Thanh toán không dùng tiền mặt: Trông người lại ngẫm đến ta
Thụy Điển đang đặt mục tiêu hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt đầu tiên trên thế giới. Theo đó, từ cuối năm ngoái tới nay, ước tính cứ 5 giao dịch tại Thụy Điển thì có tới 4 giao dịch điện tử. Trông người lại ngẫm đến ta, mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế phi tiền mặt vẫn còn khá xa vời, khi mà tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán vẫn còn khá lớn từ 11-12%.
Bước tiến trong lộ trình giảm sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế
“Vấn đề giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt, hướng đến nền kinh tế phi tiền mặt là mục tiêu lâu dài, không thể hoàn thành trong một sớm một chiều”, nhấn mạnh điều này, giới chuyên gia cho biết: Cùng với sự phát triển, hội nhập, tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế nước ta có sự chuyển đổi tích cực.
Nếu như trước đây lượng tiền mặt trong nền kinh tế là rất lớn, ở cả lĩnh vực doanh nghiệp và tư nhân, thì nay tỷ lệ sử dụng tiền mặt đã được kéo xuống đáng kể. Tuy nhiên, sử dụng tiền mặt trong lưu thông vẫn còn rất nhiều, nhất là khu vực dân cư. Đơn cử như lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thì thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) vẫn chỉ ở mức “làm quen”.
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, trước đây tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán là 20%, sau quá trình triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp thì vài năm trở lại đây, tỷ trọng này đã giảm xuống mức 11-12%. Kết quả này cho thấy, lộ trình giảm sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế đang có những bước tiến nhanh và vững vàng hơn.
Kết quả trên cũng đã minh chứng rằng, Đề án đẩy mạnh TTKDTM tại Việt Nam (phấn đấu tới cuối năm 2015, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 11%;
Đồng thời, tăng số người dân tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng lên mức 35-40% dân số) là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ.
NHNN Việt Nam - đơn vị được giao trong trách triển khai thực hiện Đề án cũng đã thực sự nỗ lực trong suốt giai đoạn vừa qua. Bằng chứng là, tính đến tháng 9/2015, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán còn 11,71%, giảm gần 2,5% so với hồi tháng 2/2015 (khoảng 14,21%).
Theo báo cáo của Vụ Thanh toán (NHNN), tính tới cuối quý III/2015, số lượng thẻ ngân hàng đã phát hành là 96,26 triệu thẻ; hơn 171 triệu lượt giao dịch qua ATM và hơn 14 triệu giao dịch qua POS...
Rút ngắn lộ trình trở thành nền kinh tế phi tiền mặt
Thụy Điển đang đặt mục tiêu hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt đầu tiên trên thế giới. Theo đó, từ cuối năm ngoái tới nay, ước tính cứ 5 giao dịch tại Thụy Điển thì có tới 4 giao dịch điện tử.
Trông người lại ngẫm đến ta, mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế phi tiền mặt vẫn còn khá xa vời, khi mà tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán vẫn còn khá lớn từ 11-12%. Nghĩa là nền kinh tế của Việt Nam còn rất bất lợi khi lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường vẫn còn khá lớn.
Chủ trương phát triển TTKDTM là chủ trương lớn, sẽ làm thay đổi diện mạo của thanh toán trong nền kinh tế quốc dân, giúp nền kinh tế Việt Nam từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, so sánh là khập khiễng với một thị trường tài chính đang phát triển như Việt Nam, nhưng khi đứng trong sân chơi toàn cầu, phải biết “nhìn người” để “ngẫm ta”.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động TTDKTM là một phương thức thanh toán phổ biến, thậm chí có thể chiếm tới 90% tổng lượng giao dịch hàng ngày. Với Việt Nam, phải thẳng thắn mà nhìn nhận rằng, đến giờ vẫn chưa thể chắc chắn về việc sẽ thành công được bao nhiêu phần trăm, và điều này sẽ đến sớm hay muộn.
Nhưng với những con số đã đạt được cũng như sự nở rộ của các dịch vụ TTKDTM trong thời gian gần đây cho thấy, lộ trình giảm sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế đang có những bước tiến nhanh và vững vàng hơn.
Việc tiếp cận thương mại điện tử tại Việt Nam kể từ khi có sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của internet hay điện thoại thông minh, đang ngày càng lớn hơn và như vậy việc TTKDTM sớm muộn, sẽ là xu thế tất yếu ở Việt Nam.
Vụ Thanh toán (NHNN) cho rằng, với chức năng, vai trò tham mưu cho Chính phủ trong phát triển thanh toán, nhất là TTKDTM, trong đó có thanh toán điện tử, NHNN luôn coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong thúc đẩy phát triển TTKDTM ở Việt Nam.
Hiện nay hành lang pháp lý cho thanh toán điển tử ngày càng được hoàn thiện và luôn được NHNN quan tâm, chú trọng triển khai.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đồng bộ hóa hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán điện tử mới phát triển, đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng thương mại và các tổ chức phi ngân hàng để triển khai các sáng kiến mới, phát triển thanh toán điện tử, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Đồng thời, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán, nhất là đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán mới, cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử, góp phần quan trọng vào hoàn thành mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế phi tiền mặt.