Tết với “người mạng lớn”

Hồng Vân (Quân đội Nhân dân)

Ở tuổi 85, Thượng tướng Nguyễn Chơn, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, VII, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, vẫn rất minh mẫn. Tiếc là bệnh huyết áp cao và hen suyễn khiến câu chuyện của ông với khách thường chỉ được phép trong vòng 15 phút. Vị tướng huyền thoại, người làm cho quân Mỹ khiếp sợ ngày nào vẫn hóm hỉnh rằng, sở dĩ ông sống thọ vì là “người mạng lớn”- súng đạn của địch đã “chừa” ông. Trận Đường 9- Nam Lào chính là trường hợp như thế!

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 với Thượng tướng Nguyễn Chơn.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 với Thượng tướng Nguyễn Chơn.

Người làm “nghề bảo vệ Tổ quốc!”

Những ngày cuối năm 2011, trong ngôi nhà số 550, đường Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng nhộn nhịp hẳn. Đoàn làm phim của Điện ảnh Quân đội Nhân dân đang quay những thước phim quý về Thượng tướng Nguyễn Chơn để làm tư liệu. Vợ chồng cô con gái đầu Hồng Dung đang làm việc tại Hà Nội và con gái út Thanh Bình đang ở Đà Nẵng dành những ngày nghỉ để quây quần bên ông. Đồng đội cũng về thăm nhiều, khiến ông nói cười hơn trước. Mái tóc bạc trắng trên gương mặt hồng hào, vị tướng “thét ra lửa” năm nào giờ trông hiền hậu như một ông tiên. Thượng tướng chỉ tiếc khi không được cùng đoàn về quê ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu hay xuống Nghĩa trang Liệt sĩ Quân khu 5 để thắp hương và về nhà thờ ông bà, cha mẹ và vợ ông - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Trần Thị Lý, người đã mất cách đây hơn 10 năm. Hôm Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đến thăm, có lẽ ông vui nhất; đặc biệt là khi Thiếu tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu thông báo đã cho trồng cây sao gắn tên Thượng tướng tại Khu di tích căn cứ Nước Oa mới được sửa chữa. Ông vui khi các thế hệ kế thừa đã luôn nhớ đến ông, dành cho ông những tình cảm ấm áp.

Tuổi già thường sống bằng ký ức. Ông kể rằng những đêm không ngủ (mỗi ngày ông chỉ ngủ chừng 2 đến 3 tiếng) ông thường nhớ về những ngày trẻ trai, cái thời “gân đang săn và thớ thịt căng da” chứ không phải cánh tay mềm nhão như bây giờ. Ngày Pháp tái chiếm Đà Nẵng là ngày ông xin cha cho đi tòng quân. Để chứng minh cho sự khôn cùng của khát vọng, ông chặt đứt ngón chân út! Chia tay gia đình với ngón chân cụt còn rỉ máu, ông được phân công về Tiểu đoàn 19 Quảng Nam. Từ đó, ông bước vào con đường chuyên nghiệp như ông nói: “Nghề bảo vệ Tổ quốc!”.

Tết với “người mạng lớn”  - Ảnh 1

Bản lĩnh của người chỉ huy Nguyễn Chơn đã sớm bộc lộ từ khi còn là cán bộ cấp cơ sở. Các trận đánh của ông luôn diễn ra gọn gàng, ít thương vong. Ông và đơn vị luôn được Tư lệnh Liên khu 5 tuyên dương công trạng. Tập kết ra Bắc, ông may mắn được học trường Sĩ quan Lục quân, nơi tập trung những trí tuệ quân sự tiêu biểu của cả nước. Ông được chọn tham gia duyệt binh và được gặp Bác Hồ. Sau này, trước khi về Nam chiến đấu năm 1959, ông lại được gặp Người. Những giây phút thiêng liêng và lời dặn ân cần của Bác đã theo ông suốt cuộc đời để ông thêm nghị lực cống hiến cho đất nước. Là lớp cán bộ trở về Nam đầu tiên xây dựng cơ sở cách mạng và sau này làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 nổi tiếng với hai lần được phong Anh hùng LLVTND, rồi Tư lệnh Quân đoàn 2, Tư lệnh Quân khu 5 đến Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng  - chỉ huy hàng trăm trận đánh Pháp, Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia; đồng đội thường nghĩ, Thượng tướng Nguyễn Chơn sinh ra để mà xây dựng, để mà tiến công, như những vần thơ họ đã yêu mến viết về ông: “Dùng người như Thần toán. Quyết đoán như Thái sơn. Kỷ cương như sắt thép. Mưu trí thật phi thường. Uy danh trùm bờ cõi. Ngàn thu tỏa ánh dương”.

Tết với “Người mạng lớn”

Giáp Tết Nhâm Thìn, qua thời sự trên ti vi và báo chí đọc hàng ngày, Thượng tướng Nguyễn Chơn theo dõi rất kỹ các cuộc hội thảo về chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, cùng các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng. Hỏi ông có nhớ cái Tết năm 1971 đó không, ông gắt yêu: “Năm đó làm gì có Tết, chỉ có thoát chết thì có…”.

Đại tá Nguyễn Đức Chuyển, nguyên Đại đội trưởng trinh sát đỡ lời ông, kể về những ngày trên đường Trường Sơn. Khi cả Sư đoàn 2 đã tập trung quân ra khu vực Sê Pôn- Nam Lào để nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức lực, bổ sung quân số, vũ khí, đạn dược đồng thời chuẩn bị đối phó với âm mưu đánh phá hành lang của địch thì Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn và Đoàn cán bộ Sư đoàn hơn 70 người được lệnh vào Tây Nguyên chuẩn bị chiến trường. Đi khoảng chục ngày thì cũng là lúc năm mới đến. Trong khi cán bộ, chiến sĩ ở Nam Lào nhờ gần đường dây 559 mà đón một cái Tết Tân Hợi no đủ nhất từ trước đến nay thì đoàn chuẩn bị chiến trường vẫn mải miết hành quân. Đại tá Chuyển ghi lại trong nhật ký của mình: “Đi đường ăn Tết giữa rừng. Hai kẹo một điếu Trường Sơn gọi là. Gạo rang trong túi đem ra. Trên đường uống chén nước trà Tết nay. Mồng một được nghỉ một ngày. Mồng hai Tết này tiếp tục hành quân”…

Máy bay C.130  và B.52 đánh phá dọc đường. Chiếc com-măng-ca của Sư trưởng Nguyễn Chơn bị trúng đạn. Rất nhanh, khi địch bắt đầu bắn thì ông đã ôm cặp bản đồ nhảy khỏi ca-bin, lao xuống cái hố bên đường. Động tác này của Thượng tướng làm Đại tá Nguyễn Đức Chuyển nhớ đến lần đi kiểm tra trinh sát ở cứ điểm Hà Thành, Quảng Ngãi. Cứ điểm bố trí dày đặc những lớp rào kẽm gai các loại, lại có nhiều lon bơ treo để phát ra tiếng động. Nếu động tác chui rúc không khéo âm thanh sẽ phát vang ra ngay. Vậy mà Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chơn đã bò sát đến tận hàng rào thứ 6. Vừa lúc ánh đèn của địch chiếu tới, ông nhanh chóng nép vào lớp thùng phuy giữa các hàng rào để tránh đạn. Nhiều lần đi chiến đấu, bằng sự phán đoán, nhanh nhẹn và xử trí thông minh, ông đều thoát chết ngoạn mục như thế...

 Vào đến Kon Tum mới được 5 ngày thì được lệnh của cấp trên, đoàn phải cấp tốc quay trở ra để tham gia đánh trận Đường 9 - Nam Lào. Vừa lúc xe của Bộ Tư lệnh đường Trường Sơn trả hàng xong đã chở đoàn đi ra. C.130 của địch đánh hơi được đội hình, điên cuồng ném bom, băm nát trục đường. Một quả bom hất chiếc xe của Sư đoàn trưởng ra xa suýt lăn xuống vực. May mắn, “Người mạng lớn” lần này cũng thoát chết. Thấy việc hành quân bằng cơ giới quá nguy hiểm, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn quyết định hành quân bộ. Tất cả hưởng ứng mệnh lệnh của ông. Trước đây, khi đi vào, mỗi ngày hành quân một trạm thì bây giờ phải đi ba trạm. Với bước chân thần tốc, không khác mấy thời đoàn quân Tây Sơn hành quân ra Thăng Long Tết Kỷ Dậu (1789) năm nào, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn và đoàn cán bộ đã đến khu chiến, rút ngắn thời gian trên đường một tháng, kịp thời chỉ đạo Sư đoàn 2 chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng ở Đường 9 - Nam Lào lừng lẫy.

Vì thế, 40 mùa xuân đã qua từ cái Tết Tân Hợi ấy, nhưng trong lòng vị anh hùng luôn thấm đẫm những ký ức không phai nhòa. Đồng đội đến thăm, ông vẫn nhắc về các đồng chí đã hy sinh khi đánh cao điểm 723. Ông nói với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 về những điều đã suy ngẫm, các bài học lớn về lãnh đạo chỉ huy các chiến dịch và những trận đánh then chốt, then chốt quyết định trong đó có chiến dịch Nam Lào. Chất lính vẫn hừng hực trong ông. Ngỡ như ngày mai ông lại tiếp tục ra trận. Bàn chân trái thiếu ngón út lại sải dài không mỏi mệt trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, tạo nên vóc dáng người chỉ huy Nguyễn Chơn suốt hơn nửa thế kỷ…