Tháo bỏ những "rào cản" trong giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia
Dù tốc độ giải ngân các Chương trình Mục tiêu Quốc gia hiện cao hơn bình quân giải ngân vốn đầu tư công của cả nước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến công tác này. Việc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp cấp bách, trọng tâm nhằm "tháo bỏ" những rào cản đó là vấn đề cấp thiết để đẩy nhanh giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nhận diện rõ những khó khăn, hạn chế
Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương của các Chương trình Mục tiêu quốc gia đến ngày 28/2/2025 đạt 2.240,934 tỷ đồng, đạt 9,4%; ước đến ngày 31/3/2025 giải ngân được 3.836,116 tỷ đồng, đạt 16,1%.
Trong đó, giải ngân vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang năm 2025 đến ngày 28/2/2025 là 49,445 tỷ đồng, đạt 2,6%; đến 31/3/2025 ước khoảng 197,336 tỷ đồng, đạt 10,2%. Vốn kế hoạch năm 2025 giải ngân đến ngày 28/2/2025 đạt 2.191,49 tỷ đồng, đạt 10%; đến ngày 31/3/2025 ước khoảng 3.638,774 tỷ đồng, đạt 16,6%.
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến ngày 28/2/2025 đã giải ngân 945,417 tỷ đồng, đạt 7,5%; đến 31/3/2025 ước khoảng 1.514 tỷ đồng, đạt 12%.
Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giải ngân đến ngày 28/2/2025 đạt 237,228 tỷ đồng, đạt 7%; đến 31/3/2025 ước khoảng 461,611 tỷ đồng, đạt 13,6%. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến 28/2/2025 đạt 1.058,289 tỷ đồng, đạt 13,4%; đến ngày 31/3/2025 ước khoảng 1.564 tỷ đồng, đạt 19,8%.
Đối với kinh phí thường xuyên, các Chương trình Mục tiêu quốc gia giải ngân đến hết 28/2/2025 được 323,662 tỷ đồng, đạt 1,8% đã bao gồm kinh phí từ các năm chưa giải ngân được chuyển nguồn sang năm 2025. Trong đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được 175,258 tỷ đồng, đạt 2,6%; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được 86,78 tỷ đồng, đạt 3,6%; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được 85,09 tỷ đồng, đạt 2,6%.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các Chương trình Mục tiêu quốc gia. Theo đó, một số nội dung thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không có đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, tiến độ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những nội dung này và phương án điều chỉnh nguồn lực sang thực hiện các nội dung khác chưa được giải quyết kịp thời, làm chậm tiến độ giải ngân vốn các chương trình.
Cùng với đó, tiến độ xây dựng, đề xuất phân bổ, giao dự toán kinh phí thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn chậm.
Đến ngày 29/3/2025, còn 23.153,624 tỷ đồng chưa được phân bổ, giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tại các địa phương vẫn chưa phân bổ, giao hết dự toán cho các cấp trực thuộc.
Một số nội dung hỗ trợ của của 02 Chương trình Mục tiêu quốc gia (phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững) không còn đối tượng hỗ trợ hoặc đối tượng theo dự tính ban đầu đã đủ điều kiện ra khỏi đối tượng hỗ trợ của Chương trình.
Bên cạnh đó, định mức hỗ trợ thực hiện một số nội dung (mức hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng đào tạo nghề; mức hỗ trợ phát triển sản xuất...) thuộc các chương trình còn thấp, không tạo sự khuyến khích các đối tượng tham gia thực hiện Chương trình.
Ngoài các hạn chế nêu trên, một số địa phương vẫn chưa thực sự chủ động thực hiện rà soát, chuẩn bị thủ tục đầu tư ngay từ khâu lập kế hoạch, gặp lúng túng khi áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu mới.
Do đó, mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư phê duyệt dự án, không kịp thời hoàn thiện thủ tục để đủ điều kiện để phân bổ, giao kế hoạch. Đáng nói, một số địa phương còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa thực sự chủ động ban hành, quyết định những vấn đề đã được phân cấp theo quy định như: ban hành định mức hỗ trợ phát triển sản xuất ở phạm vi địa phương; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn...
Đơn giản quy trình, tăng cường phân cấp
Theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), năm 2025 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, do đó, cần tập trung rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả 5 năm để làm tốt hơn với những mục tiêu, chỉ tiêu đã đạt và vượt là nhiệm vụ cấp thiết.
Đặc biệt, cần tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ các giải pháp để nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt, phấn đấu các mục tiêu Quốc hội giao.
Để đẩy nhanh triển khai, giải ngân các Chương trình Mục tiêu quốc gia, Vụ trưởng Dương Bá Đức cho biết, Bộ Tài chính đã kiến nghị Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các nhóm vấn đề trọng tâm, cấp bách. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc về thể chế thuộc trách nhiệm xử lý của cấp Trung ương và địa phương.
Bộ Tài chính kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Dân tộc và Tôn giáo khẩn trương làm rõ các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính tại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính thực hiện tổng kết, đánh giá các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến cơ chế, chính sách, phê duyệt các Chương trình Mục tiêu quốc gia. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình theo hướng đơn giản quy trình, tăng cường phân cấp, phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của chủ chương trình, cơ quan chủ quản chương trình.
Các Bộ, cơ quan Trung ương chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan đến quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình phù hợp với chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tại các cấp, đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đặc biệt, bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phân bổ, giao số vốn còn lại; kịp thời phân bổ, giao cho cơ quan, đơn vị cấp trực thuộc ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kinh phí năm 2025.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ giao chủ chương trình khẩn trương đôn đốc, kiểm tra, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại các cấp, đảm bảo quá trình triển khai thực hiện các chương trình được liên tục, đồng bộ, hoàn thành mục tiêu 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội giao.
Các địa phương cần tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo hoàn thành mục tiêu từng chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Song song với đó, phối hợp với các chủ chương trình tổ chức đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2026-2030 phù hợp với tình hình mới.