Tháo gỡ khó khăn cho dự án thu phí không dừng
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có ý kiến trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) và các tỉnh Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Phước… về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai và đồng bộ hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC).
Việc đẩy nhanh tiến độ dự án này càng trở nên bức thiết khi sự minh bạch trong thu phí là cơ sở để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, nhà đầu tư và Nhà nước.
Mới có 900.000 xe dán thẻ E-tag
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP, Bộ GTVT), cho biết, hàng loạt dự án BOT đang “kêu cứu” vì lượng phương tiện và doanh thu sụt giảm. Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, tính đến nay, trong 60 dự án BOT đang khai thác do Bộ GTVT quản lý có 49 dự án đạt doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính. Trong đó, 2 dự án có doanh thu chỉ đạt 13%-15% là QL3 đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn và cầu Thái Hà trên QL39 nối Hà Nam - Thái Bình.
Tuy nhiên, các công cụ đo đếm và báo cáo doanh thu của các doanh nghiệp BOT có thực sự chính xác hay không cũng là điều cần bàn, bởi trong thực tế đã có không ít vụ việc trạm BOT gian dối trong kiểm đếm phương tiện, dẫn đến báo cáo doanh thu thấp hơn nhiều so với thực tế.
Mới đây, Bộ GTVT vừa yêu cầu trạm thu phí cầu Đồng Nai tạm dừng hoạt động vì cho rằng dự án này đã thu hồi vốn xong. Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn chưa đủ căn cứ để tính toán chính xác thời gian dừng thu phí của dự án.
Theo ông Nguyễn Viết Huy, nếu đã áp dụng hệ thống thu phí ETC, các dự án này sẽ không cần phải mất nhiều thời gian tính toán, chứng minh thiệt hại khi doanh thu sụt giảm. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ dễ dàng xử lý những kiến nghị của doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế và nhất là người dân cũng được hưởng lợi trong trường hợp dự án kết thúc sớm thời gian hoàn vốn.
Là dự án cấp bách và được Chính phủ, Bộ GTVT nhiều lần đôn đốc nhưng cho đến thời điểm này, dự án thu phí ETC vẫn chậm so với kỳ vọng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, giai đoạn 1 có 44 trạm, đã lắp đặt, vận hành 40 trạm trên QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và các trạm trên các tuyến quốc lộ khác. Riêng 5 tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, chỉ có 1 tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình đã đưa vào vận hành 15 làn, 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc về nguồn vốn để thực hiện. Giai đoạn 2 gồm 33 trạm, hiện mới đàm phán ký phụ lục hợp đồng được 17 trạm với các nhà đầu tư.
Việc ký hợp đồng dịch vụ giữa nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư cũng đang được đàm phán nhưng còn gặp nhiều khó khăn do một số dự án BOT doanh thu thấp so với phương án tài chính. Hiện cả nước mới có khoảng 900.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện được dán thẻ thu phí không dừng (etag), tỷ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng cũng rất thấp, đạt khoảng 20%.
Tích cực tháo gỡ vướng mắc
Trả lời kiến nghị của các địa phương, Bộ GTVT cho biết, theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng, đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang hoạt động chưa lắp đặt hệ thống thu phí ETC thì chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải chuyển sang thu phí ETC. Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi thực hiện thu phí ETC. Riêng đối với các trạm thu phí do VEC quản lý, tiến độ hoàn thành do Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.
Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai thu phí ETC, Bộ GTVT đề nghị các bộ ngành, địa phương gương mẫu trong việc tổ chức dán thẻ và tham gia dịch vụ thu phí ETC đối với tất cả phương tiện do mình quản lý. Các cơ quan chức năng tăng cường xử phạt xe không dán thẻ cố tình đi vào làn thu phí không dừng; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ủng hộ và sử dụng dịch vụ.
Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại có giải pháp bảo đảm tính liên thông tài khoản cá nhân tại các ngân hàng với tài khoản giao thông để tạo sự thuận lợi cho người sử dụng, minh bạch tài chính và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
Dự kiến, trong tháng 9/2020, vấn đề liên thông tài khoản được xử lý xong. Khi đó chủ phương tiện không lo việc để nhiều tiền trong tài khoản giao thông mà không được hưởng lãi mà có thể chủ động chuyển số tiền theo nhu cầu sử dụng vào tài khoản này.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh tiến độ triển khai hệ thống ETC tại các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp tự tổ chức thực hiện không khả thi, các địa phương có thể lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí đã được Bộ GTVT lựa chọn để đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ và kết nối liên thông trong toàn hệ thống thu phí ETC.