. Trong giai đoạn 2006-2015, so với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực KTTN đóng góp hơn 40% GDP cả nước, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển.
Đặc biệt, khu vực KTTN thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm... Điều đó chứng tỏ vai trò quan trọng, không thể thiếu của KTTN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay. Vì vậy, KTTN không những được xác định là “một trong những động lực của nền kinh tế” như đã khẳng định tại Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, mà còn là động lực của nền kinh tế nước ta hiện nay.
Nhìn chung, khu vực KTTN đã và đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội trên tất cả các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kinh tế và văn hóa trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, khu vực KTTN vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém, thách thức trong quá trình phát triển. Trong đó, rào cản lớn nhất là trong lý luận và quan điểm về vai trò của khu vực KTTN.
Mặc dù, khu vực KTTN được coi là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, là một trong những động lực của nền kinh tế, nhưng vẫn còn vấn đề trong lý luận và quan điểm về vai trò của các khu vực kinh tế sở hữu, giữa vai trò động lực của khu vực KTTN và vai trò chủ đạo của khu vực KTTN khiến hệ thống cơ chế chính sách tạo lập môi trường kinh doanh được hoạch định chưa đồng bộ, triển khai thiếu nhất quán, tình trạng phân biệt đối xử giữa các DN thuộc các khu vực kinh tế sở hữu khác nhau vẫn còn tồn tại, trong đó DN nhà nước được dành nhiều ưu đãi.
Rào cản khác là hệ thống thể chế chính sách chưa đồng bộ, nhất là chính sách tín dụng, chính sách đất đai và đào tạo nguồn nhân lực. Về chính sách tín dụng, những hạn chế trong tiếp cận các khoản vay tín dụng đối với các DN khu vực KTTN chủ yếu liên quan đến sự sẵn sàng cho vay của ngân hàng đối với DN và khả năng các DN khu vực KTTN đáp ứng được những yêu cầu, thủ tục vay vốn khác nhau của các ngân hàng. Vẫn còn tồn tại dai dẳng sự ưu tiên từ các ngân hàng thương mại nhà nước dành cho các DN nhà nước vay vốn do những mối quan hệ đã có từ lâu.
Về chính sách đất đai, KTTN vẫn khó khăn trong tiếp cận mặt bằng do một số địa phương chưa có quy hoạch ổn định nên khó tìm được địa điểm thuê phù hợp, giá thuê đất thường cao, trường hợp sử dụng đất tự có, đất mua lại thường gặp khó khăn, thiệt thòi trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Về chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống đào tạo nghề lạc hậu, chương trình đào tạo được thiết kế dựa theo năng lực của trường chứ không theo nhu cầu xã hội, nặng về giải ngân ngân sách nhà nước để hoàn thành kế hoạch, chạy theo số lượng chứ không coi trọng chất lượng, nên không đáp ứng được yêu cầu phát triển của DN cả về ngành nghề và chất lượng, khiến kinh phí ngân sách bị sử dụng lãng phí, DN tốn chi phí phải đào tạo lại.
Bên cạnh đó, những trở ngại xuất phát từ tồn tại, yếu kém trong nội tại DN khu vực tư nhân. Các DN khu vực KTTN nói chung còn thiếu chiến lược và kế hoạch đầu tư phát triển dài hạn một cách hợp lý, thường tìm kiếm cơ hội đầu tư và lợi ích ngắn hạn. Tính liên kết giữa các DN khu vực KTTN còn yếu, tỷ lệ DN tư nhân có quan hệ làm ăn với các DN FDI và DN nhà nước rất thấp, tương ứng chỉ có 6,9% và 15%. Các DN tư nhân còn yếu kém về quản trị công ty, trình độ công nghệ và hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực và khả năng tiếp cận thị trường... Chính những rào cản nêu trên đã hạn chế rất lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế này.
Đề xuất một số giải pháp
Để thúc đẩy KTTN phát triển trong điều kiện nước ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, Đại hội XII của Đảng chủ trương: Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế; chú trọng hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp; khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Điều đáng chú ý là, Đảng ta chủ trương khuyến khích, phát triển mạnh KTTN ở “hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế”, hỗ trợ phát triển “DN khởi nghiệp”, hình thành các tập đoàn KTTN “đa sở hữu”. Những chủ trương nêu trên của Đảng ta hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay và cần được từng cấp, từng ngành, từng địa phương nhận thức một cách đầy đủ.
Quán triệt, nắm vững chủ trương của Đảng về phát triển KTTN, triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn vừa thể hiện sự tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển KTTN những năm qua; vừa tạo ra những đột phá mới về môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển tương xứng với vị trí, vai trò của KTTN trong bối cảnh tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” và hội nhập quốc tế của Việt Nam đang diễn ra sâu rộng, mạnh mẽ hiện nay.
Để bảo đảm vai trò động lực của khu vực KTTN, cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần tạo sự đồng thuận xã hội trong quan điểm nhìn nhận và đánh giá vai trò của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Trên cơ sở đó, định hướng xây dựng nhà nước kiến tạo và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh để mọi DN thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng trước pháp luật.
Thứ hai, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển, vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Bảo vệ nhà đầu tư, quyền sở hữu, quyền tài sản.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN, trong đó trước mắt cần tập trung vào một số nội dung như: cải thiện việc tiếp cận các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh (đất đai, vốn, lao động, công nghệ và điện năng); Giảm thời gian, chi phí tuân thủ các thủ tục về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng; rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản, bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của DN; Chính quyền các tỉnh, thành phố cần chủ động thực hiện các chương trình đối thoại định kỳ với DN, đồng thời nghiên cứu áp dụng các mô hình thực tiễn tốt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Thứ tư, hỗ trợ các DN tư nhân tiếp cận nguồn vốn. Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tăng cường quan hệ tín dụng giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được tiếp cận với nguồn vốn theo đúng quy định của pháp luật; Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất, áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; Cắt giảm, tiết kiệm tối đa các khoản chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ.
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ. Hiện nay, đa số DN tư nhân do hạn chế về nguồn lực nên ít đầu tư vào quản trị nội bộ, phát triển nguồn nhân lực. Đây là một trong những nút thắt khó tháo gỡ mà các doanh nghiêp tư nhân không thể tự thân khắc phục.
Thứ sáu, tăng cường xúc tiến thương mại và hỗ trợ tiếp cận thông tin thị trường. Có cơ chế để đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa dịch vụ và đầu tư vào các nước đã ký các hiệp định thương mại và đầu tư, loại bỏ những rào cản gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tham gia có hiệu quả của DN Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cần có chính sách cải thiện kết nối giữa các trung tâm chuỗi cung ứng lao động Việt Nam với các đối tác thương mại bên ngoài. Bên cạnh đó, việc hạn chế trong khả năng tiếp cận thông tin đã gây khó khăn cho khu vực KTTN. Để có những thông tin có giá trị về thị trường, tiếp cận được với thị trường cần phải có sự hỗ trợ, hợp tác và giúp đỡ từ phía Nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Từ quan điểm của Đảng đến thực tiễn hiện nay, Tạp chí Cộng sản, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2016/41774/Phat-trien-kinh-te-tu-nhan-Tu-quan-diem-cua-Dang-den.aspx;
2. Vai trò động lực của kinh tế tư nhân, Báo Nhân dân, http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/item/28654802-vai-tro-dong-luc-cua-kinh-te-tu-nhan.html;
3. Phát triển kinh tế tư nhân: Những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính số 6 – 2013;
4. Kinh tế tư nhân: Bao giờ thực sự thành trụ cột? http://vneconomy.vn/doanh-nhan/kinh-te-tu-nhan-bao-gio-thuc-su-thanh-tru-cot-20161004045720681.htm.