Tỉnh Ninh Thuận:
Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Để công tác giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo yêu cầu tiến độ đề ra, các ngành, đơn vị, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện sự quyết tâm năng động hơn nữa trong việc chỉ đạo đôn đốc thực hiện.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Chỉ thị số 26-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2022, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC theo đúng kế hoạch (KH) đề ra. Năm 2022 toàn tỉnh được phân bổ hơn 2.466 tỷ đồng vốn ĐTC, trong đó vốn ngân sách trung ương 905 tỷ đồng, ngân sách địa phương 631 tỷ đồng; vốn nước ngoài 930,3 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân được 804,4 tỷ đồng, đạt 33,4% KH vốn đã phân bổ, tăng 2,4 lần số vốn giải ngân so với 6 tháng đầu năm 2021. Hiện nay, vốn trong nước giải ngân 791 tỷ đồng, đạt 48,5% KH, trong đó vốn ngân sách địa phương giải ngân 239,7 tỷ đồng, đạt 41,9% KH; vốn ngân sách trung ương 470,2 tỷ đồng, đạt 52% KH. Vốn nước ngoài giải ngân được 94,4 tỷ đồng, đạt 10,2% KH.
Trong tổng số 25 chủ đầu tư, có 10 đơn vị giải ngân đạt trên 50% KH, có 4 đơn vị giải ngân từ 30-50% KH và có 11 đơn vị giải ngân dưới 30% KH, trong đó có 6 đơn vị giải ngân đạt dưới 10% KH. Đặc biệt có 5 dự án chưa giải ngân. Một số dự án lớn như: Dự án Hồ chứa nước Sông Than có tổng mức đầu tư được điều chỉnh 1.040,6 tỷ đồng, giải ngân gần 846 tỷ đồng, đạt 84,5% KH, tổng giá trị hoàn thành khoảng 60% khối lượng công việc.
Dự án dự kiến hoàn thành ngày 31-12-2022, chậm 24 tháng so với tiến độ được duyệt ban đầu. Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải- Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có tổng mức đầu tư 1.933,8 tỷ đồng; năm 2022 bố trí cho dự án trên 829,5 tỷ đồng, hiện đã giải ngân đạt 6,5% KH năm 2022. Dự án Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có tổng mức đầu tư 1.494,7 tỷ đồng, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; thời gian thực hiện 2022-2025, KH năm 2022 bố trí 230 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 100,8 tỷ đồng, đạt 43,8% KH.
Ông Lê Kim Hoàng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân, giao nhiệm vụ cụ thể và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát nhiệm vụ; xác định đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU đẩy nhanh giải ngân, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sức mạnh tổng hợp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Trong quá trình triển khai KH, UBND tỉnh đã họp giao ban xây dựng cơ bản hằng tháng, quý để chỉ đạo xử lý những vấn đề vướng mắc phát sinh. Tổ công tác giải ngân do lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng thường xuyên kiểm tra đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án, nhất là dự án trọng điểm, dự án quy mô lớn của tỉnh. Kiên quyết điều chuyển KH vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt còn thiếu vốn để đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao. Giao người đứng đầu từng chủ đầu tư, các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về thực hiện và giải ngân vốn ĐTC của các dự án. Các sở, ngành địa phương, chủ đầu tư chấp hành tốt các quy định pháp luật, thực hiện quyết liệt giải pháp đẩy nhanh giải ngân của UBND tỉnh, phối hợp tốt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
Theo đánh giá, kết quả thực hiện và giải ngân vốn ĐTC trong nước cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ (giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 48,5% KH), trong khi đó vốn nước ngoài chiếm 37,4% tổng KH của tỉnh nhưng mới giải ngân 10,2% làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của tỉnh. Nguyên nhân tiến độ giải ngân còn hạn chế do từ đầu năm 2022 đến nay, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá.
Mặt khác, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn phức tạp, thời gian kéo dài. Đối với các dự án khởi công mới, trong 6 tháng đầu năm chủ yếu tập trung thực hiện công tác thiết kế, đấu thầu mất nhiều thời gian, chưa có khối lượng để giải ngân. Một số chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với nhà thầu thực hiện quyết toán, thanh toán; công tác nghiệm thu khối lượng hoàn thành chưa được thực hiện kịp thời làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quy mô lớn còn vướng mắc như: Việc xác định giá đất còn chậm, công tác kiểm kê còn sai sót dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại... làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân nguồn vốn.
Theo đồng chí Lê Kim Hoàng, để công tác giải ngân vốn ĐTC đảm bảo yêu cầu tiến độ đề ra, các ngành, đơn vị, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện sự quyết tâm năng động hơn nữa trong việc chỉ đạo đôn đốc thực hiện. Kịp thời chấn chỉnh các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện dự án chậm tiến độ, đề nghị tăng tốc thực hiện, đẩy nhanh tiến độ dự án. Cương quyết xử lý các chủ đầu tư, đơn vị nhà thầu, đơn vị liên quan vi phạm hợp đồng; xem xét không cho các nhà thầu kém năng lực được tham gia các dự án tiếp theo.
Đối với các dự án trọng điểm, từng chủ đầu tư có KH chi tiết, cam kết mốc thời gian thực hiện dự án. Các ngành, địa phương tăng cường đẩy nhanh công tác thẩm định hồ sơ các dự án, quan tâm xử lý rốt ráo công tác giải phóng mặt bằng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan để cùng thống nhất thực hiện.