Tập trung các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô

Theo Nguyễn Hòa/congthuong.vn

Bức tranh kinh tế tháng 11 bên cạnh những điểm sáng liên quan đến xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thì vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, theo đó, để hạn chế rủi ro cho quá trình phục hồi kinh tế, vấn đề kiểm soát dịch bệnh và các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô cần được tập trung thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2021, khu vực doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và các tổ chức kinh tế đã rất nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, vẽ nên bức tranh kinh tế nước ta với một số gam sáng. Cụ thể, cả nước đã có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bên cạnh đó còn có 40,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn doanh nghiệp.

Cũng trong 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020. Trong đó, một số ngành công nghiệp trọng điểm và một số sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có mức tăng cao.

Về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, mặc dù quý III, nền kinh tế bị “chao đảo” vì đại dịch COVID-19, nhưng 11 tháng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam 26,46 tỷ USD vốn FDI, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được 12,78 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn FDI đăng ký.

Vị thế kinh tế Việt Nam trong thương mại quốc tế được củng cố và khẳng định qua thành tích về kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 11 tháng cao hơn năm trước. Cụ thể, trong bối cảnh đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào, phí vận chuyển và chi phí logistics tăng cao và thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng vẫn đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhập khẩu tư liệu sản xuất ước tính đạt 280,2 tỷ USD, tăng 27,9% và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá - đây là nhóm hàng dùng trong sản xuất, tạo tăng trưởng cho nền kinh tế.

“Những điểm sáng về sản xuất, đầu tư và thương mại quốc tế trong 11 tháng phản ánh nền kinh tế đang từng bước phục hồi, là cơ sở quan trọng, tạo đà tăng trưởng cao cho các năm tới” – ông Nguyễn Bích Lâm thông tin.

Mặc dù có những điểm sáng, nhưng đại dịch COVID-19 đã gây rất nhiều khó khăn không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả vấn đề xã hội. Khiến sản xuất trong nước bị đình đốn, 11 tháng của năm 2021, cả nước có 106,5 nhìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã hoàn tất thủ tục giải thể; trong đó có 54,4 nghìn doanh nghiệp rút lui vĩnh viễn khỏi nền kinh tế, chiếm 51,5% số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng của năm 2021. Điều này phản ánh, khu vực doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm nhưng đã bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.

Giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng còn chậm, mới đạt 73,8% kế hoạch năm, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng, tuy vậy kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 79 tỷ USD, chiếm 26,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ tăng 11,1% so với mức tăng 20% của khu vực FDI. Điều này phản ánh vị thế thương mại quốc tế của nước ta do khu vực FDI tạo nên. Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn yếu và lỏng lẻo.

Đặc biệt, do tổng cầu của nền kinh tế suy giảm sâu nên chỉ số giá tiêu dùng năm nay ở mức thấp so với mục tiêu 4% đề ra, tuy vậy áp lực lạm phát cao của năm 2022 đối với kinh tế nước ta đang hiện hữu. Bên cạnh đó các gói giải cứu và kích cầu đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp cũng tạo ra sức ép rất lớn lên lạm phát của năm 2022…

Để ổn định kinh tế vĩ mô và hạn chế rủi ro cho quá trình phục hồi kinh tế giai đoạn tới, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn thành tiêm vắc-xin cho toàn dân trong độ tuổi tiêm chủng để sớm đạt được tỷ lệ tiêm chủng và miễn dịch cộng đồng. Đồng thời với đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan khẩn trương xử lý các nội dung để sớm sản xuất được vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19, nhằm chủ động phòng, chống và điều trị người bị nhiễm.

Bên cạnh những giải pháp về phòng, chống dịch, Chính phủ cần kết hợp hài hoà giữa chính sách tài khoá và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho doanh nghiệp sẽ dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nội bộ từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung nội lực, thúc đẩy động lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.

Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có chính sách và giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá…

Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2021 chậm bên cạnh nguyên nhân kinh tế như giá sắt thép, vật liệu xây lắp tăng cao thì cơ bản vẫn do thể chế, một số quy định không phù hợp và thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cá nhân và tổ chức liên quan.