Thái Lan bắt đầu canh tác giống lúa mới, cạnh tranh với gạo Việt Nam

Theo Ngọc Quang/TTXVN

Chính phủ Thái Lan dự kiến thúc đẩy 7 sản phẩm gạo và phát triển giống lúa theo chiến lược sản xuất định hướng thị trường trong giai đoạn 2020-2024.

Thái Lan bắt đầu canh tác giống lúa mới, cạnh tranh với gạo Việt Nam.
Thái Lan bắt đầu canh tác giống lúa mới, cạnh tranh với gạo Việt Nam.

Ngày 22/6, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của một ủy ban có nhiệm vụ xử lý chiến lược gạo của Thái Lan. Kế hoạch chiến lược 4 năm này sẽ chủ yếu tập trung vào gạo Hom Mali, gạo thơm Thái, gạo trắng hạt mềm dẻo, gạo trắng hạt cứng, gạo đồ, gạo nếp và gạo chất lượng đặc sản.

Theo chiến lược này, thị trường gạo sẽ được chia thành 3 nhóm: gạo Hom Mali và gạo thơm Thái cho thị trường cao cấp; gạo trắng hạt mềm dẻo, gạo trắng hạt cứng và gạo đồ cho thị trường phổ thông; và gạo nếp và gạo chất lượng đặc sản cho thị trường đặc biệt.

Bộ trưởng Thương mại Jurin cho biết các thành viên ủy ban cũng nhất trí cần chú trọng hơn tới lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) các giống lúa mới nhằm tăng sản lượng và chất lượng. Tuy nhiên, ông nói rằng cần có thêm các cuộc thảo luận về việc làm thế nào để xử lý những trở ngại đối với xuất khẩu gạo như chi phí xuất khẩu và hậu cần (logistics).

Ủy ban nói trên sẽ họp 2-3 lần trước khi kết luận về chiến lược gạo và trình lên Ủy ban Chính sách lúa gạo quốc gia do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha làm chủ tịch để xem xét. Chiến lược này sau đó sẽ được trình lên nội các để thông qua lần cuối, có thể vào tháng Tám tới.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Charoen Laothammatas, đây là lần đầu tiên một cuộc họp của ủy ban về chiến lược gạo có sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Đó là một dấu hiệu tốt cho thấy Thái Lan có ý định chú trọng vào nghiên cứu và phát triển giống lúa để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, các nông dân ở Thái Lan sẽ bắt đầu canh tác giống lúa Kor Khor 79 trên thửa rộng đầu tiên trong năm nay với mục tiêu giới thiệu giống lúa cho gạo mềm dẻo mới này ra thị trường xuất khẩu, đặc biệt là châu Á. TREA đang đặt mục tiêu cạnh tranh với gạo mềm dẻo xuất khẩu từ Việt Nam vốn đang bán chạy trên các thị trường châu Á.

Thái Lan sản xuất hơn 20 triệu tấn gạo/năm, trong đó khoảng 10 triệu tấn để tiêu dùng trong nước và phần còn lại để xuất khẩu. Năm 2019, quốc gia Đông Nam Á này xuất khẩu 7,58 triệu tấn gạo, giảm 32% về lượng và 25% về giá trị so với năm trước.

TREA hy vọng xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo trong năm 2020, với tổng giá trị 4,2 tỷ USD, tương đương chỉ tiêu của Bộ Thương mại. Đây là chỉ tiêu thấp nhất trong vòng 7 năm qua kể từ năm 2013 khi Thái Lan chỉ xuất khẩu có 6,6 triệu tấn gạo.

Số liệu của Bộ Thương mại cho thấy xuất khẩu gạo qua Hải quan Thái Lan trong 4 tháng đầu năm nay là 2,12 triệu tấn với giá trị 43 tỷ baht (1,38 tỷ USD), giảm 32,1% về lượng và 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.