"Tháng củ mật", cảnh giác tội phạm ATM
Giáp Tết, nhiều người mua sắm thanh toán, giao dịch và rút tiền qua thẻ ATM cũng là thời điểm thuận lợi để kẻ gian áp dụng một số kịch bản lừa đảo lấy trộm tiền của khách hàng trong thẻ ATM.
Theo Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng Athena Võ Đỗ Thắng, dịp lễ Tết là thời điểm các nhóm tội phạm kinh tế tăng cường hoạt động. Đặc biệt, những kẻ lừa đảo thường lợi dụng sơ hở của khách hàng trong giao dịch qua thẻ ATM để lấy trộm tiền. Vì vậy, người dùng cần phải nâng cao cảnh giác, đặc biệt đối với người già, người không rành về công nghệ và bảo mật.
Bỗng dưng mất tiền
Gần đây, hàng loạt ngân hàng đã đưa ra cảnh báo khách hàng về tình trạng gia tăng tội phạm đánh cắp tiền qua tài khoản và khuyến nghị khách hàng nhiều giải pháp bảo mật thông tin thẻ. Thế nhưng, điều này cũng không làm giảm số lượng khách hàng bị mất trộm tiền trong tài khoản.
Vừa qua, chị M.N.Q (ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) tá hỏa khi gần 40 triệu đồng trong tài khoản "không cánh mà bay". Trong khoảng thời gian từ 5 giờ 38 phút đến 5 giờ 45 phút ngày 16/1, điện thoại của chị báo 9 tin nhắn trừ tiền trong tài khoản ATM với nội dung: Rút tiền tại BIDV, với số tiền rút thấp nhất 2.001.000 đồng và cao nhất là 5.001.000 đồng (1.000 đồng là phí rút tiền). Tổng số tiền bị rút là hơn 39.000.000 đồng.
"Tiền trong tài khoản đã bị rút, trong khi thẻ ATM của tôi vẫn trong túi và tôi cũng không có thẻ phụ. Tôi cũng chưa từng cho ai biết về thông tin thẻ của mình", chị Q cho biết.
Trước đó, ông H.P (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cũng đã báo Vietcombank về việc có gần 20 tin nhắn rút tiền từ tài khoản với số tiền 32 triệu đồng, dù thẻ ATM vẫn đang nằm trong ví của ông.
Tương tự, anh T.D (Hà Nội) bị mất gần 8 triệu đồng trong tài khoản dù thẻ vẫn cất trong ví. Đến ngân hàng phát hành thẻ, anh được cho biết mình là trường hợp đầu tiên trình báo hiện tượng này, nhưng khi lên mạng xã hội chia sẻ, anh biết nhiều người cũng gặp tình trạng tương tự.
Mới đây, nhiều ngân hàng đã thông báo trên website về việc khách hàng nên thận trọng để tránh tình trạng bị mất thẻ, hay chiếm đoạt thẻ dưới nhiều hình thức.
Thời gian qua, các nhà băng đã ghi nhận một số kịch bản lừa đảo mới của đối tượng trộm tiền qua ATM. Theo đó, đối tượng lừa đảo giả mạo người đang ở nước ngoài cần mua hàng hóa trực tuyến cho người thân, sau đó yêu cầu thanh toán bằng cách chuyển tiền qua dịch vụ chuyển tiền (Moneygram, Western Union…), gửi khách hàng tin nhắn có đường link truy cập và webiste giả mạo.
Đối với khách hàng đang sử dụng ví điện tử (Zalo, MoMo, Payoo…), những kẻ lừa đảo sẽ mạo danh nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ với khách hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng dịch vụ. Sau đó, đối tượng sẽ lừa khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử như là một bước yêu cầu để khắc phục lỗi dịch vụ.
Tăng cường bảo mật
Hầu hết các nhà băng khẳng định, thông thường khi đến ngân hàng đăng ký sử dụng dịch vụ, khách hàng phải kê khai đầy đủ thông tin cá nhân. Vì vậy, trong quá trình sử dụng dịch vụ, ngân hàng không gọi điện thoại, email yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, trừ khi khách hàng chủ động gọi điện đến hotline để được trợ giúp và ngân hàng yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin để xác thực định danh khách hàng.
Để phòng ngừa loại tội phạm này, các ngân hàng khuyến nghị chủ thẻ ATM không nên ghi mật khẩu ra giấy, sổ tay hoặc lưu trên điện thoại di động, tiết lộ mật khẩu hay cho người khác mượn thẻ.
Ngoài ra, không nên đặt mật khẩu bằng các số dễ đoán như ngày sinh, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, biển số xe… và phải thay đổi mật khẩu 3 tháng/lần.
"Vào thời điểm cuối năm cần đề phòng, cảnh giác khi rút tiền tại các máy ATM và thực hiện các biện pháp an toàn bảo mật cần thiết để chủ động phòng tránh rủi ro. Khách hàng quan sát kỹ khe đọc thẻ trên máy ATM trước khi đưa thẻ vào. Cùng với đó, phải dùng tay che bàn phím số khi nhập mật khẩu để tránh bị lộ", BIDV khuyến cáo khách hàng.
Một số chuyên gia công nghệ thông tin cũng khuyến cáo người dùng thẻ ATM trong lúc rút tiền phải dùng tay che chắn để tránh lộ mã PIN, sau khi rút tiền xong, khách hàng nên kiểm tra đã lấy thẻ và tiền chưa, chờ thông báo kết quả giao dịch hoàn tất trên màn hình ATM trước khi rời đi.
"Khi mua sắm, thanh toán tiền bằng thẻ tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng… cần phải chú ý quan sát người cầm thẻ (nhân viên thu ngân) tránh thông tin bị đánh cắp", ông Võ Đỗ Thắng lưu ý.