Tháng 9/2025, Việt Nam sẽ chính thức trở thành thị trường mới nổi?


"Cá nhân tôi dự báo vào tháng 9/2024, chúng ta sẽ được FTSE đưa vào danh sách thị trường mới nổi (EM). Sau một năm vào tháng 9/2025, chúng ta sẽ chính thức trở thành thị trường mới nổi”.

Nhận định được ông Nguyễn Duy Linh - Tổng Giám đốc Chứng khoán VPBank (VPS) chia sẻ khi đề cập tới câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VPS.
Ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VPS.

“Nếu chúng ta hình dung quá trình nâng hạng thị trường như cuộc thi đường lên đỉnh Olympia, thì sẽ gồm 4 giai đoạn: Khởi động, vượt chướng ngại vật, tăng tốc và về đích. Cá nhân tôi cho rằng chúng ta đang ở giai đoạn tăng tốc và về đích”, ông Linh nói.

Vị này nhắc lại, câu chuyện nâng hạng đã được nói đến cả thập kỷ nay, bắt đầu bàn luận về vấn đề này từ những năm 2012 - 2013. Kể từ đó, chúng ta đã đạt được thành tựu. Đầu tiên, năm 2018, chúng ta đã được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng của FTSE.

Năm 2020, chúng ta ban hành Nghị định số 155 hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, trong đó có một điểm quan trọng là thanh toán bù trừ CCP (Đối tác bù trừ trung tâm). Năm 2023, chúng ta vượt qua các yếu tố định lượng của MSCI (9/18 tiêu chí ) và 7/9 tiêu chí của FTSE.

“Chúng ta đang chuẩn bị nỗ lực tăng tốc để về đích 2025”, lãnh đạo VPS cho biết.

Trở lại các tiêu chí, ông Linh đánh giá, chúng ta đã xong các yếu tố định lượng. Các yếu tố định tính còn liên quan đến hai yếu tố, tập trung vào các nhà đầu tư nước ngoài như tính bình đẳng ở việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, minh bạch thị trường…

Một yếu tố quan trọng thứ hai là funding (yêu cầu có tiền khi giao dịch). Để giải quyết điều này, cần chờ sự nỗ lực của cơ quan nhà nước để triển khai hệ thống KRX, thay đổi văn bản pháp quy để công ty chứng khoán được thẩm định nhà đầu tư nước ngoài và quy định tỷ lệ ký quỹ ở mức nào đó... FTSE đánh giá đây là những bước tiến, xóa bỏ rào cản ban đầu.

“Tôi thấy một quý vừa qua, chủ đề nâng hạng thị trường của cơ quan nhà nước tổ chức trong và ngoài nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước  đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác để tháo gỡ những khó khăn. Cá nhân tôi dự báo vào tháng 9/2024, chúng ta sẽ được FTSE đưa vào danh sách thị trường mới nổi (EM). Sau một năm vào tháng 9/2025, chúng ta sẽ chính thức trở thành thị trường mới nổi”, ông Linh dự báo.

Đối với MSCI, ông Linh cho rằng, điều kiện phức tạp và khó khăn hơn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được đưa vào "watchlist" định kỳ thường niên vào tháng 6/2026. Sau đó một năm, khoảng tháng 6/2026 sẽ hoàn tất quá trình nâng hạng thị trường.

IPO chững lại do định giá doanh nghiệp

Gần đây, dòng vốn FII vào Việt Nam chững lại khi thị trường thiếu vắng các thương vụ IPO lớn. Liệu đến khi nào thì thị trường mới sôi động trở lại như giai đoạn 2016-2018?.

Theo ông Nguyễn Duy Linh, dòng vốn FII vào một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chất lượng phát triển của nền kinh tế, chất lượng hàng hoá, sự minh bạch của thị trường và quan trọng hơn cả là doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí đầu tư của các tổ chức.

Chuyên gia này đề cập, giai đoạn năm 2026-2018 bối cảnh tương tự với giai đoạn hiện nay khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng có sự gia tăng về lãi suất năm 2017 nhưng mức độ rất thấp.

Tại thời điểm đó, tỷ giá của Việt Nam rất ổn định. Một điều rất tích cực trong giai đoạn này là quá trình IPO các doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước, đưa lên niêm yết rất quyết liệt của Chính phủ.

“Chỉ trong năm 2017 có 70 doanh nghiệp nhà nước được đưa lên niêm yết, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Sabeco, Petrolimex hoặc các doanh nghiệp tư nhân như VRE. Đây là những chất xúc tác tốt cho dòng vốn FII”, ông Linh nêu.

Với giai đoạn hiện nay vẫn còn rất nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhưng quá trình IPO đang bị chững lại. Vấn đề chính đang là việc định giá doanh nghiệp, đây là nút thắt trong câu chuyện dòng vốn FII của thị trường.

Trong thời gian vừa qua, sự chênh lệch về chính sách tiền tệ của Mỹ và các nước dẫn đến sự chênh lệch lãi suất, gây ra tình trạng rút vốn nhưng Việt Nam lại là quốc gia có mức độ rút vốn nhỏ nhất so với các nước Đông Nam Á.

Trải qua hai quý liên tiếp, mức rút ròng đâu đó đang ở 350 triệu USD, con số này không lớn so với tổng vốn và so với so với số rút ròng ở các quốc gia khác.

“Năm 2024, mức rút ròng sẽ được thu hẹp, vì sự chênh lệch về chính sách tiền tệ không còn nhiều. Khi lạm phát của Mỹ được kiểm soát, Fed không tăng lãi suất mà khả năng có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến”, chuyên gia VPS dự báo.

Một số dự báo trước đây cho rằng, Fed có thể giảm lãi suất từ giữa năm sau nhưng những dự báo gần đây cho rằng Fed sẽ hạ lãi suất sớm hơn, khoảng tháng 5 năm sau hoặc đã có kế hoạch sớm hơn.

Những dự báo này cộng với sự hồi phục của các nền kinh tế mới nổi, ông Linh tin rằng, dòng vốn FII sẽ chọn lọc kỹ hơn trong số các nền kinh tế phát triển, nơi có những câu chuyện riêng để đầu tư nhưng Việt Nam sẽ là một điểm đến.

“Việc nâng hạng thị trường cũng là yếu tố quan trọng. Theo tôi, để tăng dòng vốn FII vào Việt Nam thì Chính phủ cần đẩy mạnh quá trình IPO, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước cũng như thúc đẩy câu chuyện nâng hạng thị trường theo đúng kế hoạch là năm 2024-2025”, ông Linh chia sẻ.

Cuối cùng, đưa ra lời khuyên với nhà đầu tư, ông Linh nêu, ngày nay chúng ta nghe rất nhiều đến các thời kỳ (biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ). Do đó, nhà đầu tư cần chuẩn bị rất kĩ như một doanh nhân, nếu giao dịch như một người kinh doanh thì thị trường chứng khoán sẽ trở lại như những gì nhà đầu tư mong muốn.

“Nhà đầu tư phải chuẩn bị tư duy rất rõ là thị trường chứng khoán luôn tồn tại cơ hội. Năm 2023 từng được các chuyên gia dự báo rất khó nhưng lại có giai đoạn rất tốt. Ngay cả những năm COVID-19, thị trường chứng khoán cũng có cơ hội. Điều quan trọng nhất là làm gì để tận dụng được cơ hội đó”, lãnh đạo VPS nói.

Chuyên gia này đánh giá, yếu tố quan trọng trong đầu tư là chọn được thời điểm mua cổ phiếu. Tiếp theo nhà đầu tư phải có các tiêu chí để phân bổ tài sản và cân đối tỷ trọng, cuối cùng là thời điểm bán (bán chốt lời và bán cắt lỗ).

“Vào thời điểm VN-Index lên 1.200 điểm, nhà đầu tư trên thị trường từng rất lạc quan và bỏ qua yếu tố quản trị rủi ro. Chúng ta luôn luôn phải làm bài tập về nhà. Trong lúc bi quan nhất cũng cần làm việc để tận dụng tất cả trạng thái của thị trường”, ông Linh chia sẻ.

Theo Huyền Châm/thitruongtaichinhtiente.vn