Thanh tra Kho bạc nhà nước:Thách thức trước nhiệm vụ mới

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Kho bạc nhà nước (KBNN) ngày càng trở nên quan trọng, giúp lãnh đạo Kho bạc Nhà nước các cấp giám sát các hoạt động đảm bảo chấp hành đúng pháp luật, chính sách, chế độ và quy trình nghiệp vụ.

Thanh tra Kho bạc nhà nước:Thách thức trước nhiệm vụ mới
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trước những thay đổi lớn trong việc quản lý Ngân sách Nhà nước, phạm vi hoạt động của thanh tra không chỉ dừng ở các hoạt động nghiệp vụ hiện tại, mà còn đang tiến tới các hoạt động thanh tra chuyên ngành (TTCN) - một nghiệp vụ mới với nhiều thách thức.

Sâu sát công tác thanh tra, kiểm tra

Trong năm 2014, Thanh tra KBNN đã tiến hành kiểm tra tại 30/29 đơn vị KBNN tỉnh và quận, huyện, đạt 103% (vượt kế hoạch 3% do trong năm qua, thực hiện kiểm tra thêm Cục Công nghệ tin học theo yêu cầu của lãnh đạo KBNN). KBNN các tỉnh, thành phố đã tiến hành kiểm tra 2.207/2.256 cuộc, đạt 98% kế hoạch năm. Nội dung kiểm tra được triển khai toàn diện các mặt hoạt động nghiệp vụ theo các hình thức: kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề và kiểm tra thường xuyên.

Với hàng nghìn cuộc kiểm tra như thế, có thể thấy, công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách, tăng cường kỷ luật, đề cao trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc. Thông qua kết quả thanh tra, kiểm tra, những sai phạm, tồn tại xảy ra trong các hoạt động nghiệp vụ đã được phát hiện để có những chấn chỉnh kịp thời.

Đồng thời, những sơ hở, bất cập trong các văn bản, chế độ cũng được phát hiện để có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế. Không những thế, công tác thanh kiểm tra đã thực sự giúp cho lãnh đạo các cấp nhìn nhận đúng thực trạng công tác quản lý, điều hành của mình, cũng như việc chấp hành quy trình cải cách thủ tục hành chính đáp ứng các yêu cầu về công tác công khai minh bạch và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó đưa ra các quyết định một cách kịp thời chính xác.

Bắt nhịp với công tác mới

Lãnh đạo KBNN cho biết, các đơn vị sử dụng NSNN ngày càng được phân cấp nhiều trong việc quyết định chi tiêu NSNN. Tuy nhiên, quyền hạn chưa đi đôi với ý thức và trách nhiệm nên việc chấp hành chính sách chế độ quy định của các đơn vị nói chung chưa được tốt, việc chi sai chế độ vẫn xảy ra, gây lãng phí tiền và tài sản của nhà nước. Trước thực tế đó, KBNN đã được Chính phủ, Bộ Tài chính tin tưởng giao thêm nhiệm vụ mới đó là thực hiện chức năng TTCN nhằm giám sát hiệu quả hoạt động chi tiêu NSNN, đảm bảo chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả.

Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục duy trì nhiệm vụ kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN, CBCC làm công tác thanh tra, kiểm tra còn phải tiến hành TTCN đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng NSNN có nghĩa vụ chấp hành quy định pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của KBNN. Theo số liệu thống kê tại thời điểm ngày 31/5/2014, số lượng đơn vị giao dịch qua hệ thống KBNN khoảng 118.123 đơn vị với khoảng 422.352 tài khoản; và khoảng 171.458 dự án đầu tư đang thực hiện kiểm soát chi qua KBNN. Có thể thấy, đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và đòi hỏi cao về trình độ năng lực công chức, về trách nhiệm thực thi công vụ.

Lãnh đạo KBNN cho biết, trước nhiệm vụ mới, toàn hệ thống cũng gặp nhiều thuận lợi riêng, khi chức năng TTCN ra đời trong bối cảnh hệ thống các văn bản pháp lý đã khá đầy đủ. Bên cạnh đó là việc Bộ Tài chính đang quyết tâm thực hiện cải cách hành chính và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng chống tham nhũng. Thêm vào đó là việc công chức trong toàn hệ thống đang quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược phát triển KBNN được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 138/2007/QĐ- TTg ngày 21/8/2007, trong đó có nội dung : “Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, kiểm soát trên cơ sở đối mới nội dung, phương pháp và quy trình phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và hiện đại hóa hoạt động KBNN... nhằm cảnh báo sớm mọi rủi ro trong hoạt động KBNN, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng vi phạm chính sách, chế độ của nhà nước”.

Mặc dù là vậy, nhưng khi bước vào thực hiện nhiệm vụ mới, hệ thống KBNN cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn thách thức.

Thứ nhất, từ trước tới nay, cán bộ thanh tra chỉ tập trung thanh tra, kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN, chưa bao giờ thực hiện chức năng thanh tra với các đơn vị ngoài hệ thống. Do vậy, việc chuẩn bị các công tác về tổ chức nhân sự và lực lượng cho công tác TTCN cần phải được triển khai theo một lộ trình và kế hoạch rất chi tiết, cụ thể.

Thứ hai, các đơn vị sử dụng ngân sách từ trung ương đến địa phương hiện tại rất lớn và nằm trên các địa bàn tại các xã, phường, quận, huyện, thành phố trong khi đó, lực lượng và tổ chức TTCN chỉ có ở trung ương và cấp tỉnh. Điều đó đặt ra yêu cầu về sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác này phải thật khoa học, đảm bảo tinh gọn nhưng chất lượng.

Thứ ba, hiện nay các loại hình đơn vị sử dụng NSNN cũng rất đa dạng, có đơn vị NSNN được đảm bảo tài trợ 100%, có đơn vị NSNN chỉ tài trợ một phần, có đơn vị hoạt động đặc thù nên chi tiêu ngân sách được sử dụng từ nhiều nguồn hỗn hợp hoặc có những khoản chi phải đảm bảo những nguyên tắc bí mật nhất định. Điều này đặt ra yêu cầu công chức làm công tác thanh tra phải có kiến thức sâu rộng, am hiểu các quy định của pháp luật.

Thứ tư, cần phải có sự thống nhất về nhận thức đối với hiệu quả của công tác TTCN cả ở các đơn vị sử dụng ngân sách và các đơn vị KBNN, nhận thức về sự chấp hành và tuân thủ các quy định pháp luật, các quyết định và chỉ đạo của Chính phủ về thanh tra nói chung và TTCN nói riêng, từ đó càng tạo mọi thuận lợi để tổ chức TTCN của KBNN hoàn thành được tốt kế hoạch và nhiệm vụ được giao.

Vượt qua những thách thức, để thực hiện thành công chức năng TTCN, KBNN đang đặt ra từng lộ trình thực hiện, trong đó có việc xây dựng cẩm nang TTCN để kịp thời sử dụng khi tổ chức thí điểm TTCN trong năm 2015 nhằm rút kinh nghiệm cho việc triển khai diện rộng trong năm 2016. Xây dựng định biên đội ngũ công chức thanh tra tại Vụ Thanh tra  (KBNN trung ương) và Phòng Thanh tra KBNN các tỉnh, thành phố. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức làm công tác TTCN./.