Tham vấn dự thảo Thông tư quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, đến nay, Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) đã được triển khai tại 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc, với 100% quy trình thủ tục được tự động hóa và hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử. Theo đó, Cơ quan Hải quan đã triển khai Chương trình quản lý giám sát hải quan tự động cảng biển, cảng hàng không; thí điểm triển khai hệ thống thông tin, quản lý các doanh nghiệp hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu; triển khai nộp thuế qua ngân hàng…
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, điện tử hóa nhiều khâu thủ tục, giảm bớt thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giao hàng kịp thời cho đối tác, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ hải quan và doanh nghiệp, ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra.
Thời gian qua, thực hiện triển khai thực hiện Luật Hải quan; Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2019 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ trong những năm qua, công tác quản lý rủi ro của ngành Hải quan đã có những bước phát triển nhanh chóng, vai trò của công tác quản lý rủi ro ngày càng được chú trọng, mở rộng về phạm vi và chuyên sâu về nội dung, kỹ thuật nghiệp vụ áp dụng trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan, đặc biệt là việc áp dụng quản lý rủi ro trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK; tạo nền tảng quan trọng cho sự đột phá trong cải cách, điện tử hóa, tự động hóa thủ tục hải quan nói riêng cũng như công tác quản lý của ngành Hải quan nói chung.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác quản lý rủi ro, ngành hải quan còn bộc lộ những hạn chế, bất cập cụ thể: các quy định về quản lý rủi ro đang được quy định tại nhiều văn bản; một số hoạt động nghiệp vụ hải quan chưa áp dụng quản lý rủi ro; hạn chế về chất lượng đánh giá và quản lý doanh nghiệp tuân thủ dẫn đến việc áp dụng kết quả đánh giá tuân thủ trong quản lý hải quan còn mờ nhạt, chưa đáp ứng được các yêu cầu tạo thuận lợi trong hoạt động XNK; chất lượng hiệu quả áp dụng quản lý rủi ro.
Căn cứ khoản 4 Điều 17 Luật Hải quan 2014 và khoản 2 Điều 13 Nghị định 08/NĐ-CP; thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ “Công khai các tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ doanh nghiệp”; khắc phục các hạn chế bất cập nêu trên cho thấy, việc xây dựng Thông tư của Bộ Tài chính quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan là cần thiết, đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, thống nhất các quy định về quản lý rủi ro, phù hợp yêu cầu cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và kiểm soát việc tuân thủ pháp luật trong quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.
Tổng cục Hải quan cũng đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến các đơn vị trong và ngoài ngành; trên cơ sở ý kiến tham gia, tiếp thu, giải trình và chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo. Tại Hội thảo lần này, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại Claudio Dordi cho biết, hội thảo là một phần của hoạt động hỗ trợ và tạo thuận lợi thương mại do USAID và Tổng cục Hải quan đã ký kết. Cơ quan Hải quan đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt áp dụng quản lý rủi ro tạo nền tảng, nỗ lực đột phá trong cải cách thủ tục hải quan.
Ông Claudio Dordi cũng cho rằng, để giải quyết khó khăn, vướng mắc, Bộ Tài chính đã và đang xây dựng dự thảo Thông tư về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan. Việc ban hành thông tư sẽ nâng cao mức độ minh bạch, quản lý giao dịch, doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi, nâng cao mức độ tuân thủ của doanh nghiệp như minh bạch hóa tiêu chí đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp, qua đó, thực hiện hiệu quả các Hiệp định tự do thương mại. Qua công tác tham vấn cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan Hải quan tiếp thu đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao hơn nữa hiệu quả dự thảo Thông tư.
Tại Hội thảo, nhìn chung các doanh nghiệp cơ bản nhất trí với kết cấu dự thảo Thông tư áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan. Đồng thời, đại diện một số Hiệp hội doanh nghiệp (gồm Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp cà phê, cao; Hiệp hội gỗ-lâm sản...) tham gia ý kiến về dự thảo Thông tư liên quan đến thu thập thông tin quản lý rủi ro; mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, bộ tiêu chí..., cũng như bổ sung các nội dung quốc tế... vào dự thảo Thông tư.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường mong muốn, hội thảo là cơ hội để lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan tiếp thu, bổ sung để Thông tư có được giá trị thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặt khác, sau hội thảo này, cộng đồng doanh nghiệp có thể tham gia thêm các ý kiến bằng văn bản một cách chi tiết, đầy đủ, cơ quan Hải quan sẽ tiếp thu, sửa đổi dự thảo Thông tư phù hợp với thực tiễn.
Nội dung cơ bản của Dự thảo Thông tư bao gồm: Thu thập, xử lý, quản lý thông tin quản lý rủi ro; Đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, phân loại mức độ rủi ro trong đó phân loại mức độ tuân thủ thành 5 mức và phân loại mức độ rủi ro thành 9 hạng. Việc phân loại mức độ tuân thủ người khai hải quan thành 5 mức và phân loại mức độ rủi ro người khai hải quan thành 9 hạng nhằm phân loại đánh giá người khai hải quan được chính xác hơn; đồng thời qua đó hình thành cơ chế quản lý chặt chẽ và có hiệu quả. Bên cạnh việc công khai tiêu chí đánh giá, cơ quan Hải quan công khai kết quả cho cộng động doanh nghiệp, từ đó trở thành kênh tương tác với cơ quan Hải quan để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật, phục vụ cho cơ quan hải quan đánh giá chính xác.