Thanh tra chuyên ngành Kho bạc Nhà nước: Phát hiện nhiều sai phạm

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Thanh tra chuyên ngành Kho bạc Nhà nước chính thức được thực hiện từ ngày 1/1/2016. Việc thực hiện các cuộc thanh tra này đã giúp cho các đơn vị được thanh tra có ý thức chấp hành nghiêm về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả, tiết kiệm.

Trong 9 tháng năm 2016, toàn hệ thống KBNN đã thực hiện được 246 cuộc TTCN đến các đơn vị sử dụng ngân sách.
Trong 9 tháng năm 2016, toàn hệ thống KBNN đã thực hiện được 246 cuộc TTCN đến các đơn vị sử dụng ngân sách.

Thu về hơn 159 triệu đồng cho ngân sách nhà nước

Triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành (TTCN) năm 2016, ngay từ những tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã chỉ đạo tập trung cho công tác chuẩn bị, khảo sát các đơn vị là đối tượng TTCN theo kế hoạch đã được phê duyệt. Từ ngày 15/3/2016 KBNN mới triển khai đồng loạt công tác này trên toàn quốc với nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua KBNN (trong đó tập trung vào các khoản chi đầu tư xây dựng, chi qua KBNN thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế...).

Đồng thời, kiểm tra chủ yếu việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn kiểm tra trong lĩnh vực kế toán ngân sách nhà nước (NSNN); công tác kế toán tài chính, mua sắm tài sản, xây dựng cơ bản nội ngành.

Nhìn chung, các kiến nghị sau kết luận thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc. Đối với hồ sơ kiểm tra, thanh tra có các kết luận, kiến nghị chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện triệt để thì tiếp tục đôn đốc các đối tượng thực hiện kết luận, kiến nghị. Công tác xử lý và chấn chỉnh sau thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cuộc thanh tra, kiểm tra.

Theo báo cáo từ KBNN, tính đến hết tháng 9 vừa qua, toàn hệ thống đã triển khai thực hiện kế hoạch TTCN và kiểm tra nội bộ theo kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó TTCN thực hiện được 246/285 cuộc, đạt 86,3% kế hoạch, kiểm tra nội bộ thực hiện được 803/990 cuộc, đạt 81,1% kế hoạch.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện sai phạm về kinh tế với tổng số tiền là hơn 218 triệu đồng, thực hiện thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 159 triệu đồng (đạt 73%). Bên cạnh đó, ban hành 33 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm.

Theo ông Trương Phác Quân, Vụ trưởng Vụ Thanh tra – Kiểm tra KBNN, để có được kết quả này, giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị cấp huyện, phòng kế toán và phòng kiểm soát chi, phòng giao dịch (nếu có) phối hợp với phòng thanh tra, kiểm tra để thống kê xác định danh mục đơn vị, số lượng đơn vị và lĩnh vực chi NSNN để xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2016 đảm bảo chất lượng và thời gian quy định.

Nâng cao trình độ cán bộ làm thanh tra

Theo báo cáo từ KBNN, mặc dù đã có được một số kết quả ban đầu nhưng do chức năng TTCN còn mới đối với các kho bạc địa phương, vì vậy, cách hiểu, cách nghĩ và quy trình làm việc của cán bộ làm công tác thanh tra chưa thể thích nghi ngay được với nhiệm vụ mới.

Hơn nữa, hiện nay các loại hình đơn vị sử dụng NSNN rất đa dạng, đặt ra yêu cầu công chức làm công tác thanh tra phải có kiến thức sâu rộng, am hiểu các quy định của pháp luật, có đầy đủ hệ thống các văn bản của nhà nước, bộ, ngành, địa phương làm căn cứ thực hiện...

Trong khi đó, việc bố trí công chức tại phòng thanh tra của một số tỉnh chưa đảm bảo yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Có những đơn vị, số lượng công chức tại phòng thanh tra chỉ đủ để kiểm tra nội bộ, thậm chí cá biệt có những KBNN tỉnh chỉ có 2 hoặc 3 công chức bố trí tại phòng thanh tra.

Do đó, KBNN cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức TTCN KBNN về những kiến thức chuyên sâu về công tác thanh tra, quản lý NSNN, kiểm soát chi NSNN, hạch toán các khoản chi NSNN tại KBNN cũng như tại đơn vị sử dụng NSNN và những kỹ năng trong công tác thanh tra, đặc biệt là kỹ năng phát hiện và xử lý trong quá trình thanh tra.

Tuy nhiên, cũng theo KBNN, nội dung TTCN là nhiệm vụ mới đối với hệ thống KBNN nói chung và đối với công chức TTCN KBNN nói riêng, và là vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Do đó, ngoài việc nâng cao kiến thức cho các cán bộ thì đối với mỗi cán bộ, khi được giao nhiệm vụ TTCN cũng phải nêu cao tinh thần học tập, nghiên cứu. Đặc biệt, phải luôn luôn thực hiện công việc với tinh thần, trách nhiệm cao góp phần hoàn thiện, phát triển và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác TTCN KBNN. Làm được điều này sẽ đáp ứng được các yêu cầu của Chiến lược phát triển hệ thống KBNN đặt ra đến năm 2020.