Tháng 10, hệ thống ngân hàng đã bơm gần 78 nghìn tỷ đồng vào nền kinh tế

PV.

Kinh tế có dấu hiệu phục hồi tốt, cầu tín dụng tăng cao. Trong khi đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào là động lực duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Cung - cầu ngoại tệ vẫn ở thế cân bằng, nên tỷ giá ngoại tệ khó tăng trong ngắn hạn.

Có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới hạn mức tín dụng đối với những ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt.
Có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới hạn mức tín dụng đối với những ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN), tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 29/10/2021 bất ngờ ghi nhận mức tăng 8,72% so với cuối năm 2020, tương đương với khoảng 77,7 nghìn tỷ đồng tín dụng mới được bố sung cho nền kinh tế trong tháng 10/2021, gần gấp đôi so với tháng 9/2021.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng này tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước khi tín dụng tháng 10/2020 chỉ tăng thêm vỏn vẹn 0,71% so với cuối tháng 9/2020. Dư nợ cho vay tính lũy kế hết tháng 10/2020 chỉ đạt 6,5%.

Lĩnh vực Thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, với 34,9 nghìn tỷ đồng được cấp vay mới trong tháng 10/2021. Lĩnh vực Công nghiệp và xây dựng cũng được bổ sung 15,6 nghìn tỷ đồng. Như vậy, cầu tín dụng đã có mức tăng tích cực, thể hiện sự hồi phục của nền kinh tế sau giãn cách.

Số liệu cũng cho thấy, tính đến hết quý III, hầu hết các ngân hàng đều đã chạm trần hạn mức tín dụng năm 2021. Do đó, có thể NHNN sẽ sớm nới hạn mức tín dụng đối với những ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt.

Về nguồn cung tiền Đồng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn rất dồi dào. Trong tuần qua, các nghiệp vụ thị trường mở không được sử dụng. Thanh khoản hệ thống tiếp tục được hỗ trợ bởi việc đáo hạn của các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn đầu tháng 5/2021.

Đặc biệt, theo SSI Research, một khối lượng lớn ngoại tệ đã được NHNN mua lại từ các ngân hàng thương mại (NHTM) thông qua hình thức giao ngay trong tuần trước. Do đó, lượng tiền đồng trong các ngân hàng thương mại hiện khá lớn, thanh khoản tiếp tục dư dả.

Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng...

Cũng nhờ hoạt động gom mua lại ngoại tệ của NHNN, ngay lập tức, giá USD trên thị trường liên ngân hàng đã được điều chỉnh giảm 65 đồng so với phiên 03/11, chốt phiên còn 22.685 VND/USD.

Tỷ giá niêm yết ở các NHTM giao dịch trong phiên cuối tuần qua ở mức 22.550/22.750, giảm 70 đồng ở chiều mua và 100 đồng ở chiều bán ra so với tuần trước trước đó.

Ngược lại, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, cũng như nhu cầu USD tăng dần về giai đoạn cuối năm khiến tỷ giá trên thị trường tự do có diễn biến ngược lại, tăng 95 đồng ở chiều mua vào và 80 đồng ở chiều bán ra, kết tuần ở 23.505/23.540.

Cán cân thanh toán tổng thể nhìn chung duy trì thặng dư nhờ lượng giải ngân FDI và lượng kiều hối tích cực, cũng như cán cân thương mại quay trở lại xuất siêu trong 10 tháng.

Vì vậy, nguồn cung - cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ cân bằng trong giai đoạn cuối năm và giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định hoặc có thể tiếp tục giảm nhẹ.