Tháng 5, điều chỉnh giá của 40 dịch vụ y tế

Theo Thuý Nga/tapchithue.com.vn

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ngày 9/4 về các vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT), giá dịch vụ y tế, đấu thầu thuốc, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, đến tháng 5 sẽ hoàn thành sửa đổi Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC. Theo đó, sẽ có 40 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá.

Ảnh minh họa. Nguồn: Thuý Nga
Ảnh minh họa. Nguồn: Thuý Nga

Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế quy định giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Việc thực hiện theo Thông tư 37 góp phần làm tăng tỷ lệ tham gia BHYT, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, đặc biệt làm giảm đáng kể ngân sách cấp cho các bệnh viện.

Điển hình, tại TP. Hồ Chí Minh ngân sách cấp cho các bệnh viện đã giảm được khoảng 1.200 tỷ đồng, Thái Nguyên là 170 tỷ đồng, Nghệ An 330 tỷ đồng, Bình Định 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thông tư được ban hành vào năm 2015 nhưng phần lớn chi phí trực tiếp lại vẫn tính theo Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-TC xây dựng từ 2011 nên nhiều chi phí đầu vào KCB đã lạc hậu. 

Đơn cử như, giá xử lý nước thải y tế năm 2011 mới tính 3.135 đồng/m3, trong khi hiện nay là 15.000 đồng/m3; điện từ 1.310 đồng/KWh nay đã lên 1.713 đồng; nước 6.270 đồng/m3 lên 11.148 đồng/m3; lương cơ sở năm 2015 là 1.150.000 đồng, nay 1.300.000 đồng, và từ 1/7/2018 là 1.390.000 đồng. Trong khi, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về dự toán năm 2018 lại đề nghị các đơn vị có thu phải tự bảo đảm tiền lương tăng thêm khi tăng lương tối thiểu. 

Mặt khác, trong các báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) liên quan đến chi phí khám chữa bệnh BHYT cho rằng, một số đơn vị có tỷ lệ sử dụng giường bệnh thực tế cao hơn kế hoạch; số lượt chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi tai mũi họng cao hơn định mức tính giá. Đây là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây nên bội chi quỹ BHYT, nên BHXHVN đề nghị điều chỉnh giá một số dịch vụ lên bằng 70%-80% hiện nay. 

Một vấn đề khác, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam hiện có 18.000 dịch vụ y tế, mỗi dịch vụ được ban hành một giá riêng. Điều này gây khó khăn cho việc thanh toán và giám định BHYT của cả bệnh viện và BHXH. Trong khi đó, các nước chỉ có danh mục giá của 2000 -3000 dịch vụ. Vì vậy, theo lộ trình đến năm 2020, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện lại danh mục giá dịch vụ y tế, đưa xuống còn  3.000- 4000 dịch vụ.

Trước mắt, do chưa thể điều chỉnh mức đóng BHYT nên để bảo đảm cân đối quỹ, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh giá của một số dịch vụ thông thường như khám bệnh, chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, giường... Việc điều chỉnh được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tháng 5/2018 hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37, trước mắt điều chỉnh giá của khoảng 40 dịch vụ.

Giai đoạn 2 xây dựng định mức và giá của khoảng 2.000-3.000 dịch vụ. Cơ cấu giá điều chỉnh vẫn bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương để đồng nhất cơ cấu giá quy định tại Thông tư 37; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao. Trong đó, chi phí trực tiếp là giá vật tư, hóa chất, điện, nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, giặt là, hấp sấy, quần áo, găng tay theo hiện hành. Còn chi phí tiền lương vẫn theo lương cơ sở 1.150.000 đồng.

Trên cơ sở đề xuất điều chỉnh giá của một số dịch vụ, Bộ Y tế đã tính toán đến những tác động tới chỉ số CPI và cân đối quỹ BHYT. Theo đó, quý I/2018 có 14 tỉnh thực hiện giá KCB có tiền lương cho đối tượng không có BHYT, làm CPI tăng 1,32% so với cùng kỳ, và tăng 0,09% so với 12/2017. Riêng từ 1/7/2018, thực hiện mức giá điều chỉnh một số dịch vụ lên 5-8%, nên tác động đến CPI khoảng 0,41%.

Đối với quỹ BHYT, dự kiến làm tăng chi khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nếu thực hiện điều chỉnh vào cuối năm, chia làm nhiều đợt, cộng với thực hiện tốt đấu thầu giá thuốc (giảm khoảng 15%), điều chỉnh lại cách tính ngày giường bệnh, thì quỹ BHYT tăng chi không nhiều. Do đó, quỹ vẫn có khả năng cân đối đến 2020 nếu số dư 2018 chuyển 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng.

Trước các đề xuất này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế (bước 2 - tính lương vào giá) thời gian qua là hợp lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế và góp phần đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở KCB.

Việc điều chỉnh lại giá dịch vụ y tế phải bảo đảm tương xứng, cân đối giữa mức đóng BHYT và phạm vi, quyền lợi được hưởng do quỹ BHYT chi trả, tuân thủ nguyên tắc đóng-hưởng khi mà từ nay tới năm 2020 Chính phủ chưa có chủ trương tăng mệnh giá BHYT.

Mặt khác, Bộ Y tế, Tài chính, BHXHVN cần tiếp tục rà soát, cắt giảm những chi phí không cần thiết trên cơ sở tính toán khoa học giữa mức đóng BHYT với quyền lợi, phạm vi được hưởng và tỷ lệ đồng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT. Các cơ quan cần có cơ chế kiểm soát hiện tượng lạm dụng, lợi dụng kỹ thuật cao, thuốc biệt dược; kiểm soát tốt đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, tăng cường y tế dự phòng.