Thận trọng mua bán đất nền vùng ven
Năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục tăng trưởng, trong đó phân khúc đất nền, đặc biệt đất nền vùng ven, đã chứng kiến nhiều “cơn sốt” bắt nguồn từ những thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng…
Đủ chiêu lừa...
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) gửi các bộ, ban, ngành: Năm 2017, cơn sốt giá ảo đất nền trong những tháng đầu năm tại một số quận ven và huyện ngoại thành đã được thành phố xử lý hạ nhiệt kịp thời, nhưng cuối năm 2017 dấu hiệu sốt giá đất nền quay trở lại ở khu vực vùng ven như quận 9, Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.
Lợi dụng việc này, một số doanh nghiệp môi giới có hoạt động không lành mạnh có thể làm tổn hại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và ảnh hưởng lòng tin của khách hàng. Những cái tên như Kim Phát, Việt Hưng Phát, Địa ốc Alibaba cùng hàng loạt những công ty địa ốc, môi giới, sàn giao dịch ra đời. Trong bối cảnh đó, việc cạnh tranh để bán được sản phẩm trở thành bài toán khó, vì thế những đơn vị này tìm đủ mọi cách từ quảng cáo láo đến mượn danh doanh nghiệp uy tín để bán được sản phẩm.
Người đứng đầu HoREA cũng chỉ rõ sáu thủ đoạn mà các công ty BĐS làm ăn bất chính thường sử dụng. Một là, thủ đoạn đổi tên dự án. Hai là đổi tên chủ đầu tư, các công ty môi giới sau khi nhận phân phối dự án đã thay sang tên của mình nhằm che giấu lý lịch nguồn gốc xấu trước đó nhằm tránh khách hàng cảnh giác không mua. Ba là, tự tiện thay đổi quy hoạch bằng cách vẽ thêm nhiều tiện ích khiến khách hàng thấy hấp dẫn mà xuống tiền đặt mua. Bốn là, nâng khống giá bán, nhiều đơn vị môi giới nâng giá bán lên rất cao, thậm chí tới 40-50% so với giá thực tế của chủ đầu tư đưa ra để hưởng chênh lệch. Năm là, sử dụng cài cắm khách hàng chim mồi.
Những đối tượng chim mồi này thường đi theo khách hàng và chủ động vẽ ra các tiện ích, họ giả bộ chủ động ký hợp đồng trước để tạo niềm tin cho khách hàng xuống tiền mua. Cuối cùng, cài khách hàng bằng kỹ xảo soạn hợp đồng. Cụ thể, soạn thảo hợp đồng rất sơ sài, thiếu thông tin hoặc cài bẫy thông tin để khi bị lừa, khách hàng không thể kiện thắng họ.
Thời gian gần đây, đã có nhiều khách hàng bị lừa do mua phải đất “ma”, do tin lời các cò đất. Những khách hàng này đã có đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng nhằm có giải pháp can thiệp, bảo vệ quyền lợi người mua nhà đất.
Cẩn trọng trước khi xuống tiền
Các khu vực vùng ven TP. Hồ Chí Minh được biết đến là điểm nóng về đất nền, nhan nhản những tờ rơi được dán khắp mọi nơi với những lời chiêu dụ có cánh: “Đặt cọc liền tay, rinh ngay Honda SH sang trọng, Air Blade 2017 thời trang, cọc 50 triệu đồng/lô tặng ngay 3 chỉ vàng, cọc 100 triệu/lô tặng 5 chỉ vàng, đất ngân hàng thanh lý giá rẻ, vợ chồng ly hôn cần sang ngay đất…..”. Đối với những tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương..., cò đất tại những khu vực này quần tụ và hoạt động khá mạnh, đặc biệt khi có những thông tin về quy hoạch, hạ tầng.
Có mặt tại xã Đại Phước, quan sát thấy việc mua bán đất tại đây diễn ra khá xôm tụ, nhiều người từ TP. Hồ Chí Minh cũng đổ về đây “săn” đất, nhưng chủ yếu là mua đi bán lại kiếm lời, giới cò đất “quần tụ” ở đây đông đảo hơn bao giờ hết. Theo một người dân địa phương, đất vườn, đất ruộng cũng được nhiều cò đất đưa ra giới thiệu để bán.
Từ số điện thoại trên bảng rao bán đất, phóng viên liên hệ qua số 0901557*** thì được người này giới thiệu là cò đất, cho hay, cần loại đất gì, diện tích bao nhiêu, khu vực nào anh này đều đáp ứng được. Theo cò này “phán” thì tương lai giá nhà đất còn tăng nữa vì thông tin cầu Cát Lái sắp xây. Theo tìm hiểu thì cò đất cùng một số người từ TP. Hồ Chí Minh mua đất đầu tư tại Nhơn Trạch đã dùng nhiều chiêu để “thổi giá” chứ thực tế nhu cầu thực sự không có bao nhiêu.
Nhận định về việc một số khu vực đất nền tăng bất thường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA), cho rằng, hiện nay nhiều cò đất tận dụng triệt để các thông tin quy hoạch hạ tầng giao thông, các siêu dự án sắp được đầu tư... nhằm quảng bá sản phẩm và thổi giá lên cao khiến giá nhà đất tại các khu vực này “sốt ảo”. Điều này chỉ có lợi cho một số đầu nậu và cò đất, vì vậy, người dân phải hết sức tỉnh táo trước hiện tượng này bởi rất nguy hiểm. Để không phải “tiền mất tật mang”, người dân nên chọn những dự án có đầy đủ pháp lý, dự án phân lô phải có sổ đỏ và thông tin quy hoạch rõ ràng.