Thanh tra Tài chính: Góp phần tích cực tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách
Với bề dày truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển, Thanh tra Tài chính luôn là công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, của ngành Tài chính trong việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách. Đặc biệt, trong 5 năm qua, Thanh tra Tài chính đã thực hiện hàng trăm cuộc thanh tra, phát hiện đề nghị xử lý tăng thu, giảm chi cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Vai trò quan trọng của Thanh tra Tài chính
Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, cùng với việc xây dựng một nền tài chính cách mạng non trẻ, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến công tác tổ chức và hoạt động Thanh tra Tài chính. Ngày 20/11/1945, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 56/TC, cử ông Lê Trần Đức làm Tổng Thanh tra Tài chính và ngày này (ngày 20/11) đã đã trở thành ngày Truyền thống của Thanh tra Tài chính Việt Nam.
Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành (20/11/1945 - 20/11/2015), cùng với sự phát triển của ngành Tài chính, Thanh tra Tài chính đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Tổ chức Thanh tra Tài chính luôn được thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng; hoạt động thanh tra luôn gắn liền với sự vận động phát triển của nền tài chính nước nhà, góp phần sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực tài chính của Nhà nước và nhân dân. Các thế hệ cán bộ, công chức Thanh tra Tài chính luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị; đóng góp quan trọng trong bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, khắc phục những bất cập về cơ chế chính sách và làm tốt vai trò tham mưu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, Thanh tra Tài chính đã tiến hành thực hiện hàng trăm cuộc thanh tra, phát hiện đề nghị xử lý hàng ngàn tỷ đồng. Đơn vị đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính (tăng thu, giảm chi cho ngân sách nhà nước (NSNN), xử lý tài chính khác) tại các đơn vị thụ hưởng NSNN, doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị hành chính sự nghiệp cũng như trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và các lĩnh vực tài chính chuyên ngành, kiến nghị tiết kiệm cho NSNN hàng ngàn tỷ đồng. Cụ thể:
Năm 2011, Thanh tra Tài chính đã lưu hành 63 kết luận thanh tra, qua đó đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 2.768,7 tỷ đồng (tăng thu NSNN: 1.056,6 tỷ đồng; giảm chi ngân sách: 855,1 tỷ đồng, xử lý tài chính khác: 856,9 tỷ đồng). Đơn vị đã tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm 84 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất. Nội dung mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra đều gắn với việc thực hiện những giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2012, Thanh tra Tài chính đã triển khai, kết thúc thanh tra, kiểm tra 73 đoàn; trong đó có 42 cuộc thanh tra, 31 cuộc kiểm tra hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao. Tổng hợp kết quả tại các cuộc thanh tra đã lưu hành kết luận, có 288 kiến nghị (200 kiến nghị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, 07 kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và 81 kiến nghị về tài chính); phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.025,7 tỷ đồng (tăng thu NSNN 448,9 tỷ đồng, giảm chi NSNN 248,6 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 329,9 tỷ đồng).
Năm 2013, Thanh tra Tài chính đã triển khai 38 đoàn thanh tra, kiểm tra, hoàn thành 100% nhiệm vụ theo kế hoạch và đột xuất được giao. Cụ thể, đơn vị đã triển khai 28 đoàn thanh tra theo kế hoạch; thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Bộ Tài chính là 07 đoàn; Thực hiện kiểm tra 03 cuộc trong đó 01 cuộc kiểm tra theo kế hoạch về trách nhiệm của thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; 02 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng nguồn kinh phí Trung ương cấp. Kết quả, qua công tác thanh tra, đơn vị đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 2.461 tỷ đồng (tăng thu NSNN: 560,1 tỷ đồng; giảm chi NSNN: 1.873,6 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 27,5 tỷ đồng).
Năm 2014, Thanh tra Tài chính đã thực hiện 31 cuộc thanh tra, kiểm tra với 52 đoàn thanh tra, kiểm tra được triển khai. Qua đó, hoàn thành 100% nhiệm vụ theo kế hoạch và đột xuất được giao. Tổng hợp kết quả của 51 cuộc thanh tra đã lưu hành kết luận, Thanh tra Tài chính đã đưa ra 296 kiến nghị (131 kiến nghị chấn chỉnh, 69 kiến nghị rút kinh nghiệm, 25 kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm, 71 kiến nghị về tài chính); phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 2.813,18 tỷ đồng và 6.241.443 USD (trong đó: tăng thu NSNN 898,8 tỷ đồng và 6.241.443 USD; giảm chi NSNN 860,7 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 1.053,5 tỷ đồng). Đồng thời, đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách về quản lý tài chính, ngân sách.
Ngoài ra, cũng trong năm 2014, Thanh tra Tài chính đã tập trung thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá tại tại một số doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi, phân tích, đánh giá đầy đủ về các yếu tố, và cơ cấu hình thành giá; xác định chính xác giá thành và thu nhập thực tế tại từng doanh nghiệp chỉ ra những yếu tố bất hợp lý, những nguyên nhân chủ yếu làm tăng giá trên thị trường theo từng danh mục mặt hàng sữa. Qua đó, đã đề xuất với Bộ Tài chính kiến nghị và được Chính phủ ra chủ trương, phương án áp trần giá sữa nhằm bình ổn thị trường.
Qua thanh tra, đã phát hiện và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp; có nhiều những kiến nghị về sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành dự toán ngân sách, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính.
Phát huy truyền thống vẻ vang
Năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XI và kế hoạch 5 năm (2011 - 2015), hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945 - 28/8/2015), 70 năm Ngày Truyền thống Thanh tra Tài chính (20/11/1945 - 20/11/2015), Thanh tra Tài chính tích cực thi đua, phát huy truyền thống chủ động, sáng tạo, kỷ cương kỷ luật để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Kế hoạch thanh tra tài chính năm 2015 được thực hiện chủ động, linh hoạt, hướng vào những lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ nẩy sinh tham nhũng, lãng phí và kém hiệu quả, trong đó tập trung vào một số nội dung định hướng như:
- Tiếp tục thanh tra công tác quản lý và điều hành ngân sách đảm bảo bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư, nguồn dự phòng ngân sách, các khoản phí, lệ phí. Rà soát kỹ các khoản chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản tại các dự án, công trình sử dụng lớn vốn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA...
- Thanh tra, kiểm tra chống gian lận thương mại, chống thất thu, chống chuyển giá và xử lý nợ đọng thuế, đặc biệt là ở các thành phố, đô thị lớn, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp FDI; chú trọng thanh tra một số lĩnh vực nhậy cảm như thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng…; Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định; Điều phối công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm, các doanh nghiệp lớn tại các địa phương để hạn chế tình trạng bỏ sót các doanh nghiệp không được thanh tra, kiểm tra.
- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu của Nhà nước; đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp, tình hình vốn của doanh nghiệp, tình hình vay, đầu tư, khả năng trả nợ, việc chấp hành chế độ kế toán. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm góp phần công khai, minh bạch thị trường, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và doanh nghiệp.
- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá gắn liền với công khai, minh bạch trong điều hành giá cả, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và đời sống dân sinh như: xăng dầu, điện, than….
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hành chính trong việc chấp hành chính sách, pháp luật, quy trình, quy chế và thực hiện chức trách nhiệm vụ, quyền hạn được giao của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức trong Ngành.
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ thanh tra; xây dựng văn hóa, đạo đức nghề nghiệp thanh tra gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động...
Với truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển, Thanh tra Tài chính luôn tự hào về những đóng góp quan trọng của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế, tài chính của đất nước; là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giữ vững kỷ cương, kỷ luật tài chính và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính giao.