Thành tựu nổi bật trong Chiến lược phát triển hải quan
Theo Tổng cục Hải quan, qua 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 đã có nhiều kết quả tích cực được ghi nhận về mọi mặt. Ngành Hải quan đã xây dựng hệ thống chính sách pháp luật hải quan đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đạt chuẩn mực quốc tế; áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại...
Ghi nhận kế quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan, về cơ bản hệ thống pháp luật hải quan đã bao quát hoàn toàn các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan, đặt nền tảng cho việc đổi mới toàn diện hoạt động hải quan, tạo cơ sở pháp lý để áp dụng phương thức quản lý hải quan hiện đại trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ.
Cùng với đó, 100% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử tại các cục hải quan tỉnh, thành phố, với cơ sở dữ liệu được xử lý tập trung tại cấp Tổng cục Hải quan. Cơ quan Hải quan đã thực hiện trao đổi thông tin trước khi hàng đến, thanh toán thuế bằng phương thức điện tử; áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên theo các chuẩn mực của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO); áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong các khâu nghiệp vụ hải quan; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
Cơ quan Hải quan đã thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, hỗ trợ để người nộp thuế hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao ý thức tự giác, chủ động của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về thuế nhằm đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Người nộp thuế được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tự tính, tự khai, tự nộp thuế; công tác thanh tra, kiểm tra đã được chú trọng đẩy mạnh và tăng cường, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thuế.
Tổng cục Hải quan đã xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin, với dữ liệu được xử lý điện tử tập trung cấp Tổng cục, hoạt động ổn định, thông suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết lĩnh vực nghiệp vụ trọng yếu, đáp ứng các yêu cầu thông quan điện tử, thanh toán thuế điện tử, C/O điện tử, giấy phép điện tử…
Với những kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian vừa qua là động lực để xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử.
Công tác thống kê hải quan được cải thiện rõ rệt, chất lượng số liệu thống kê hàng hoá xuất nhập khẩu, đánh giá tình hình xuất nhập khẩu… ngày càng chính xác và đáng tin cậy, phục vụ đắc lực cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong hoạt động kinh tế đối ngoại và chính sách thuế của Chính phủ, của các bộ, ngành chức năng và các đơn vị trong ngành Hải quan.
Vượt qua không ít thách thức, khó khăn, đến nay, ngành Hải quan đã thực hiện thành công Chiến lược với những thành tựu to lớn, tạo ra bước phát triển đột phá cho Hải quan Việt Nam, đưa cơ quan Hải quan trở thành một trong những đơn vị đi đầu về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương thức quản lý.
Những nỗ lực đó đã rút ngắn thời gian thông quan và chi phí thực hiện thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, đồng thời giúp cho ngành Hải quan đáp ứng được tốc độ gia tăng nhanh chóng của khối lượng công việc do lưu lượng hàng hóa XNK, số lượng tờ khai XNK tăng mạnh trong khi biên chế hầu như không tăng.
Nổi bật là cải cách hiện đại hóa hải quan đã đáp ứng các yêu cầu của quản lý hải quan hiện đại, theo kịp sự phát triển của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.
Hệ thống thể chế quản lý nhà nước về Hải quan đã tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế, hoàn thành các mục tiêu cải cách phát triển hiện đại hóa Hải quan.
Hgành Hải quan đã tăng cường áp dụng các phương thức quản lý hải quan hiện đại, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương quốc tế, trong đó, quản lý rủi ro đã được áp dụng toàn diện trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan, công tác kiểm tra sau thông quan đã được triển khai mạnh mẽ, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Đặc biệt, việc triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã làm thay đổi căn bản phương thức giám sát từ thủ công sang điện tử, tăng cường vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.
Mặt khác, tăng cường mối quan hệ phối hợp, gắn kết giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành và các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo mục tiêu vừa tạo thuận lợi thương mại vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan, tạo tiền đề để thay đổi phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong giai đoạn tới.