Cơ hội và thách thức trong nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Kho bạc Nhà nước
Những năm vừa qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra của hệ thống KBNN đã đạt được nhiều kết quả, ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong sự phát triển vững mạnh của hệ thống KBNN.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra đã góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đề cao trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc; đồng thời cũng phát hiện được những sơ hở, bất cập trong các văn bản chế độ, từ đó kiến nghị điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp; hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong chi tiêu công đã ngày càng được nâng lên.
Với bối cảnh hiện nay, khi các đơn vị sử dụng NSNN ngày càng được phân cấp nhiều hơn trong việc quyết định chi tiêu và sử dụng NSNN, nhưng ở một số đơn vị tình trạng sử dụng quyền hạn trong quyết định chi tiêu NSNN chưa đi đôi với ý thức và trách nhiệm (việc chi sai nguyên tắc, chế độ vẫn xảy ra ở một số đơn vị và lĩnh vực) thì việc Nhà nước giao cho hệ thống KBNN thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) sẽ góp phần vào việc giám sát hoạt động chi tiêu NSNN, uốn nắn chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, đảm bảo chi tiêu ngân sách tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Những cơ hội và thuận lợi cơ bản
Tổ chức TTCN KBNN ra đời trong điều kiện hệ thống các văn bản pháp lý về hoạt động TTCN đã được ban hành khá đầy đủ, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua Luật Thanh tra số 56/2010/QH12, ngày 15/11/2010; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra (Nghị định 86), Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN và hoạt động TTCN, Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 09/10/2012 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động của thanh tra ngành Tài chính; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 19/2013/TT-BTC ngày 20/02/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Tài chính; đồng thời với việc triển khai thực hiện chức năng TTCN KBNN, hệ thống KBNN đã được giao nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực KBNN theo quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, KBNN (Nghị định 192) và Thông tư số 54/2014/TT-BTC ngày 24/4/2014 của Bộ Tài chính quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN (Thông tư 54).
Bộ Tài chính đang chỉ đạo rất quyết liệt và quyết tâm thực hiện các chương trình về cải cách hành chính và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Luật Phòng chống tham nhũng; thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 theo Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc ngành Tài chính.
Các đơn vị trong hệ thống KBNN đang nỗ lực và quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược phát triển KBNN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007, trong đó có nội dung “ Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, kiểm soát trên cơ sở đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình kiểm tra, kiểm soát phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và hiện đại hóa hoạt động KBNN, nhằm cảnh báo sớm mọi rủi ro trong hoạt động KBNN, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng vi phạm chính sách, chế độ của Nhà nước’’.
Những khó khăn và thách thức chủ yếu
Chức năng TTCN của hệ thống KBNN là một chức năng mới, khi bước vào thực hiện chức năng TTCN, hệ thống KBNN sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức.
Từ trước đến nay KBNN mới chỉ tập trung thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong nội bộ hệ thống KBNN (khoảng 700 đơn vị), chưa thực hiện chức năng thanh tra đối với các đơn vị ngoài ngành KBNN. Do vậy, để thực hiện được chức năng mới, việc chuẩn bị các điều kiện, trong đó công tác về tổ chức nhân sự và lực lượng cho công tác TTCN cần phải được triển khai theo một lộ trình và kế hoạch rất chi tiết, cụ thể.
Bên cạnh đó, số lượng các đơn vị sử dụng ngân sách từ trung ương đến địa phương hiện tại là rất lớn và phân bố trên khắp các địa bàn tại các xã, phường, quận, huyện, tỉnh, thành phố trên toàn quốc, thống kê đến thời điểm hiện nay thì số lượng đơn vị giao dịch qua hệ thống KBNN khoảng 118.000 đơn vị (số tài khoản giao dịch trong hệ thống KBNN khoảng 422.000 tài khoản; số dự án đầu tư qua KBNN kiểm soát chi khoảng 171.500 dự án). Qua số liệu trên có thể thấy, đây là một khối lượng công việc rất lớn, một nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi rất cao về trình độ năng lực công chức, về trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ làm công tác thanh tra của hệ thống KBNN.
Trong điều kiện tổ chức TTCN của hệ thống KBNN chỉ có ở trung ương và ở cấp tỉnh thì yêu cầu về sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác TTCN phải được đặc biệt quan tâm, tổ chức bộ máy phải thật khoa học, tinh gọn nhưng phải đảm bảo chất lượng về mọi mặt.
Hiện nay, các loại hình đơn vị sử dụng NSNN cũng rất đa dạng (có đơn vị NSNN được đảm bảo tài trợ 100%; có đơn vị NSNN chỉ tài trợ một phần; có đơn vị hoạt động đặc thù nên chi tiêu ngân sách được sử dụng từ nhiều nguồn hỗn hợp, lồng ghép hoặc có những khoản chi phải đảm bảo những nguyên tắc bí mật nhất định…), điều đó cũng đòi hỏi công chức làm công tác TTCN KBNN phải có kiến thức sâu rộng, am hiểu đầy đủ về các quy định của pháp luật.
Do đó, để phát huy được vai trò và hiệu quả của TTCN KBNN cần phải có sự thống nhất về nhận thức đối với hiệu quả của công tác TTCN KBNN cả ở các đơn vị sử dụng NSNN và các đơn vị KBNN; hệ thống KBNN rất cần đến sự quan tâm, ủng hộ và đồng thuận của các Bộ, ngành, Cấp ủy và Chính quyền địa phương các cấp trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc chấp hành kế hoạch thanh tra và cùng phối hợp thực hiện.
Một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm
Để triển khai nhiệm vụ mới một cách có hiệu quả và thực hiện phương châm “từng bước vững chắc”, bên cạnh các công việc đã triển khai như xây dựng, ban hành quy chế, quy trình thực hiện TTCN Kho bạc, tổ chức phổ biến, tập huấn, tuyên truyền, triển khai thí điểm… trong thời gian tới KBNN sẽ phải tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc KBNN mà nòng cốt là Vụ Thanh tra phối hợp với các Vụ nghiệp vụ và KBNN các tỉnh, thành phố triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm mới, cụ thể:
Kiện toàn, tăng cường và bổ sung đội ngũ công chức thanh tra tại Vụ Thanh tra và Phòng Thanh tra KBNN các tỉnh, thành phố.
Xây dựng tổ chức bộ máy; sắp xếp cán bộ làm công tác thanh tra tại từng cấp KBNN cần phải được rà soát, lựa chọn một cách nghiêm túc, đảm bảo các điều kiện về phẩm chất đạo đức và kiến thức chuyên môn.
Tiếp tục tập trung đào tạo, bồi dưỡng công chức làm công tác TTCN KBNN. Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo điều kiện cho từng cán bộ thanh tra nắm vững kiến thức, quy định pháp luật về công tác thanh tra, quản lý NSNN, kiểm soát chi NSNN; hạch toán kế toán các khoản chi NSNN tại KBNN cũng như tại đơn vị sử dụng NSNN. Chú trọng nâng cao chất lượng, cập nhật kịp thời kiến thức, chế độ, chính sách cho đội ngũ làm công tác thanh tra kiểm tra.
Thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ cho cán bộ thanh tra, kiểm tra; thường xuyên tổ chức học tập trao đổi trong nội bộ bộ phận Thanh tra - kiểm tra và giữa bộ phận Thanh tra - kiểm tra với các bộ phận nghiệp vụ; tổ chức học tập, rút kinh nghiệm qua mỗi đợt kiểm tra nhằm nâng cao kỹ năng phát hiện và xử lý sai phạm trong quy trình thực hiện thanh tra, kiểm tra của cán bộ thanh tra.
Tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông về hoạt động TTCN KBNN. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức trong hệ thống KBNN nói riêng và các đơn vị sử dụng NSNN nói chung là một công tác rất quan trọng, đảm bảo cho việc triển khai thành công TTCN KBNN ra các đơn vị ngoài ngành. Ngoài những nhận thức chung về TTCN KBNN thì công tác truyền thông phải làm cho các đơn vị sử dụng NSNN thấu hiểu về quy trình tổ chức thực hiện một cuộc thanh tra tại đơn vị; trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị sử dụng NSNN; phạm vi, đối tượng, nội dung tiến hành thanh tra tại đơn vị; trách nhiệm trong việc chấp hành xử phạt về VPHC trong lĩnh vực KBNN; quy trình xử lý từng vụ việc, sai phạm cụ thể.
Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai thí điểm TTCN tại KBNN địa phương: Căn cứ kết quả triển khai thí điểm tại địa phương và kết quả kiểm tra của Vụ Thanh tra, tiến hành tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi triển khai thanh tra tại các đơn vị sử dụng NSNN vào đầu năm 2016.
Xây dựng Sổ tay nghiệp vụ TTCN KBNN: Đây là tài liệu mang tính hướng dẫn một cách cơ bản về quy trình tiến hành một cuộc thanh tra, cách xử lý các tình huống nghiệp vụ phát sinh trong quá trình thanh tra và xử lý sau thanh tra để các đơn vị trong nội bộ hệ thống và cán bộ TTCN tham khảo.
Cụ thể hóa trách nhiệm, quy trình phối hợp công tác của KBNN cấp huyện, các Phòng nghiệp vụ thuộc, trực thuộc KBNN cấp tỉnh, của KBNN tỉnh, thành phố và Sở Giao dịch trong việc cung cấp thông tin tài liệu phục vụ xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm; kế hoạch thanh tra của Đoàn Thanh tra của KBNN tỉnh và KBNN.
Phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của Thanh tra Bộ Tài chính trong triển khai hoạt động TTCN KBNN. Chú ý công tác sưu tầm, cập nhật tài liệu nghiệp vụ thanh tra, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ từ Thanh tra Bộ Tài chính để phổ biến và đề xuất Lãnh đạo KBNN cử cán bộ làm công tác thanh tra kiểm tra tham gia.
Tập trung xây dựng kế hoạch TTCN thực hiện năm 2016: Theo đúng định hướng đã được quy định và đảm bảo “thực hiện đúng trong phạm vi, thẩm quyền được giao, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và triển khai thực hiện hoạt động TTCN từng bước, vững chắc”.
Các công việc xây dựng dự toán về kinh phí; thiết kế trang phục; in ấn và cấp thẻ thanh tra viên, trang cấp thiết bị, phương tiện hỗ trợ cần thiết; xây dựng chế độ bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm TTCN theo hướng dẫn của Chính phủ cũng cần được các đơn vị khẩn trương tiến hành để đảm bảo ngay sau khi kết thúc và tổng kết triển khai thí điểm thì có thể sớm triển khai ra các đơn vị sử dụng NSNN ngoài hệ thống.
Các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện để triển khai thành công và có hiệu quả chức năng TTCN KBNN trong thời gian tới còn khá nhiều và rất nặng nề. Chính vì vậy, để hoạt động triển khai TTCN KBNN đạt được kết quả như mong muốn, bên cạnh sự đồng tâm và hiệp lực của đội ngũ thanh tra toàn hệ thống KBNN, Thanh tra hệ thống KBNN cần được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo KBNN các cấp, sự phối hợp của các bộ phận nghiệp vụ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhất là trong thời kỳ toàn hệ thống đang hướng tới mục tiêu Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020./.