Tập trung phát triển bền vững

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Những năm gần đây, thị trường bảo hiểm Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan với các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao rõ rệt. Với nền tảng ấy, việc triển khai các giải pháp thiết thực để phát triển thị trường một cách bền vững là mục tiêu mà Bộ Tài chính đang hướng tới.

Tập trung phát triển bền vững
Những năm gần đây, thị trường bảo hiểm Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan. Nguồn: internet

Nhiều nhân tố tạo đà

Kết quả thống kê từ 59 doanh nghiệp tham gia thị trường (29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 16 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm) năm 2013 cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt trên 47 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2012. Tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm là 18,8 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2013 lên tới trên 105 nghìn tỷ đồng.

Có rất nhiều nhân tố đem lại kết quả đáng ghi nhận cho thị trường bảo hiểm năm vừa qua. Trước hết, cơ quan quản lý Nhà nước đã hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm theo hướng phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, hướng tới các chuẩn mực quốc tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Một số quy định đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành và trực tiếp ban hành như: Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; Nghị định 214/2013/NĐ-CP quy định giảm tỷ lệ đóng góp vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới;

Thông tư 115/2013/TT-BTC quy định hướng dẫn triển khai bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện; Thông tư 101/2013/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm... đã góp phần đưa những chính sách về bảo hiểm đi vào thực tế. Công tác thanh tra, kiểm tra cùng với đó cũng được tăng cường với 3 cuộc thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm; kiểm tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 5 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm... Qua đó, cơ quan quản lý kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi vi phạm.

Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tập trung củng cố và tăng cường mức độ an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động đầu tư; đẩy mạnh khai thác tại các mảng thị trường tiềm năng. Chỉ riêng năm 2013, 8 doanh nghiệp bảo hiểm mở thêm 18 chi nhánh và 1 văn phòng đại diện; các doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính phê chuẩn đưa ra thị trường thêm 43 sản phẩm nhân thọ mới. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng được nâng cao, kênh bán hàng trực tuyến được một số doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bước đầu mang lại hiệu quả tích cực… Công tác quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro được doanh nghiệp chú trọng, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đã xây dựng được các quy trình nghiệp vụ cơ bản, bố trí các chức danh quản trị và điều hành đáp ứng tiêu chuẩn, thực hiện việc công bố công khai thông tin theo quy định.

Hướng tới bền vững

An toàn, hiệu quả và bền vững; tiếp cận các chuẩn mực quốc tế; nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm cho các lĩnh vực kinh tế và dân cư; góp phần ổn định kinh tế - xã hội là định hướng phát triển của thị trường bảo hiểm không chỉ trong năm 2014 mà còn cả giai đoạn tới đây. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm- Bộ Tài chính dự kiến, năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm có thể đạt 51,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2013. Phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm phấn đấu tăng từ 5-7% so với năm 2013.

Để đạt được mục tiêu này, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thị trường trong lâu dài, trong năm 2014, hành lang pháp lý với các quy định như tiêu chí đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm; quy định triển khai bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng; sửa đổi, bổ sung chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; các quy chế quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm... cần phải được củng cố để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động kinh doanh tăng trưởng hiệu quả, năm 2014, các doanh nghiệp bảo hiểm cần chủ động thực hiện các giải pháp tái cấu trúc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động khai thác bảo hiểm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu khách hàng; tăng cường năng lực tài chính, quản trị điều hành, quản lý rủi ro, đồng thời tích cực hợp tác giữa các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển, khắc phục tình trạng trục lợi bảo hiểm và cạnh tranh không lành mạnh.

Đặc biệt, trong năm 2014, Bộ Tài chính cũng sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra với quy mô rộng hơn nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các rủi ro hoạt động của các doanh nghiệp, đảm bảo thị trường phát triển ổn định.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai:

Sau 20 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong nền kinh tế; là trụ cột quan trọng trong khu vực dịch vụ tài chính bên cạnh hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn khá nhỏ về quy mô, tỷ lệ doanh thu phí trên GDP chỉ xấp xỉ 2% so với mức trung bình 3,2% trong khu vực ASEAN và 6,5% trên toàn thế giới. Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường rất lớn, còn nhiều cơ hội để phát triển.

Để nắm bắt những cơ hội, các doanh nghiệp cần thẳng thắn đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh trên tất cả các mặt từ chiến lược, định hướng tiếp cận thị trường cho đến phát triển sản phẩm; phát triển kênh phân phối; chất lượng phục vụ khách hàng... Như vậy mới có thể giúp các cơ quan quản lý Nhà nước tìm ra các giải pháp, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng to lớn của thị trường trong nước và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Qua đó góp phần giúp thị trường bảo hiểm đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mà vẫn đảm bảo tính an toàn và hiệu quả theo đúng Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(Lược ghi tại Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm năm 2014, ngày 28/2/2014)