Thành tựu của chính sách tài khóa năm 2014 và định hướng năm 2015
(Tài chính) Năm 2014, kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng công tác quản lý, điều hành tài chính - ngân sách nhà nước vẫn đạt được những kết quả tích cực. Sang năm 2015, chính sách tài khóa sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi; tăng cường kỷ luật tài khóa...
Hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước vượt dự toán
Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 ước đạt 858.053 tỷ đồng, bằng 109,6% dự toán. Trong đó, thu nội địa bằng 107,5% dự toán, thu từ dầu thô bằng 117,5% dự toán, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 112,9% dự toán. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.
Có thể thấy, kết quả thu NSNN năm 2014 như trên là khá tích cực bởi bên cạnh các yếu tố thuận lợi là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất huy động và cho vay giảm, tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng cao, xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng... vẫn còn có những yếu tố không thuận. Cụ thể:
Thứ nhất, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn dự báo. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi cộng với việc giá dầu giảm sâu và nhanh đã tác động đến nguồn thu ngân sách.
Thứ hai, ở trong nước, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tổng cầu tăng chậm, thị trường bất động sản phục hồi chậm, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) còn khó khăn...
Thứ ba, việc Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN cho các đối tượng an sinh xã hội hay để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng đã làm giảm thu NSNN.
Để bù đắp những yếu tố tác động bất lợi đến thu NSNN nêu trên, ngay từ đầu năm, ngành Tài chính đã tập trung chỉ đạo, tăng cường quản lý điều hành tài chính - NSNN, bám sát các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ. Trong đó:
Rà soát hoàn thiện các chính sách thu và tăng thu NSNN ở một số sắc thuế, nội dung thu nhằm bù đắp sự sụt giảm thu NSNN.
Chính sách thu NSNN đã được rà soát và hoàn thiện theo hướng bảo đảm phù hợp với lộ trình giảm thuế đã cam kết theo các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương, tăng thuế suất đối với một số mặt hàng không khuyến khích sử dụng như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia và thuốc lá theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 70/2014/QH13 ngày 26/11/2014; Điều chỉnh barem về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi các mặt hàng xăng, dầu thuộc nhóm 2710 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi tương ứng với giá các mặt hàng dầu trên thị trường thế giới, đồng thời điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu. Trước đó, Nghị quyết 57/2013/QH13 ngày 12/11/2013 cũng đã quy định thu vào NSNN 75% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2014; Thực hiện thu NSNN đối với cổ tức được chia năm 2014 cho phần vốn Nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan giảm số giờ thu nộp ngân sách của người nộp thuế.
Việc tăng cường công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ cũng như số lần khai nộp thuế, hiện đại hóa công tác thu nộp ngân sách đã giúp giảm 290 giờ nộp thuế của DN (từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/ năm, không tính thời gian nộp bảo hiểm). Ngoài ra, từ năm 2015, khi thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 công tác này sẽ giảm thêm được 80 giờ (từ 247 giờ/ năm xuống còn 167 giờ/năm).
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu NSNN; chú trọng công tác quản lý nợ thuế.
Nhằm nâng cao hiệu quả và tăng cường quản lý thu NSNN, công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra về công tác hoàn thuế GTGT và chống chuyển giá. Năm 2014, ngành Tài chính đã thanh tra, kiểm tra hơn 67.000 DN; kiểm tra trên 3.000 hồ sơ sau hoàn thuế; thanh tra kiểm tra gần 3.000 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết.
Công tác quản lý nợ thuế cũng được chú trọng thông qua việc tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ, cưỡng chế nợ thuế bằng nhiều hình thức phù hợp. Kết quả là năm 2014 đã thu 50% số nợ thuế tại thời điểm cuối năm 2013.
Các biện pháp nêu trên đã mang lại kết quả thu NSNN tích cực, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phát triển trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn.
Chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, kỷ cương tài chính được nâng cao
Chi NSNN cho đầu tư phát triển cả năm ước khoảng 169.000 tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán. Chi NSNN cho đầu tư phát triển đã được tập trung cho các công trình, dự án quan trọng, đồng thời được bổ sung từ nguồn dự phòng NSNN để thực hiện các dự án cấp bách về quốc phòng, an ninh, khắc phục sự cố đê, kè xung yếu để chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thảm họa thiên tai, bổ sung tăng dự trữ quốc gia để bù lượng hàng dự trữ đã xuất cấp...
Chi thường xuyên ước đạt 101,9% dự toán đã đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, an sinh xã hội... Trong năm 2014, để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, ngành Tài chính đã xuất cấp hàng dự trữ quốc gia với tổng trị giá khoảng 1.025,5 tỷ đồng, trong đó xuất cấp trên 102,9 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt và hỗ trợ học sinh khu vực khó khăn... Chi trả nợ, viện trợ đạt 100% dự toán, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ theo cam kết.
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi NSNN được chú trọng và tăng cường. Ước tính năm 2014, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi đối với 944.833 tỷ đồng, bằng 93,8% dự toán, trong đó đã kiểm soát 679.165 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng), đạt 96,4% dự toán. Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vị Kho bạc Nhà nước đã phát hiện khoảng 36.500 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, từ chối thanh toán 39 tỷ đồng và đối với kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã từ chối chi 65 tỷ đồng.
Công tác huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển đạt kết quả cao
Năm 2014, tổng giá trị huy động vốn thông qua kênh trái phiếu chính phủ đạt trên 248.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2013 (kết quả cao nhất từ trước tới nay). Trong đó, phát hành trái phiếu chính phủ huy động vốn cho NSNN và đầu tư phát triển cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra. Công tác huy động vốn trong nước những tháng đầu năm có nhiều thuận lợi do mặt bằng lãi suất huy động giảm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm hạn chế, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng tốt. Đặc biệt, việc phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế ngày 07/11/2014 với kỳ hạn 10 năm, lãi suất cố định 4,8%/năm (thấp hơn mức dự kiến 5,125%/năm) là một thành công lớn bởi đây là mức lãi suất thấp nhất trong các đợt phát hành trái phiếu chính phủ của Việt Nam ra thị trường vốn quốc tế từ trước đến nay.
Cân đối ngân sách tích cực, bội chi ngân sách nhà nước được đảm bảo trong giới hạn cho phép
Về nguyên tắc, khi thu NSNN tăng so với dự toán sẽ được sử dụng để giảm bội chi NSNN. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động không thuận làm phát sinh nhu cầu chi, hơn thế nhu cầu tăng tổng cầu của nền kinh tế lớn nên bội chi NSNN năm 2014 được điều hành trong phạm vi Quốc hội quyết định là 5,3% GDP. Nguồn vượt thu ngân sách trung ương so với dự toán được tập trung thanh toán nợ ngân sách trung ương, hỗ trợ bù giảm thu cho ngân sách địa phương do nguyên nhân khách quan và bổ sung kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh (sau khi thưởng vượt dự toán thu phân chia và đầu tư trở lại cho ngân sách địa phương theo quy định). Đối với nguồn vượt thu ngân sách địa phương được sử dụng để bổ sung đầu tư phát triển hạ tầng, tạo nguồn cải cách tiền lương và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, phát sinh.
Nợ công được cơ cấu lại theo hướng tích cực
Năm 2014, Việt Nam đảo nợ khoảng 77.000 tỷ đồng thông qua việc sử dụng một phần vay mới để đảo nợ với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, góp phần giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn. Đợt phát hành 1 tỷ USD vốn trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế đã hoán đổi được 54,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế năm 2005 và 25,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế năm 2010 góp phần tái cơ cấu nợ công theo hướng kéo dài thời hạn vay và giảm áp lực về nghĩa vụ trả nợ. Việc đảo nợ này không làm tăng nợ công và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tính đến cuối năm 2014, nợ công của Việt Nam ở mức 60,3% GDP, nợ Chính phủ là 46,9% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 39,9% GDP, đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô.
Những vấn đề cần quan tâm
Bên cạnh những kết quả tích cực trong thực hiện chính sách tài khóa năm 2014 cũng cho thấy những vấn đề cần quan tâm sau:
Thứ nhất, tính ổn định trong thu NSNN còn hạn chế. Tổng thu NSNN năm 2014 vẫn chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài, các khoản thu từ tài nguyên, các khoản thu đặc thù và các khoản thu phát sinh do yếu tố khách quan. Thu nội địa trừ đất mặc dù tăng 7,5% so với dự toán nhưng nếu loại đi khoản thu cổ tức và lợi nhuận còn lại theo Thông tư 187/2013/TT-BTC thì ước đạt 490.700 tỷ đồng, đạt 98% dự toán.
Tổng số tiền nợ thuế còn lớn, tăng 14,9% so với cuối năm 2013. Trong đó nợ thế tăng cao so với năm trước ở một số địa phương như Lai Châu (tăng 80%), Hậu Giang (tăng 57%), Long An (51%), Vĩnh Long (tăng 32,4%)...
Thứ hai, cơ cấu chi NSNN còn bất cập; phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực NSNN còn hạn chế.
Chi thường xuyên có xu hướng tăng nhanh và mạnh trong những năm gần đây. Trong chi thường xuyên, tỷ lệ chi cho con người cũng tăng mạnh (giai đoạn 2011-2015 bình quân chiếm 68,2%, tăng 6% so với giai đoạn 2006-2010). Nguyên nhân là do thực hiện các nghị quyết của Đảng, Nhà nước tập trung chi cho con người và an sinh xã hội. Theo đó, giai đoạn 2011-2015 NSNN đã dành 474.000 tỷ đồng để thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu 3 lần (năm 2011, 2012, 2013); 2 lần thực hiện điều chỉnh phụ cấp công vụ. Trong khi đó, số người hưởng lương từ NSNN không có xu hướng giảm cùng với việc gia tăng ban hành các đề án, chính sách ở các bộ, ngành, địa phương cũng tác động làm chi ngân sách thường xuyên tăng cao.
Trong phân bổ NSNN, còn tình trạng bố trí vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục, phân bổ vốn không đúng với cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao. Ví dụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kế hoạch phân bổ vốn của một số tỉnh còn chưa đúng với nguyên tắc bố trí vốn quy định tại Quyết định số 195/QĐ-TTg như: Phân bổ chưa bám sát đối tượng ưu tiên, nguyên tắc và mức phân bổ cho các xã theo quy định; chưa có ý kiến của HĐND cùng cấp...
Thứ ba, hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính NSNN trong khu vực sự nghiệp còn hạn chế do cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp chưa được đổi mới, việc áp dụng và thực hiện lộ trình giá dịch vụ đối với các dịch vụ sự nghiệp công còn nhiều khó khăn, vướng mắc; Thực hiện xã hội hóa các loại hình dịch vụ công đạt thấp.
Thứ tư, dư nợ công có xu hướng tăng cao (nợ công so GDP đã tăng từ 54,9% năm 2011 lên 60,3% năm 2014), cơ cấu nợ công chưa thật sự bền vững, việc quản lý, sử dụng vốn vay còn kém hiệu quả.
Năm 2015, dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định là 911,1 nghìn tỷ đồng; Dự toán chi ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định là 1.147 nghìn tỷ đồng.
Nhiệm vụ của chính sách tài khóa năm 2015
Với những kết quả, hạn chế trong quản lý, điều hành NSNN và thực hiện chính sách tài khóa năm 2014, căn cứ vào mục tiêu nhiệm vụ tài chính NSNN năm 2015 là: “Huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia, từng bước cơ cấu lại NSNN, đảm bảo an ninh tài chính, góp phần tích cực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, quốc phòng - an ninh trong tình hình mới” thì nhiệm vụ của chính sách tài khóa năm 2015 cần tập trung vào những điểm sau:
Một là, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tạo nguồn thu vững chắc, ổn định cho NSNN, đồng thời hạn chế tối đa ban hành thêm các chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện cam kết quốc tế; Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá; Tập trung xử lý nợ đọng thuế; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan;
Hai là, cơ cấu lại các khoản chi trên cơ sở rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia... để cắt giảm, lồng ghép chính sách, chương trình, áp dụng phù hợp cho giai đoạn 2016-2020; Chỉ ban hành các chính sách làm tăng chi NSNN trong trường hợp thực sự cần thiết và có nguồn kinh phí đảm bảo; Triệt để tiết kiệm chi NSNN; Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi NSNN; Từng bước tinh giảm biên chế bộ máy; Giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài; Phân bổ, sử dụng vốn đầu tư đảm bảo tập trung, có hiệu quả, ưu tiên vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm; Đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn NSNN;
Ba là, đẩy mạnh đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập;
Bốn là, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nợ công theo hướng giảm các khoản nợ ngắn hạn, tăng các khoản nợ dài hạn có lãi suất phù hợp; tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo khả năng trả nợ.
Năm là, tăng cường kỷ luật tài khóa và đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực tài chính.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo Hội nghị tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2014, triển khai nhiệm vụ, tài chính - NSNN năm 2015;
2. Tài liệu Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2014, triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2015;
3. Báo cáo 420/BC-CP ngày 17/10/2014 đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2014 và dự toán NSNN năm 2015;
4. Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2014.