Tập trung kinh tế và chuyện Grab - Uber
Thương vụ sáp nhập Uber và Grab đang bị đặt trong vòng điều tra chính thức 180 ngày về dấu hiệu vi phạm tập trung kinh tế theo Luật cạnh tranh. Liệu hai bên có thể “ai về nhà nấy”?
Grab - Uber “tập trung kinh tế” theo cách thức nào?
Kết quả điều tra sơ bộ của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chỉ ra dấu hiệu vi phạm tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại Việt Nam có thể dẫn đến thị phần vượt trên ngưỡng 50%. Theo đó, có thể vi phạm Luật Cạnh tranh 2004 của Việt Nam.
Về mặt nguyên lý, việc tập trung kinh tế đồng nghĩa tập trung các nguồn lực giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực kinh doanh để cạnh tranh. Trong trường hợp của Grab và Uber, hai bên gọi việc tập trung này là thỏa thuận sáp nhập - bản chất là Grab thu mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông - Nam Á. Theo đó, Uber đã chính thức đóng cửa hoạt động ở Việt Nam.
Sự khác nhau trong sử dụng tên gọi của “phương pháp” tập trung kinh tế có thể sẽ không được người trong cuộc và thị trường quan tâm; trên thực tế, nó quyết định một phần gốc rễ việc truy xét thương vụ này có vi phạm pháp luật Việt Nam hay không? Bởi theo quy định của Luật Cạnh tranh, có 4 hình thức tập trung kinh tế cơ bản tại Điều 16 và Điều 17 bao gồm: Sáp nhập, Hợp nhất, Mua lại và Liên doanh giữa các doanh nghiệp.
Trong đó, căn cứ theo thông cáo của Grab tại Xin-ga-po và Xan Phran-xcô công bố ngày 26 tháng 3 năm 2018, “Grab vừa thu mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông-Nam Á. Đây là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực…” thì bản chất hoạt động này tương ứng với hình thức mua lại, được quy định tại Khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh năm 2004: “Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại”.
Lỗ hổng pháp lý
Tuy nhiên, lại cũng phải nói rằng việc mua lại của hai bên Grab - Uber chỉ diễn ra ở một khu vực - thị trường theo thỏa thuận, không bao gồm toàn bộ hoạt động kinh doanh của bên bị mua.
Do đó, sẽ rất khó xác định việc tập trung kinh tế chính xác trong trường hợp cụ thể này khi: Thứ nhất, phạm vi hình thức tập trung kinh tế diễn ra trên diện rộng (thị trường Đông-Nam Á) - không diễn ra riêng biệt trên thị trường Việt. Hay nói cách khác vụ sáp nhập - theo cách gọi của Grab, về mặt pháp lý, không hề diễn ra tại thị trường Việt Nam. Thứ hai, vụ sáp nhập - mua lại hoạt động kinh doanh không đồng nghĩa Grab kiểm soát toàn bộ hoạt động của Uber sau thương vụ. Và thứ ba, bản chất của “hoạt động kinh doanh” Grab - Uber và khái niệm “thị phần” trong thị trường - thương vụ diễn ra cũng có một độ khu biệt nhất định.
Ở đây, Uber và Grab có hoạt động sản phẩm dịch vụ tương đồng là kinh doanh vận tải công nghệ. Trong đó, tài sản “lõi” của hai bên là công nghệ. Toàn bộ các tài sản có giá khác như hệ thống, số lượng xe kết nối, khách hàng hiện hữu… đều không thuộc tài sản cố định. Trong khi đó, việc xác định thị phần và mức độ tập trung nguồn lực kinh tế để xác định vi phạm kinh tế, lại đòi hỏi những tách bạch rõ ràng thể hiện trên các “ngưỡng” con số - theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Đặt giả thiết rằng: Việc một hệ thống ta-xi Việt Nam kết nối vào ứng dụng của Grab, thí dụ Mai Linh và các tài xế ta-xi Mai Linh tham gia cơ chế của dịch vụ vận chuyển gọi xe trên ứng dụng này chính thức hoặc phi chính thức, vậy sẽ được xác định là tài sản - nguồn lực kinh tế, hay xác định tính vào “độ nở” của thị phần?
Grab tại Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (49%). Tuy không phải là với khoản vốn đầu tư nước ngoài chiếm từ 51% trở lên theo quy định, nhưng hoạt động của Grab tại Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu chuyển giá khi liên tục thua lỗ và thiếu nghĩa vụ nộp thuế. Có ý kiến cho rằng, ngoài tỷ lệ góp vốn, Grab có bản chất của đầu tư nước ngoài theo dạng FDI hay không? Và trong trường hợp này, có thể quy chiếu các quy định pháp luật của doanh nghiệp trong nước với Grab? Hiện, Luật Cạnh tranh 2004 vẫn đang có lỗ hổng lớn, khi chưa có quy định cụ thể điều chỉnh các khía cạnh của một vụ việc tập trung kinh tế có liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu kết quả điều tra chính thức xác thực Grab vi phạm tập trung kinh tế, sẽ sử dụng quy định áp chế tài bắt buộc doanh nghiệp điều chỉnh theo đúng pháp luật Việt Nam, cho một thương vụ ngoài thị trường Việt Nam và liên quan đến nguồn vốn Grab mẹ ra sao, là một câu hỏi lớn.
Cuối cùng, Luật Cạnh tranh Việt Nam cũng quy định rằng, doanh nghiệp nếu tập trung kinh tế phải bắt buộc báo cáo lên cơ quan quản lý. Quy định điều chỉnh sau đó, cho phép bổ sung báo cáo sau thương vụ. Thời hạn bổ sung là bao lâu? Grab có thể áp dụng bổ sung với lý do thương vụ pháp lý không diễn ra tại thị trường Việt? Cùng với đó, nếu giả định để “tránh” vi phạm tập trung kinh tế, thay vì “ai về nhà nấy” - để đáp ứng quy định của pháp luật Việt Nam, Grab - Uber liệu vẫn có thể tách pháp nhân độc lập tại thị trường Việt Nam, trở thành “ứng dụng con” trong tập đoàn mẹ và hoạt động song song được hay không?
Các giả thiết đặt ra để cho thấy rằng, chừng nào chúng ta vẫn còn những lỗ hổng pháp lý và các quy định đi quá sau, quá xa so với chuyển động kinh doanh thực tế, chừng đó, việc xác lập điều tiết, kiểm soát hiệu quả của Nhà nước vào hiện tượng tập trung kinh tế đồng thời tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, sẽ còn bị giới hạn.
Grab ta-xi Việt Nam hoạt động trên thị trường Việt Nam từ năm 2014. Uber ta-xi vào chậm hơn 6 tháng. Tháng 3-2018, Grab thực hiện mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông-Nam Á. Tháng 4-2018, Uber tuyên bố đóng cửa văn phòng không hỗ trợ các hoạt động tại Việt Nam. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sau điều tra sơ bộ 30 ngày đã công bố, thương vụ có dấu hiệu tập trung kinh tế. Mới đây, Bộ Công thương chính thức mở điều tra. Kết quả sẽ được công bố sau 180 ngày.