Tập trung ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), trong 9 tháng qua, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 100 nghìn vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 7.500 tỷ đồng, khởi tố 1.615 vụ việc với 2.148 đối tượng.
Kết quả nêu trên là nhờ sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng như: công an, hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm lớn. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được đánh giá vẫn đang diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Ðặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tình trạng này càng phức tạp hơn; lực lượng chức năng liên tục phát hiện hàng loạt vụ vi phạm, trong đó nổi lên việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa thực phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc; làm giả các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế liên quan đến công tác phòng, chống dịch với số lượng lớn.
Do đó, tại Hội nghị giao ban quý III năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo đã nhận định: Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa phương chưa được chỉ đạo, thực hiện sát sao, các lực lượng chức năng chưa làm tốt quản lý địa bàn, đối tượng.
Vẫn còn tình trạng nể nang, bao che, thậm chí có dấu hiệu bảo kê, "làm ngơ" của một số người có trách nhiệm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc nắm bắt, xác minh và xử lý vụ việc có dấu hiệu vi phạm. Ðây là một trong những vấn đề rất nghiêm trọng gây nhức nhối trong thời gian dài. Vì vậy, để kiểm soát tốt và đẩy lùi nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong bối cảnh đất nước đang trở lại trạng thái bình thường mới, vừa thích ứng an toàn với đại dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế, trước hết phải tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không nể nang, bao che, không gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Từ nay đến cuối năm là thời gian cao điểm của nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vì vậy các lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhập lậu, nhất là hàng hóa liên quan đến sức khỏe của người dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác phòng, chống gian lận thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, làm tốt công tác thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường để xây dựng những kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hàng hóa sát với tình hình thực tiễn. Tập trung cao cho việc triển khai trọng điểm theo chuyên đề về nhóm hàng, ngành hàng, hành vi vi phạm nhằm góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng...