Tập trung chống thất thu thuế thương mại điện tử

Theo Vũ Quang/daibieunhandan.vn

Từ nay đến cuối năm, ngành Thuế đặt trọng tâm thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế ở lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; chuyển nhượng vốn, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; chuyển nhượng bất động sản…

Tăng thu ngân sách 21,6 nghìn tỷ đồng 

Tổng cục Thuế cho biết, đến ngày 15/7/2022, toàn ngành đã thực hiện hơn 31.000 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra gần 340.000 hồ sơ khai thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra đạt trên 21.665 tỷ đồng, bằng 83,42% so với cùng kỳ. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 3.739 tỷ đồng, bằng 63,05% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.

Trong đó, ngành Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 190 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 438 tỷ đồng; giảm lỗ 6.372 tỷ đồng; giảm khấu trừ 4 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 956 tỷ đồng.

Cùng với đó, Ngành đã thực hiện 2.894 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 17.901 tỷ đồng. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 164 tỷ đồng, đã nộp ngân sách 51 tỷ đồng.

Người dân đến giao dịch tại Cục thuế Hà Nội.
Người dân đến giao dịch tại Cục thuế Hà Nội.

Tránh thanh tra chồng chéo, trùng lặp

Để chống thất thu thuế, trong những tháng cuối năm, Tổng cục Thuế giao Vụ Thanh tra - Kiểm tra, cơ quan thuế các địa phương tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra. Trong đó tập trung phân tích rủi ro một số lĩnh vực tiềm ẩn thất thu thuế lớn như thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; chuyển nhượng vốn, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; chuyển nhượng bất động sản…

Cụ thể, đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, Tổng cục Thuế sẽ tập trung tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; hiện đại hóa công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý thương mại điện tử... Đồng thời, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quản lý của ngành; áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro.

Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, ngành Thuế tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ công tác quản lý các khoản thu từ đất và bất động sản. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản tại bộ phận một cửa liên thông theo nguyên tắc “tiền phòng - hậu kiểm”; tham mưu và bám sát UBND tỉnh để xây dựng, ban hành bảng giá đất, hệ số điều chỉnh sát với giá giao dịch thực tế trên thị trường; xây dựng chuyên đề thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Ngoài ra, ngành Thuế chú trọng kiểm soát hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn bảo đảm tránh chồng chéo, trùng lặp với kế hoạch của cơ quan thuế cấp trên và cơ quan chức năng khác; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp kết hợp với việc kiểm tra sử dụng hóa đơn nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp của doanh nghiệp…

Để nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, ngành Thuế đẩy nhanh tiến độ đề án “Phân tích cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử” để phục vụ phân tích, đánh giá, quản lý rủi ro; nghiên cứu, triển khai áp dụng AI trong quản lý hóa đơn điện tử, quản lý thuế; áp dụng các giải pháp phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ thông minh và máy học để phục vụ quản lý rủi ro, phát hiện vi phạm, gian lận về sử dụng hóa đơn.