Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tôm nước lợ
Nhiều vấn đề bức thiết đặt ra cho ngành tôm, đặc biệt là tôm giống đã được đặt ra và bàn thảo tại hội nghị quản lý tôm giống nước lợ diễn ra ngày 15/8 tại Bình Thuận.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ hơn về chủ trương chính sách và định hướng phát triển giống tôm nước lợ cũng như việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Thưa ông, xin ông cho biết lý do vì sao chúng ta lại tổ chức hội nghị về quản lý tôm giống ?
- Trong 6 tháng đầu năm 2016 do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, hạn hán đã ảnh hưởng đến phát triển của ngành nông nghiệp. Lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 0,18% trong 6 tháng đầu năm. Để khắc phục tình trạng này cũng như thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ vàà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã tổ chức sơ kết tái cơ cấu, đặc biệt tìm những giải pháp của ngành nông nghiệp để 6 tháng cuối năm cũng như thời gian tới phát triển những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh và có điều kiện pháp triển thuận lợi, bù lại thâm hụt về tăng trưởng, trong đó có xác định thủy sản và trong thủy sản có đối tượng là tôm nước lợ của chúng ta có nhiều tiềm năng và lợi thế.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sau khi được Quốc hội bầu thì nhiệm vụ đầu tiên là khắc phục cơn bão số 1 và số 1.
Hiện nay chúng ta sản xuất được 57 tỷ con tôm post trong khi nhu cầu cả năm vào khoảng 130 tỷ con. Vậy, chúng ta có đảm bảo nguôn cung tôm giống và khi chúng ta phải nhập khẩu phần lớn tôm giống bố mẹ thì có ảnh hưởng đến chất lượng con giống hay không?
- Đây là hội nghị đầu tiên và cũng là việc đầu tiên Bộ trưởng quan tâm chủ trì hội nghị tại Bình Thuận về quản lý giống tôm nước lợ - đột phá trong yếu tố đầu vào để làm sao chúng ta kiểm soát tốt chất lượng giống tôm nước lợ để phục vụ cho bà con cũng như các doanh nghiệp có giống tôm chất lượng tốt và sạch bệnh nhằm đảm bảo cho việc phát triển vào cuối năm 2016. Những tháng còn lại của năm 2016 đối tượng tôm nước lợ hy vọng sẽ bù lại phần đã tăng trưởng âm của 6 tháng đầu năm.
Hiện nay, một năm chúng ta sản xuất trong nước là hơn 100 tỷ con tôm giống nước lợ, trong đó có cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Phải khẳng định lượng giống tôm chúng ta sản xuất ở trong nước đã đủ, đáp ứng được sản xuất về tôm nước lợ của cả nước. Tuy nhiên, chúng ta chưa chủ động được nguồn giống tôm bố mẹ.
Để khắc phục việc này, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo về nghiên cứu chọn tạo giống tôm bố mẹ nước lợ xuất xứ tại Việt Nam. Hiện nay, ngoài các đơn vị nghiên cứu của Bộ thì Bộ đã tạo điều kiện hợp tác và tạo những giải pháp rất thuận lợi để các doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia vào nghiên cứu và chọn tạo. Chúng ta bước đầu đã chọn tạo được giống tôm bố mẹ do Tập đoàn Việt Úc nghiên cứu, chọn tạo. Tới đây, chúng ta không chỉ có nghiên cứu và tạo ra giống tôm bố mẹ sạch bệnh tăng trưởng cao mà chúng ta còn chọn tạo tôm bố mẹ kháng bệnh và tăng trưởng nhanh có xuất xứ tại Việt Nam.
Hy vọng từ nay cho đến năm 2020 chúng ta cơ bản giải quyết được việc chúng ta có thể chủ động được phần lớn giống tôm bố mẹ do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất đáp ứng được điều kiện. Những cặp tôm bố mẹ nhập khẩu thì chúng ta đã có những cơ chế kiểm soát kể cả về dịch bệnh cũng như chất lượng tôm bố mẹ, đảm bảo được khi các cơ sở sản xuất ra chúng ta kiểm soát tốt chất lượng của tôm giống Việt Nam.
Vừa rồi bên Hiệp hội tôm giống Bình Thuận có kiến nghị ngoài những công ty giống chúng ta đã nhập khẩu từ trước đến nay thì nên tạo cơ chế chính sách để những công ty, tập đoàn giống lớn trên thế giới có thể sản xuất giống và bán tại Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?
- Bây giờ chúng ta đã hội nhập cho nên chúng ta tạo điều kiện bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài có đủ điều kiện để có thể đầu tư và kể cả nhập khẩu vào Việt Nam trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như các quy định luật pháp của Việt Nam. Chúng ta sẽ tạo những điều kiện bình đẳng tốt nhất để cạnh tranh thì người hưởng lợi chính là người sản xuất sẽ được mua tôm giống có chất lượng và giá thành phải chăng, hợp lý hơn. Thứ hai chúng ta phải tăng cường quản lý nhà nước về kiểm dịch cũng như chất lượng để làm sao tất cả những tôm nhập khẩu vào Việt Nam cũng như tôm sản xuất tại Việt Nam phải đảm bảo về chất lượng và an toàn dịch bệnh.
Xin cảm ơn ông!