Thành tựu ấn tượng về dịch vụ quỹ, chứng khoán của Vietcombank

ĐCTC

Năm 2020, đánh dấu bước phát triển mới của Vietcombank trong việc mở rộng và phát triển dịch vụ quỹ và chứng khoán. Các kết quả trong lĩnh vực này được khẳng bằng thị phần tăng trưởng, danh mục khách hàng và sản phẩm mở rộng

Vietcombank đã kết nối được với 11 công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường và dự kiến sẽ kết nối với tối thiểu 3 công ty chứng khoán nước ngoài năm 2021
Vietcombank đã kết nối được với 11 công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường và dự kiến sẽ kết nối với tối thiểu 3 công ty chứng khoán nước ngoài năm 2021

Dịch vụ lưu ký giám sát và quản trị quỹ phát triển vượt bậc

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên trên thị trường Việt Nam cung cấp dịch vụ lưu ký, giám sát từ năm 2004. Tuy nhiên, dịch vụ này đã bị gián đoạn một thời gian.

Đến năm 2018, Ban Lãnh đạo chủ trương đẩy mạnh cung cấp dịch vụ lưu ký, giám sát và quản trị quỹ nhằm đa dạng hóa dịch vụ và tăng nguồn

thu phí. Mục tiêu đạt vị trí Top 2 về thị phần và năng lực cung cấp dịch vụ quỹ và chứng khoán trong các ngân hàng nội địa đề ra tại Đề án chiến lược phát triển Khối Bán buôn đến 2025 là áp lực to lớn đối với Ban Định chế tài chính (ĐCTC) và các phòng/ban liên quan.

Đây là mảng dịch vụ mới đối với Vietcombank trong khi các ngân hàng cung cấp dịch vụ trên thị trường đã có rất nhiều kinh nghiệm và sở hữu những mối quan hệ thân thiết với khách hàng.

Đứng trước thách thức đó, Ban đã gấp rút phối hợp với Trung tâm Dịch vụ khách hàng và các bộ phận liên quan tìm hiểu thị trường, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng quy chế, quy trình, hệ thống, tiếp cận khách hàng...

Sau 2 năm chuẩn bị cơ sở vật chất và hoàn thiện sản phẩm, năm 2020 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Vietcombank trong việc cung cấp dịch vụ cho các Quỹ nội địa lớn nhất thị trường.

Vietcombank cạnh tranh mạnh mẽ với các ngân hàng nước ngoài như Standard Chartered Bank, HSBC... và ngân hàng nội địa đang chiếm lĩnh thị trường để giành được các thỏa thuận cung cấp dịch vụ cho Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM), Công ty quản lý quỹ Vinacapital, Công ty quản lý quỹ Thiên Việt, Công ty Quản lý Quỹ SSI, Công ty Quản lý quỹ I.P.A...

Tổng tài sản khách hàng lưu ký tại Vietcombank tính đến 30/11/2020 vào khoảng 260 nghìn tỷ đồng (khoảng 11,3 tỷ USD), trong đó tài sản của các Quỹ/Danh mục ủy thác đầu tư là hơn 5.400 tỷ đồng (khoảng 250 triệu USD), tăng trưởng hơn 5 lần so với năm 2019. Đối với loại hình quỹ ETF-quỹ hoán đổi danh mục, Vietcombank chiếm thị phần lớn nhất, cung cấp dịch vụ cho 3/6 quỹ đang hoạt động trên thị trường với quy mô tài sản trên 4.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, đối với loại hình quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung - một sản phẩm phức tạp nhất và được kỳ vọng lớn nhất trong các năm tới của thị trường tài chính, Vietcombank đã giành được hợp đồng nguyên tắc cung cấp dịch vụ lưu ký, giám sát và quản trị quỹ cho 1 trong 4 đơn vị sẽ thành lập Quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung đầu tiên trên thị trường - Công ty Quản lý quỹ Vinacapital.

Dịch vụ chứng khoán

Ngoài nhu cầu về tín dụng, Vietcombank cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ chứng khoán cho công ty chứng khoán bao gồm: Dịch vụ thu hộ/chi hộ giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư qua hệ thống i@banking: Vietcombank đã kết nối được với 11 công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường và dự kiến sẽ kết nối với tối thiểu 3 công ty chứng khoán nước ngoài năm 2021.

Việc tăng cường kết nối thanh toán với công ty chứng khoán đã đem lại nguồn tiền không kỳ hạn lớn cho Vietcombank với số dư ngày 30/11/2020 là 3.500 tỷ đồng, tăng trên 40% so với 31/12/2019. Mua bán ngoại tệ/swap: Doanh số giao dịch mua bán ngoại tệ 11 tháng năm 2020 lên đến 200 triệu USD. Thanh toán quốc tế: Doanh số thanh toán quốc tế của nhóm khách hàng định chế tài chính phi tổ chức tín dụng 11 tháng năm 2020 đạt 271 triệu USD.

Cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán chứng quyền bảo đảm cho công ty chứng khoán. Hợp tác trong việc tư vấn phát hành và phân phối trái phiếu doanh nghiệp... Bên cạnh đó, Ban Định chế tài chính đã phối hợp với các Chi nhánh và bộ phận liên quan triển khai thành công giao dịch vay vốn nước ngoài cho công ty chứng khoán dựa trên bảo lãnh của Vietcombank với giá trị 15 triệu USD.

Đây là lần đầu tiên Vietcombank phát hành thư tín dụng dự phòng (Standby L/C) để bảo lãnh vay vốn nước ngoài cho khách hàng tổ chức. Giao dịch cấu trúc này đem lại lợi ích tổng thể và đa chiều cho Vietcombank, bao gồm thu phí bảo lãnh, phí chuyển tiền, doanh số thanh toán quốc tế, lợi nhuận từ mua bán ngoại tệ/swap và tiền gửi không kỳ hạn USD. Trong năm 2021, Ban Định chế tài c hính sẽ tăng cường triển khai cấu trúc giao dịch này với nhóm khách hàng chứng khoán, đồng thời mở rộng việc áp dụng đối với khách hàng là tổ chức tín dụng và khách hàng doanh nghiệp với tổng quy mô giao dịch dự kiến tối thiểu đạt 150 triệu USD.

Vietcombank là một trong số ít ngân hàng lưu ký được nhận giấy khen của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam về những đóng góp nổi bật cho ngành dịch vụ quỹ và chứng khoán liên tiếp trong 2 năm 2019-2020.

Đón đầu xu hướng đầu tư gián tiếp thông qua đầu tư cổ phiếu niêm yết trên sàn khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường cận biên và giao dịch mua bán sáp nhập doanh nghiệp, Ban Định chế tài chính đã tổ chức các chương trình làm việc với các công ty chứng khoán lớn trên thị trường như: SSI, HSC, VNDirect, Bản Việt... hợp tác giới thiệu nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài mở tài khoản đầu tư gián tiếp và sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác tại Vietcombank.

Với các thành tựu đạt được trong một thời gian ngắn, Ban Định chế tài chính đã góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Vietcombank trên thị trường chứng khoán và thị trường quỹ. Vietcombank đã trở thành cái tên được nghĩ tới đầu tiên khi các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán phát sinh nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ.

Ban Định chế tài chính sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả chiến lược kinh doanh đã đề ra, đảm bảo hoàn thành mục tiêu Top 2 - ngân hàng nội địa cung cấp dịch vụ quỹ và chứng khoán trên thị trường.