Tháng 9-2015 sẽ xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cù Mông
(Tài chính) Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý bổ sung xây dựng hầm đèo Cù Mông vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, Thủ tướng cũng cho phép bổ sung hầm đèo Cù Mông vào dự án xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả trên quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.
Theo Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư dự án), tổng chiều dài dự án xây dựng hầm Cù Mông khoảng gần 6,5km, trong đó chiều dài hầm gần 2,5km, đường dẫn hơn 4km. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 4.967 tỷ đồng. Phương thức đầu tư sẽ thực hiện phân kỳ từng giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 2 làn xe, xây dựng một ống hầm và đoạn đường dẫn với quy mô 2 làn xe với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.400 tỷ đồng. Giai đoạn 2, trên cơ sở khả năng cân đối vốn cho dự án sẽ tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô 4 làn xe, xây dựng 1 ống hầm song song với giai đoạn 1 và hoàn thiện đường dẫn với quy mô 4 làn xe.
Theo nhà đầu tư, xem xét một cách tổng thể trên toàn tuyến quốc lộ 1 đang được nâng cấp, mở rộng, các vị trí xung yếu nhất như đèo Ngang, đèo Phú Gia, đèo Phước Tượng, đèo Hải Vân, đèo Cả, đèo Cổ Mã đều đã và đang xây dựng hầm đường bộ, qua đó cải thiện một cách tối ưu điều kiện giao thông tại đây. Hiện tại chỉ còn đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Cù là chưa có dự án hầm đường bộ, mặc dù xét về độ phức tạp, đèo Cù Mông chỉ sau đèo Hải Vân và đèo Cả.
Nhà đầu tư cho biết thêm hiện đã phê duyệt đề cương khảo sát, phương án khảo sát, đề cương thiết kế bước lập dự án đầu tư để đơn vị tư vấn Nippon Koei (cùng là đơn vị tư vấn thiết kế và giám sát cho hầm Hải Vân và hầm đèo Cả) có cơ sở thực hiện lập Báo cáo đầu tư dự án từ cuối năm 2014. Phía Tư vấn đã tiến hành khảo sát giao thông, địa hình, thủy văn trên thực địa, xác định vị trí cửa hầm cho từng phương án tuyến và đang triển khai công tác khảo sát địa chất bằng phương pháp khoan và địa chấn.
Về phía 2 địa phương có dự án đi qua, UBND tỉnh Bình Định và UBND tỉnh Phú Yên đều đã thống nhất hoàn toàn với đề xuất của Nhà đầu tư về chủ trương xây dựng, quy mô và tiến độ thực hiện dự án. Lãnh đạo UBND 2 tỉnh cũng cam kết hỗ trợ nhà đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng và tạo các điều kiện khác để có thể sớm triển khai Dự án.
Dựa trên tính toán phương án tài chính tổng thể, chủ trương của Bộ Giao thông vận tải, dự kiến, nhà đầu tư sẽ đặt 4 trạm thu phí, gồm: Ninh An, Đèo Cả, Bàn Thạch và Cù Mông để hoàn vốn cho dự án trong thời gian gần 30 năm.
Để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án Đầu tư xây dựng hầm Cù Mông, chủ đầu tư cho biết, tháng 5-2015 sẽ báo cáo cuối kỳ và hoàn chỉnh hồ sơ, tháng 6-2015 hoàn tất Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cũng trong tháng 6-2015, Công ty CP Đèo Cả sẽ hoàn thành thiết kế cơ sở hầm Cù Mông và triển khai ngay thiết kế kỹ thuật cho từng gói thầu. Tiếp đó, tháng 7-2015 hoàn thành cập nhật tổng mức đầu tư cho dự án hầm đèo Cả (bao gồm cả hầm Cù Mông). Tháng 8-2015 tiến hành điều chỉnh hợp đồng Dự án và tháng 9-2015 điều chỉnh hợp đồng tín dụng, giấy chứng nhận đầu tư, đảm bảo đủ điều kiện khởi công Dự án vào cuối tháng 9-2015.