Thách thức nhà tư vấn trong triển khai Basel II

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Để triển khai thành công Basel II, các ngân hàng cần có sự hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm.

Thách thức nhà tư vấn trong triển khai Basel II
Thách thức lớn nhất đối với các ngân hàng và các chuyên gia tư vấn là vấn đề dữ liệu. Nguồn: internet

Tuy nhiên, bản thân các tư vấn cũng đối diện với những thách thức nhất định, đan xen với những thách thức của các ngân hàng trong việc áp dụng Basel II.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Công văn số 1601 ngày 17/3/2014 về việc triển khai thực hiện quy định an toàn vốn theo Basel II nhằm nâng cao sự an toàn, lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, năng lực cạnh tranh cho các tổ chức tín dụng. Các quy định của Basel II, như được triển khai ở các nước phát triển từ năm 2004 đến 2008, được coi là tiêu chuẩn tối thiểu để đánh giá các rủi ro mà ngân hàng phải đối mặt, cũng như nhằm tăng cường hiệu quả trong các hoạt động kinh doanh và quản lý nguồn vốn.

Các ngân hàng đã và đang nhận ra những lợi ích kinh tế từ việc tuân thủ Basel II, ví dụ như giảm yêu cầu về vốn, nâng cao uy tín, hệ thống xếp hạng, chi phí vốn thấp hơn, định giá hiệu quả hơn… 

Để đạt được những lợi ích này, các ngân hàng phải đầu tư đáng kể vào nguồn nhân lực, thay đổi quy trình, cải tiến hệ thống công nghệ thông tin và tập trung vào quản trị nội bộ. Ngoài ra, các ngân hàng cần có sự hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm để triển khai Basel II một cách hiệu quả và thành công. Với kinh nghiệm tư vấn triển khai Basel II cho nhiều ngân hàng trong các năm qua, chúng tôi đưa ra một số khó khăn và thách thức sau trong việc triển khai Basel II. 

Tính đầy đủ và chất lượng của dữ liệu

Thách thức lớn nhất đối với các ngân hàng và các chuyên gia tư vấn là vấn đề dữ liệu. Việc triển khai thành công và hiệu quả Basel II phụ thuộc rất nhiều vào việc dữ liệu phải chính xác, đầy đủ và sẵn có.

Thu thập và lưu trữ dữ liệu là việc rất quan trọng trong bất kỳ dự án triển khai Basel II nào. Phân tích chênh lệch về dữ liệu, bao gồm việc so sánh mức độ sẵn có và chất lượng của dữ liệu hiện có với các yêu cầu về dữ liệu của Basel II, phải được tiến hành ngay trong giai đoạn đầu của dự án. Từ đó, các ngân hàng xác định được các yêu cầu dữ liệu bổ sung và bố trí nhân sự phù hợp để thu thập và làm sạch dữ liệu. Nếu không thực hiện phân tích chênh lệch dữ liệu và có các phương án bổ sung, làm giàu dữ liệu, thì chi phí và thời gian thực hiện triển khai dự án Basel II sẽ cao hơn nhiều kế hoạch ban đầu.

Việc kiểm tra chất lượng của dữ liệu và đối chiếu với Sổ cái cũng là một thách thức trong quá trình triển khai Basel II nhằm đảm bảo tính đầy đủ và chính xác của dữ liệu. Các ngân hàng phải trả lời được câu hỏi đơn giản: liệu dữ liệu đã đầy đủ và “khớp” với số liệu đã kiểm toán hay chưa, cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng dữ liệu của Basel II chưa?

Ngoài ra, các ngân hàng cũng gặp phải thách thức về nguồn nhân lực. Nhân lực phải hiểu, diễn giải và sử dụng được dữ liệu cho mục đích đưa ra quyết định. Chất lượng nguồn nhân lực có ảnh hưởng lớn đến việc thu thập dữ liệu cũng như diễn giải và sử dụng dữ liệu cho việc ra quyết định. Nguồn nhân lực luôn là một công cụ quan trọng và cần thiết cho việc triển khai Basel II. 

Phương pháp tiếp cận  toàn diện

Một thách thức khác khi bắt đầu triển khai Basel II là liệu ngân hàng có nên sử dụng một giải pháp toàn diện duy nhất để quản lý cả rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động hay không. Kinh nghiệm cho thấy, các ngân hàng áp dụng nhiều giải pháp nhằm quản lý một hoặc nhiều cấu phần của Basel II gặp phải nhiều khó khăn trong việc đồng bộ hóa dữ liệu và tính toán. 

Tầm quan trọng của Trụ cột II

Với kinh nghiệm triển khai Basel II, chúng tôi nhận thấy, ban đầu các ngân hàng chủ yếu tập trung tuân thủ Trụ cột I và Trụ cột III của Basel II mà ít chú ý đến bốn nguyên tắc chính của Trụ cột II, trong đó quan trọng nhất là Quy trình đánh giá mức độ đầy đủ vốn nội bộ (ICAAP). Các cuộc khủng hoảng tài chính gần đây cho thấy rõ sự bất cập của phương pháp tiếp cận quản trị rủi ro không đồng bộ, mức độ quan trọng của sự phụ thuộc và tương tác giữa các loại rủi ro và mức độ nhận thức chưa đầy đủ về rủi ro của các sản phẩm.

Do đó, chiến lược triển khai Basel II của các ngân hàng phải mang tính toàn diện - bao gồm cả ba trụ cột của Basel II. Các giải pháp Basel II, bao gồm cả mô hình dữ liệu, phải đảm bảo bổ sung, hỗ trợ cho các yêu cầu của Trụ cột II và ICAAP trong việc xác định rủi ro, đánh giá tính trọng yếu, định lượng rủi ro, tổng hợp và phân bố rủi ro, kiểm tra khả năng chịu đựng, lập kế hoạch vốn, báo cáo ICAAP. 

Mức độ chấp nhận của các ngân hàng

Một thách thức phổ biến khác là chi phí triển khai Basel II. Các yêu cầu của NHNN về tuân thủ Basel II dự kiến được ban hành trong thời gian tới là một khó khăn cho các ngân hàng, đòi hỏi chi phí triển khai lớn. Trong tương lai, chi phí tuân thủ trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tăng cao, và chỉ những ngân hàng có khả năng chi trả mới có thể tồn tại. Có quan điểm cho rằng, các yêu cầu của Basel II đang tạo lợi thế cho những ngân hàng lớn khi họ có khả năng chịu được mức chi phí tuân thủ cao, trong khi những ngân hàng nhỏ sẽ không có động lực tuân thủ Basel II.

Các yêu cầu công bố thông tin theo Trụ cột III có phạm vi rất rộng và chi tiết, phù hợp hơn với các thị trường tiên tiến, nơi có nhiều nhà phân tích có thể hiểu, đánh giá và sử dụng các thông tin đó cho việc đưa ra các quyết định đầu tư quan trọng. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam có thể chưa sẵn sàng tiếp nhận những lợi ích đem lại từ các thông tin chi tiết như vậy. Việc yêu cầu công bố thông tin theo Trụ cột III sẽ tạo thêm thách thức và gánh nặng cho các ngân hàng triển khai Basel II, trong khi chưa thực sự đem lại lợi ích thực tế. 

Đơn vị xếp hạng tín dụng độc lập

Việc triển khai Basel II và áp dụng phương pháp chuẩn hóa cho rủi ro tín dụng phụ thuộc rất nhiều vào các đơn vị xếp hạng tín dụng độc lập. Việc không có các đơn vị xếp hạng tín dụng độc lập trong nước hoạt động hiệu quả, việc triển khai Basel II sẽ là một thách thức lớn. Các đơn vị xếp hạng tín dụng độc lập quốc tế như Moody’s, S&P… có thể là một lựa chọn, nhưng chi phí là một rào cản để các ngân hàng yêu cầu khách hàng sử dụng các đơn vị xếp hạng tín dụng độc lập quốc tế này.