Tháng 6, số lượng khách hàng dùng trên 1.000 kWh/tháng tăng hơn 1% so với trước đó


Tại buổi tọa đàm: “Câu chuyện chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện tăng cao” diễn ra ngày 14/7 do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện có 28,5 triệu khách hàng lắp đặt công tơ, trong đó có 13,5 triệu công tơ đo từ xa, 15,4 triệu công tơ điện tử và 0,65 triệu công tơ ghi chỉ số bằng chụp ảnh.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, thời gian qua, số khách hàng phải điều chỉnh hóa đơn do sai, hỏng hóa đơn là 6.271 khách hàng, chiếm 0,022% tổng số phản ánh của khách hàng tới EVN. Trong đó, có 519 hóa đơn phải hủy hóa đơn làm lại toàn bộ; hủy bỏ lặp lại là 3.828 khách hàng; truy thu do sai gây giảm tiền điện cho khách hàng 1.249 trường hợp và 675 trường hợp ghi sai gây tăng cho khách hàng.

Trong quy trình ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện, EVN đã bổ sung thêm 2 bước kiểm soát thông qua việc đặt ngưỡng cảnh báo. Khi vượt ngưỡng tăng 30%, thay vì chỉ cảnh báo cho cán bộ ghi chỉ số thì các cấp cao hơn như lãnh đạo đơn vị phải tổ chức kiểm tra, đảm bảo ghi chỉ số này thực hiện đúng quy định. 

Cũng theo đại diện EVN, nếu công tơ trong nhà khách hàng, nhân viên ghi số điện không gặp được chủ nhà để đo công tơ thì công nhân được lấy số tạm tính hóa đơn tháng trước, nhưng cách làm này chỉ được thực hiện tối đa 2 tháng, sau đó phải đề nghị khách hàng chuyển công tơ ra ngoài.

Liên quan đến những nghi vấn xung quanh vấn đề công tơ điện, ông Nguyễn Quốc Dũng cho hay: “Công tơ phải quản lý theo Luật Đo lường, Luật Điện lực, được quản lý bằng phần mềm đến hạn kiểm định sẽ được đem đi kiểm định để đảm bảo công tơ hoạt động chính xác”.

Theo EVN, trong tháng 6/2020, số yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện là 63.441 khách hàng, chiếm 5% tổng số yêu cầu. Sau khi EVN kiểm tra thì cho thấy, số khách hàng phản ánh đúng là 419 trường hợp, chiếm 0,66% số yêu cầu liên quan đến tiền điện và chiếm 0,033% tổng số yêu cầu đến EVN.

Để khắc phục những tồn tại trên, EVN đã thành lập Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và EVN kiểm tra tại tất cả 5 Tổng công ty Điện lực về công tác ghi chỉ số công tơ và lập hóa đơn tiền điện. Đồng thời, Đoàn kiểm tra cũng lựa chọn một số đơn vị thuộc các Tổng công ty với tiêu chí đảm bảo đầy đủ các loại hình về mô hình tổ chức và hình thức tổ chức ghi chỉ số công tơ.

Kết quả kiểm tra các hồ sơ, giấy tờ và lựa chọn ngẫu nhiên các khách hàng để kiểm tra ghi chỉ số công tơ, lập hóa đơn tiền điện và xử lý kiến nghị cho thấy, việc sai sót trong thời gian qua tại một số đơn vị được báo chí nêu là các trường hợp cá biệt.

Nguyên nhân do lỗi tác nghiệp xảy ra đồng thời tại một số khâu trong hoạt động ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện. Do vậy, các đơn vị trong EVN đã kỷ luật hàng loạt cán bộ quản lý liên quan. EVN cũng đã kịp thời triển khai các giải pháp kiểm soát để hạn chế việc xuất hiện các lỗi tương tự trong tương lai.

Chia sẻ thêm về điều này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, thực tế cho thấy, có trường hợp người tiêu dùng "sốc" thật do sai sót của ngành Điện. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khách hàng gia tăng các thiết bị sử dụng điện trong gia đình nên số điện tiêu dùng tăng lên. Những trường hợp này, EVN đều đã giải thích đầy đủ cho khách hàng.

Theo bà Tô Lan Phương - Trưởng ban kinh doanh EVN Hà Nội, kỳ hóa đơn điện tháng 7/2020 sẽ thông báo số tiền khách hàng tiêu thụ điện trong tháng 6 (từ 21/5 đến 20/6), đây là thời kỳ nắng nóng gay gắt và kéo dài. Do đó, tiền điện của khách hàng có thể vẫn tăng cao.