Thận trọng với áp lực tăng lãi suất
Xu hướng tăng lãi suất tiếp tục gia tăng trên thế giới. Đáng chú ý, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa có thông báo tăng thêm lãi suất cơ bản USD 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm qua. Các yếu tố này đang tạo nên sức ép rất lớn đến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhất là lãi suất.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, riêng trong năm 2021 có tới 113 lượt tăng lãi suất trên thế giới. Trong khi đó tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại vẫn thực hiện ba đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Mức hạ lãi suất tại Việt Nam theo đó cũng là mức giảm nhiều nhất trong khu vực ASEAN.
Lãi suất huy động tăng nhanh
Quan sát trên thị trường có thể thấy, mặt bằng lãi suất huy động đã được các ngân hàng thương mại tăng thêm từ 0,3-0,5%/năm. Cụ thể, ngay trong những ngày cuối tháng 5/2022, ngân hàng Techcombank đã có đợt tăng lãi suất đáng chú ý.
Theo đó, ngân hàng này đã tăng từ 0,45-0,55%/năm đối với các kỳ hạn từ 6-11 tháng; các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng từ 0,65-0,85%/năm. Từ tháng 6/2022, ngân hàng BIDV cũng điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm lãi suất ở tất cả kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, cố định ở mức 5,6%/năm. Ngân hàng VPBank cũng tăng thêm 0,3 điểm phần trăm lãi suất đối với tiền gửi các kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng, đưa lãi suất lên 6,4%/năm.
Theo đánh giá của TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm để tăng nguồn tiền gửi trong bối cảnh năm nay nhu cầu tín dụng đã và đang tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước. Khi lãi suất tăng, người gửi tiền được hưởng mức lợi cao hơn, đồng thời cũng góp phần củng cố nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng ở các kỳ hạn, qua đó đáp ứng nhu cầu tín dụng tốt hơn từ nay đến cuối năm.
Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm thời gian qua đã giảm xuống mức thấp cho nên khó tránh việc tăng trở lại trong năm 2022. Lãi suất tiết kiệm có chiều hướng gia tăng tác động lên chi phí của ngân hàng, nhất là khi nhu cầu tín dụng và đầu tư tăng lên, nhưng trước áp lực lạm phát trong nước, thì lãi suất tiền gửi khó có thể giảm xuống.
Còn theo báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động nhích tăng trong tháng 5 chủ yếu tại các ngân hàng thương mại cổ phần với mức trung bình 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm, cá biệt tại kỳ hạn 12 tháng có mức tăng khoảng 0,7 điểm phần trăm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã tăng 0,3 đến 0,6 điểm phần trăm. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tới đi kèm cầu tín dụng lên cao, lãi suất huy động khả năng còn tăng. VCBS đánh giá lãi suất huy động có thể tăng 1 đến 1,5 điểm phần trăm trong cả năm 2022.
“Dè chừng” với lạm phát
Hiện nay, áp lực lạm phát của kinh tế thế giới rất cao, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 190% GDP. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu, nhất là giá dầu tăng cao, tác động lớn đến lạm phát. Trên thế giới, nhiều ngân hàng trung ương đang phải áp dụng loạt biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Chí Quang dẫn số liệu: Năm 2021, có 113 lượt tăng lãi suất, trong đó riêng 5 tháng đầu năm 2022, đã có 144 lượt tăng lãi suất trên phạm vi toàn cầu.
Cùng với đó, FED công bố mức tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994 đến nay, nâng lãi suất đi vay cơ bản 0,75% từ ngày 15/6 khi Mỹ đang phải chống lạm phát gia tăng. Bối cảnh này cũng được dự báo sẽ tác động lớn lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước.
Nhưng trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng như vậy, tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại vẫn thực hiện các đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp (riêng trong năm 2021 là ba lần cắt giảm lãi suất). Mức hạ lãi suất tại Việt Nam theo đó cũng là mức giảm nhiều nhất trong khu vực ASEAN. “Điều này cho thấy việc chúng ta duy trì được mặt bằng lãi suất như hiện tại là nỗ lực lớn để hướng tới mục đích giữ lãi suất cho vay hợp lý, không tạo gánh nặng chi phí tài chính cho các doanh nghiệp và người dân”, ông Phạm Chí Quang nhìn nhận.
Bối cảnh nước ngoài tăng lãi suất liên tục, nhưng mặt bằng lãi suất từ đầu năm cho vay ở Việt Nam hiện tăng nhẹ 0,09%, thể hiện nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hệ thống các tổ chức tín dụng đã đồng hành cùng nền kinh tế, duy trì lãi suất cho vay hợp lý để không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân, vượt qua ảnh hưởng do khủng hoảng đại dịch COVID-19.
TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, mức độ giảm lãi suất trong năm nay là rất khó, bởi tất cả các lãi suất đầu vào và các nước trên thế giới đều tăng lãi suất. Năm nay, nếu giữ bình ổn được lãi suất cho vay đã là một thành công. “Hệ thống ngân hàng có thể phải chấp nhận chênh lệch lãi suất đầu vào tăng lên, đầu ra không tăng được. Chênh lệch lãi suất ròng sẽ giảm đi so với những năm trước. Ngân hàng buộc phải tìm cách đa dạng hóa hoạt động để tăng nguồn thu”, TS Lực nhận định.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cũng cho biết, không chỉ đến thời điểm này mà nền kinh tế trong nước vẫn chịu sức ép rất lớn từ xu hướng tăng lãi suất trên thị trường quốc tế thời gian qua. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trong nước vẫn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định cho đến thời điểm này để bảo đảm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Riêng trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.