Tập đoàn Bảo Việt: Chuyển đổi số để phát triển bền vững
Trong bối cảnh “hai làn sóng dịch Covid - 19” đi qua với các hoạt động giãn cách xã hội và tổng lực của nền kinh tế tập trung dập dịch để lại các thiệt hại khá lớn về kinh tế, xã hội, Tập đoàn Bảo Việt với cách đi vững chắc và một nền tảng có định hình trước nhờ chiến lược khôn ngoan đi đầu trong các ứng dụng công nghệ thời 4.0 đã và đang vững bước vượt qua những thách thức và giữ ổn định hoạt động, phát triển bền vững góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong trạng thái bình thường mới.
Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nhiều quốc gia. Kinh tế thế giới và khu vực đang có nhiều biến động phức tạp. Nhiều cường quốc, tập đoàn lớn đang có các thay đổi chính sách để vật lộn vượt qua khủng hoảng, vừa khống chế dịch bệnh đang hoành hành ngày càng lớn với quy mô và số lượng đe dọa tới sự tồn tại và phát triển. Ở Việt Nam, mặc dù dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhưng với “hai làn sóng dịch Covid - 19” đi qua với các hoạt động giãn cách xã hội và tổng lực của nền kinh tế tập trung dập dịch đã để lại các thiệt hại khá lớn về kinh tế, xã hội.
Trong bối cảnh này, với cách đi vững chắc và một nền tảng có định hình trước nhờ chiến lược khôn ngoan đi đầu trong các ứng dụng công nghệ thời 4.0, Tập đoàn Bảo Việt đã và đang vững bước vượt qua những thách thức và giữ ổn định hoạt động, phát triển bền vững góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong trạng thái bình thường mới. Có thể nói, định hướng phát triển bền vững đã được Tập đoàn xác định trở thành mục tiêu, định hướng hướng đến, điều này được thể hiện qua các nội dung dưới đây.
Chuyển đổi số - xu thế tất yếu để phát triển bền vững
Phát triển bền vững đã trở thành nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trên toàn cầu hiện nay. Những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, những biến động về xã hội, sự gia tăng dân số toàn cầu, tốc độ đô thị hóa, phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng về cơ hội phát triển, dịch bệnh gia tăng… đang tạo ra các ảnh hưởng mang tính hệ thống, vượt ra ngoài ranh giới các quốc gia và tác động trực tiếp tới các cơ hội tăng trưởng bền vững trong dài hạn của doanh nghiệp. Bởi vậy, nếu doanh nghiệp không nhận thức đầy đủ và có kế hoạch ứng phó, những vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn.
Tại Việt Nam, quá trình hội nhập đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp khi phải cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn kinh tế đa quốc gia có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường. Trước thách thức về cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, Bảo Việt thực hiện tăng trưởng bền vững thông qua việc đảm bảo tăng trưởng hiệu quả, tạo cơ sở xây dựng tiềm lực tài chính vững mạnh và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Hình 1: Chuyển đổi số: Làm chủ công nghệ ở Tập đoàn Bảo Việt. Nguồn: Tập đoàn Bảo Việt
Thế giới đang có nhiều biến động nổi bật là dịch viêm phổi cấp Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đã tác động mạnh tới nền kinh tế thế giới, bên cạnh đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng chưa thực sự chấm dứt, sự suy giảm tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi, tình trạng nợ công cao… Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố lạc quan nhờ hiệu ứng tích cực từ chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương trên thế giới, sự ổn định mặt bằng lãi suất trong nước, thậm chí giảm nhẹ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Nguy cơ về dịch bệnh mới cũng là cơ hội giúp cộng đồng và xã hội nhìn nhận ra được vai trò, tính trọng yếu của sức khỏe cộng đồng, các biện pháp dự phòng tài chính và các vấn đề về phát triển bền vững, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng tăng cường khai thác.
Bối cảnh gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), tham gia các Hiệp định thương mại tự do khác, vừa đem lại cơ hội thúc đẩy tăng trưởng, vừa tạo ra nhiều thách thức, nhất là đối với vấn đề phát triển bền vững. Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp trong các nước gia nhập FTA như EVFTA,… các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và lĩnh vực tài chính nói riêng có thể đánh mất cơ hội nếu không bắt kịp các xu thế phát triển của quốc tế. Vì vậy, ngoài những nỗ lực từ Chính phủ, Bộ Ngành, ở góc độ doanh nghiệp, Tập đoàn Bảo Việt cho rằng cần tăng cường nắm bắt xu hướng từ phát triển bền vững, cập nhật thông tin về hội nhập, xây dựng mối liên kết hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng văn hóa kinh doanh đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Trước sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực của môi trường và các vấn nạn xã hội đang ngày càng gia tăng, phát triển bền vững trở thành mối quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt là một trong các doanh nghiệp đang thực hiện khá tốt việc kết hợp yếu tố bền vững vào hoạt động của mình như là một phần của chiến lược phát triển dài hạn. Với những giải pháp cụ thể, Bảo Việt đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn 2025 “Giữ vững vị thế Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tiềm lực tài chính mạnh, tăng trưởng hiệu quả và bền vững”, thông qua việc cân đối giữa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường và gắn kết các mục tiêu này trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bảo Việt: Phát triển bền vững thông qua làm chủ công nghệ
Là một Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, Bảo Việt nhận thức rõ vai trò không chỉ là đầu tàu kinh tế mà còn là doanh nghiệp tiên phong trong việc tuyên bố và hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững bằng các hành động cụ thể trong việc đưa ra quyết định, chiến lược kinh doanh, đảm bảo tăng trưởng hiệu quả về kinh tế, bảo vệ môi trường, đảm bảo sự bình an và phát triển cộng đồng.
Các hoạt động phát triển bền vững đã được Bảo Việt tích cực đầu tư trong suốt những năm qua thông qua việc cụ thể hóa các định hướng chiến lược phát triển bền vững và triển khai thành những việc làm cụ thể: gắn kết chặt chẽ hơn các yếu tố quản trị - xã hội và môi trường (ESG) trong chuỗi giá trị thông qua việc đánh giá và lựa chọn các nhà thầu có cam kết về môi trường, xã hội; bổ sung yếu tố ESG trong quy trình đầu tư góp vốn cổ phần và quản lý dự án. Bảo Việt cũng xây dựng các điều khoản, quy định riêng về trách nhiệm với môi trường và xã hội trong Bộ Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp; ra mắt Sổ tay văn hóa Bảo Việt nhằm kết nối người lao động và phát huy giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Năm 2020, Bảo Việt tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển cộng đồng vì một cộng đồng phát triển lành mạnh, thịnh vượng là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính - bảo hiểm như Bảo Việt có thể phát triển và phục vụ lâu dài, trong đó ưu tiên các mục tiêu sau: Tạo công ăn việc làm và thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững trong hệ thống, các hoạt động của Bảo Việt góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời những định hướng phát triển bền vững của Bảo Việt khi được triển khai xuống các đơn vị và thực hiện bởi các cán bộ sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên khắp cộng đồng. Chia sẻ gánh nặng trước những bất trắc liên quan đến sức khỏe, tài sản của người lao động và khách hàng, Bảo Việt cung cấp các sản phẩm bảo hiểm - tài chính đa dạng, đem lại sự an tâm cho khách hàng trước những rủi ro trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các sản phẩm bảo hiểm vi mô vẫn được Bảo Việt triển khai hàng năm nhằm giúp khách hàng thu nhập thấp, ở các khu vực nông thôn có thể tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm cho cuộc sống và hoạt động sản xuất, nông nghiệp.
Sự phát triển của công nghệ dẫn đến việc thay đổi cách thức quản lý và vận hành của doanh nghiệp, tối ưu hóa các nguồn lực và hỗ trợ giảm thiểu các tác động đến môi trường. Năm 2019 vừa qua đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của hầu hết các ngành nghề nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ứng dụng mới không ngừng cải tiến, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, cải thiện quy trình sản xuất, góp phần tích cực cải thiện môi trường sinh thái và hỗ trợ đắc lực trong công tác phòng chống các dịch bệnh thế kỷ.
Báo Công Thương điện tử ngày 10/9/2020 đăng bài viết "Chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đóng góp 30 tỷ USD vào GDP Việt Nam". Theo đó, Việt Nam có 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường, tăng so với mức 32% của năm 2019, tập trung vào nâng cấp phần cứng công nghệ thông tin, công nghệ đám mây và an ninh mạng.
Chuyển đổi số được xác định là chìa khóa phát triển tất yếu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Các nhà lãnh đạo quốc gia đều xác định chuyển đổi số là tất yếu, nếu không chuyển đổi số sẽ thua trong cạnh tranh, dù trong nước hay quốc tế.
Bảo Việt tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thông qua việc tập trung nâng cao nhận thức văn hóa số cho cán bộ, triển khai kết nối, liên thông các phần mềm, dữ liệu trong nội bộ, đẩy mạnh việc hợp tác với hệ sinh thái của các đối tác ngoài ngành bảo hiểm nhằm xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ để giảm thiểu các tác động đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.
Những thay đổi về cách thức giao tiếp trên internet đặt con người vào nhiều nguy cơ về tài chính, sức khoẻ. Thông tin cá nhân nếu không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ luỵ khôn lường. Bên cạnh đó, thị trường việc làm bị thu hẹp do công nghệ thông minh dần thay thế con người trong các công việc có tính nguy hiểm cao hoặc những công việc có tính chất lặp đi lặp lại. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp.
Theo đó, những thách thức và rủi ro này cần được giám sát và quản lý một cách thận trọng. Là doanh nghiệp bảo hiểm với lượng thông tin và dữ liệu khách hàng lớn, Bảo Việt xác định rủi ro liên quan đến công nghệ số, hệ thống công nghệ thông tin là một trong những rủi ro trọng tâm cần chú trọng quản lý vì những rủi ro này khi phát sinh có thể ảnh hưởng đến tính liên tục trong hoạt động kinh doanh của Bảo Việt. Bảo Việt đã áp dụng các biện pháp nhận diện, đo lường, giám sát và quản lý rủi ro. Bảo Việt đo lường bằng việc xem xét các ảnh hưởng của yếu tố rủi ro công nghệ đến tình hình tài chính, danh tiếng; giám sát, theo dõi các chỉ số hoạt động (KPI), báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý tùy theo từng lĩnh vực hoạt động cho Ban Lãnh đạo và Hội đồng quản lý rủi ro (RMC) Tập đoàn.
Bảo Việt thực hiện quản lý bằng Khung quản lý rủi ro, Quy chế An toàn thông tin, các quy định về an ninh bảo mật, các quy trình kiểm soát nội bộ, qua đó, có thể thực hiện các biện pháp quản trị rủi ro từ xu hướng công nghệ số, xác định các nguy cơ, tổn thất có thể phát sinh do các nguyên nhân như con người, quá trình vận hành không hiệu quả của quy trình, hệ thống, sự kiện khách quan bên ngoài.
Năm 2019, Bảo Việt đã hoàn thành chiến lược vốn, nâng cao năng lực tài chính cho Tập đoàn Bảo Việt thông qua dự án phát hành riêng lẻ; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng hoạt động kinh doanh. Vượt ra ngoài mục tiêu tăng trưởng về lợi nhuận và tối đa hóa các giá trị đem lại cho cổ đông, với vai trò là định chế tài chính - bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, Bảo Việt hiểu cần phải thực hiện các đóng góp cho sức khỏe cộng đồng, cho môi trường và xã hội vì một tương lai bền vững.
Để có thêm cơ hội được tiếp cận nhiều thông tin về các hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam và trên thế giới, Bảo Việt đã gia nhập và trở thành thành viên của cộng đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD). Tại đây, các doanh nghiệp được giới thiệu và tham gia các hội nghị, hội thảo, thảo luận chuyên đề, hội nghị doanh nghiệp thường niên về phát triển bền vững, đem lại cho Bảo Việt cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, đồng thời tiếp thu mô hình/thông lệ tốt về kinh doanh bền vững và các bài học kinh nghiệm, các giải pháp hiệu quả từ cộng đồng doanh nghiệp.
Bảo Việt xác định phát triển bền vững là trách nhiệm không chỉ của Ban Lãnh đạo mà cần sự chung tay của tất cả thành viên trong hệ thống. Chính vì vậy, vấn đề phát triển bền vững được doanh nghiệp gắn kết trong chiến lược phát triển kinh doanh của Tập đoàn và thực hiện xuyên suốt từ cấp Hội đồng Quản trị đến Ban điều hành, Ban chức năng và đơn vị thành viên.
Với đặc thù kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, hoạt động của Bảo Việt ít có tác động trực tiếp lên môi trường. Tuy vậy doanh nghiệp vẫn thực hiện lối sống xanh tại công sở thông qua chuỗi hoạt động nội bộ nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ nhân viên trong hệ thống. Bảo Việt cũng gắn kết hoạt động phát triển bền vững trong mục tiêu công việc của từng cá nhân được thể hiện qua nhiều hoạt động cụ thể từ những việc cá nhân nhỏ nhất như tiết kiệm văn phòng phẩm, giảm thiểu rác thải trong văn phòng làm việc, trồng cây xanh trong khuôn viên… đến các hoạt động mang tính cộng đồng diện rộng như đầu tư cho thế hệ trẻ, khắc phục thiệt hại cho nhân dân vùng bị thiên tai, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, trang thiết bị y tế cùng các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường chung tại cộng đồng.
Bằng những hành động thiết thực này, Bảo Việt mong muốn góp phần nâng cao nhận thức cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn, đồng thời thu hút được sự tham gia của người dân và các doanh nghiệp khác trong cộng đồng.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng dài hạn, doanh nghiệp cần phải chủ động và triển khai các hành động cụ thể để cải thiện xã hội và môi trường nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực lên hai nhân tố này. Bảo Việt xác định rằng, đầu tư cho các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững chính là đầu tư cho tương lai và dựa vào các yếu tố bền vững để thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận trong dài hạn.
Việc gắn kết phát triển bền vững trong chiến lược trung và dài hạn là tất yếu, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành; đồng thời doanh nghiệp cũng tạo dựng được hình ảnh với khách hàng, tăng sự gắn bó và hài lòng của người lao động, từ đó các chương trình kinh doanh của doanh nghiệp cũng dễ dàng được phát huy hiệu quả. Warrent Buffet đã nói “Nếu muốn đi thật nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi thật xa, hãy đi cùng nhau”. Chính vì vậy, mục tiêu đảm bảo phát triển bền vững cần sự quyết tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ của quốc tế và đặc biệt là sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp. Nếu mỗi doanh nghiệp có ý thức hơn về vấn đề phát triển bền vững thì có thể tạo nên những thay đổi lớn cho toàn xã hội trong hiện tại và tương lai.
Bảo Việt tin rằng khi có càng nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt việc báo cáo toàn diện các thông tin nhà đầu tư quan tâm với độ tin cậy cao sẽ giúp tăng cường tính minh bạch thông tin doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam và gia tăng lợi ích cho nhà đầu tư. Đây cũng là yếu tố tích cực, góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Chính phủ tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững.
Bảo Việt - phát triển cân đối giữa mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường
Năm 2020, Bảo Việt tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển cộng đồng vì một cộng đồng phát triển lành mạnh, thịnh vượng là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bảo hiểm - dịch vụ tài chính như Bảo Việt có thể phát triển và phục vụ lâu dài, trong đó ưu tiên các mục tiêu tạo công ăn việc làm, thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững trong hệ thống, Bảo Việt hiện có khoảng 6.600 cán bộ, 250.000 đại lý hoạt động trên khắp cả nước.
Các hoạt động của Bảo Việt góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời những định hướng phát triển bền vững khi được triển khai xuống các đơn vị và thực hiện bởi các cán bộ sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên khắp cộng đồng. Riêng trong năm 2019, Tập đoàn Bảo Việt dành gần 14 tỷ đồng cho hoạt động an sinh xã hội, tập trung vào xóa đói giảm nghèo, làm sạch môi trường, tài trợ cho giáo dục và tổ chức nhiều chương trình an sinh xã hội có ý nghĩa...
Tính đến nay, Bảo Việt đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng cho các hoạt động vì cộng đồng với 4 trọng tâm chính bao gồm: xóa đói giảm nghèo; đầu tư cho giáo dục và thế hệ trẻ; tri ân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng và khắc phục hậu quả thiên tai.
Nhờ những nền tảng xây dựng trong dài hạn, cũng như chính sách ứng phó linh hoạt, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, Bảo Việt vẫn đạt được tăng trưởng khả quan. 9 tháng đầu năm 2020, Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 35.461 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Bảo Việt hiện là doanh nghiệp với quy mô tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm, ước đạt gần 145.000 tỷ đồng, tương đương hơn 6 tỷ USD. Tổng doanh thu hợp nhất sau 9 tháng đầu năm ước đạt 35.461 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2019; Lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 1.122 tỷ đồng, hoàn thành 95,1% kế hoạch năm. Tính riêng Quý III/2020, lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 473 tỷ đồng, tăng trưởng 29,4% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu Công ty Mẹ ước đạt 1.089 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ước đạt 735 tỷ đồng, hoàn thành 73,5% kế hoạch năm. Tổng tài sản Công ty Mẹ tại ngày 30/9/2020 ước đạt 18.900 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu ước đạt 18.513 tỷ đồng.
Là doanh nghiệp với quy mô tổng tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm, đạt gần 140.000 tỷ đồng, Bảo Việt tăng cường đầu tư trở lại nền kinh tế với định hướng đầu tư trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc an toàn và hiệu quả nhằm gia tăng lợi ích của cổ đông, khách hàng cũng như các bên liên quan. Bảo Việt luôn duy trì vị trí là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước thông qua nộp thuế và cổ tức. Tập đoàn Bảo Việt dành gần 600 tỷ đồng chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm tài chính 2019, nâng tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông BVH từ khi cổ phần hóa (năm 2007) đến nay lên tới 8.800 tỷ đồng bằng tiền mặt.
Trong trạng thái “bình thường mới”, với mục tiêu giảm thiểu tiếp xúc xã hội, nâng cao tinh thần ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, Bảo Việt ra mắt nền tảng kỹ thuật số bao gồm: website thương mại điện tử, shop bán hàng trực tuyến, hệ thống Bảo Việt Digital… Hệ sinh thái số giúp khách hàng gia tăng trải nghiệm và dễ dàng mua trực tuyến các sản phẩm của Bảo Việt một cách nhanh gọn và an toàn nhất qua trang: eshop.baoviet.com.vn. Tại đây, khách hàng có đa dạng chọn lựa với nhiều sản phẩm như: sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm tài chính khác của Tập đoàn Bảo Việt. Bảo Việt là một trong số những tập đoàn đầu tiên ứng dụng Omni channel (còn được gọi là mô hình bán hàng đa kênh) trong việc tiếp cận khách hàng.
Bên cạnh đó, Bảo Việt cũng phát hành ứng dụng Baoviet Direct, đây là ứng dụng tích hợp quản lý bảo hiểm trên điện thoại đầu tiên tại thị trường Việt Nam dành cho Khách hàng cá nhân - đánh dấu bước phát triển công nghệ đột phá của Bảo hiểm Bảo Việt, sử dụng sức mạnh của công nghệ để tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng. Khách hàng sẽ có thể dễ dàng đặt mua bảo hiểm, quản lý quyền lợi hợp đồng bảo hiểm, khai báo và theo dõi yêu cầu bồi thường, tìm kiếm garage, bệnh viện/phòng khám gần nhất, đặt lịch khám bệnh/sửa chữa xe tức thì.
Ngoài ra, ứng dụng thanh toán Baoviet Pay cũng đã được Bảo Việt giới thiệu và sử dụng phổ biến hơn bởi các tệp khách hàng và đội ngũ cán bộ của doanh nghiệp. Người sử dụng có thể thanh toán trực tuyến với nhiều dịch vụ như: thanh toán hóa đơn, thanh toán tài chính, bảo hiểm, giáo dục hay các ứng dụng đặt phòng khách sạn, vé máy bay, tàu xe… vô cùng nhanh chóng, tiện lợi với các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn bảo mật quốc tế. Tại trụ sở Bảo Việt, ứng dụng Baoviet Pay cũng được đưa vào sử dụng thực tế như thanh toán phần ăn trưa tại căng-tin tòa nhà, thanh toán tại các quán cà phê, hàng ăn quanh trụ sở cũng như các hoạt động thanh toán nội bộ giữa Bảo Việt và cán bộ nhân viên.
Về hoạt động quản trị doanh nghiệp, Bảo Việt cũng triển khai chiến lược cải cách hệ thống theo hướng công nghệ hóa 4.0 một cách mạnh mẽ. Đơn cử như đẩy mạnh hệ thống E-learning đào tạo trực tuyến; hệ thống Baoviet Office - hệ thống quản trị và phê duyệt giấy tờ, công việc trực tuyến với chữ kí số. Đặc biệt kênh truyền thông nội bộ Workplace - kênh truyền thông và tương tác nội bộ của doanh nghiệp, với đầy đủ tiện tích như một trang mạng xã hội Facebook thu nhỏ. Tập đoàn Bảo Việt cũng là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng KPI thông qua tính điểm workplace.
Bảo Việt với vai trò là Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm do người Việt tạo ra và dành cho người Việt, luôn đồng hành cùng người dân Việt Nam vượt qua khó khăn, an tâm về tài chính, sức khỏe. Bảo Việt đã thực hiện nhiều hoạt động thể hiện sự ủng hộ thiết thực đối với người dân và thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp như: ủng hộ Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với số tiền 3 tỷ đồng.
Trong thời điểm dịch bệnh do Covid-19, được biết lượng máu dự trữ tại Ngân hàng máu đang khan hiếm, Tập đoàn Bảo Việt đã phối hợp với Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức hiến máu tình nguyện, hàng trăm cán bộ nhân viên Tập đoàn Bảo Việt đã chung tay cùng cộng đồng tham gia hiến máu tình nguyện, cung cấp hàng trăm đơn vị máu cho người bệnh.
Bên cạnh đó, Bảo Việt cũng lan tỏa thông điệp “Bảo Việt - Vì người Việt”, “Bảo Việt - Make in Vietnam”, để góp phần nâng cao tinh thần tự hào dân tộc cũng như thể hiện mong muốn được đồng hành và chia sẻ nhiều hơn nữa đến với người dân Việt Nam trong thời điểm cộng đồng chung tay phòng chống dịch Covid-19. Tại chương trình “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành cùng đất nước hội nhập” với chủ đề “Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”, Tập đoàn Bảo Việt đã được vinh dự nhận 2 kỷ niệm chương: “Doanh nghiệp có thành tích hỗ trợ công tác đẩy lùi đại dịch Covid-19” và “Doanh nghiệp bền vững”.