Thanh toán không dùng tiền mặt và những chuyển biến quan trọng
Nếu như trước đây lượng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán là khoảng 20% (ở cả lĩnh vực doanh nghiệp và tư nhân), thì nay tỷ lệ này đã giảm đáng kể, chỉ còn 11-12%. Kết quả này minh chứng cho những nỗ lực mà Chính phủ, trong đó có Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết liệt triển khai trong thời gian qua.
Giảm đáng kể tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trước đây tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán là 20%, sau quá trình triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp thì vài năm trở lại đây, tỷ trọng này ở mức 11-12%.
Kết quả trên đã minh chứng cho những nỗ lực của Chính phủ và của hệ thống NHNN trong triển khai các giải pháp trong 2 Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2006-2010 và Đề án đẩy mạnh TTKDTM giai đoạn 2011-2015. Cụ thể:
NHNN đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về TTKDTM, tạo lập hành lang pháp lý quan trọng, điều chỉnh đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia vào hoạt động TTKDTM trong nền kinh tế, góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước về TTKDTM.
Theo tờ trình của NHNN, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 222/2013/NĐ-CP về thanh toán tiền mặt theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh, nhằm tăng cường quản lý thanh toán bằng tiền mặt, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán…
Ngoài ra, NHNN còn ban hành nhiều Thông tư để hướng dẫn việc trang bị, lắp đặt, quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn, bảo mật hoạt động của ATM; phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa; dịch vụ TTKDTM, dịch vụ trung gian thanh toán, phí dịch vụ thanh toán, mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
Các quy định, yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ và hoạt động thẻ ngân hàng… cũng được NHNN chú ý ban hành.
Về phía các tổ chức tín dụng (TCTD), cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả.
Công nghệ thanh toán tiên tiến, hiện đại, công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống TTKDTM được các ngân hàng coi trọng và tăng cường, phục vụ tốt cho việc cung ứng và ứng dụng các dịch vụ, phương tiện TTKDTM mới, hiện đại và phục vụ thương mại điện tử phát triển…
Khảo sát cho thấy, nhiều ngân hàng đã chủ động đầu tư, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ mới, hiện đại như: Xác thực vân tay, sử dụng QR code… tạo sự tiện lợi và an toàn hơn trong giao dịch thanh toán điện tử.
Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ cũng được cải thiện đáng kể, số lượng các máy chấp nhận thẻ (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Tính đến cuối tháng 12/2015, trên toàn quốc có trên 16.900 ATM và hơn 223.000 POS được lắp đặt, tăng lần lượt 48% và 330% so với cuối năm 2010. POS hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn và đang được mở rộng dần ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học.
Theo số liệu từ Vụ Thanh toán (NHNN), lượng thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, số lượng thẻ phát hành và số lượng, giá trị giao dịch thẻ tăng khá nhanh. Tính đến cuối năm 2015, số lượng thẻ phát hành đạt mức trên 99,5 triệu thẻ, tăng 224% so với cuối năm 2010.
Đón đầu xu hướng thanh toán điện tử
Báo cáo của các ngân hàng thương mại cho thấy, nếu như trước đây phần lớn khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng để rút tiền tại ATM thì nay, ý thức người sử dụng thẻ ở các khu đô thị đã thay đổi, chuyển sang sử dụng nhiều hơn cho thanh toán điện tử.
Đón đầu xu hướng này, thời gian qua, các ngân hàng đã, đang tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng như: Thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến. Đồng thời, quan tâm hơn đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ thẻ, chú trọng tăng độ an toàn của thẻ ngân hàng.
Vậy nhưng, nếu so với các nước trên thế giới, Việt Nam hiện vẫn thuộc số các nước có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt cao trên thế giới. Do đó, để đẩy mạnh TTKDTM hơn nữa thì theo các chuyên gia chúng ta cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện và đồng bộ hóa hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán điện tử mới; đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ổn định của hệ thống thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện, phát triển các hệ thống thanh toán như: nâng cấp, mở rộng, duy trì hoạt động thông suốt hiệu quả hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; phát triển Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất theo nội dung của đề án được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận…
Cùng với nỗ lực cải thiện về công nghệ của hệ thống ngân hàng, chúng ta cũng cần bổ sung thêm các chính sách, biện pháp, chế tài... để điều chỉnh, hỗ trợ hoạt động thanh toán phát triển đúng hướng.
Ví dụ, yêu cầu doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh phải có một tỷ lệ TTKDTM là bao nhiêu phần trăm trong tổng số giao dịch; quy định những nhóm mặt hàng giao dịch lên đến chục triệu đồng phải thanh toán qua ngân hàng, hoặc khuyến khích người mua hàng yêu cầu doanh nghiệp xuất hóa đơn…