Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Thảo luận về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Đồng thời, cần coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thẳn thắn chỉ rõ khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và trách nhiệm
Theo báo cáo của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân tính đến ngày 31/7/2022 khoảng 186.848,16 tỷ đồng, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Về chương trình phục hồi và phát triển, đến nay, 14/17 văn bản đã được ban hành. Việc giải ngân các chính sách thuộc Chương trình thống kê sơ bộ đạt khoảng 48 nghìn tỷ đồng trong tổng số 301 nghìn tỷ đồng.
Để chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 09 Nghị quyết (trong đó có 02 Nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công), 03 công điện, 07 văn bản; tổ chức 01 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thành lập 06 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến mạnh, giải ngân chậm vẫn là căn bệnh kéo dài nhiều năm nay.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất các giải pháp, những nơi làm tốt cũng phải chia sẻ kinh nghiệm, bài học.
“Đâu là vấn đề thuộc về thể chế, thẩm quyền thuộc về ai? Thuộc về Chính phủ thì Chính phủ phải làm, thuộc về các bộ thì các bộ phải làm. Nếu thuộc thẩm quyền cấp cao hơn thì chúng ta phải báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị; cần phải chỉnh sửa các điều luật, các nghị quyết của Quốc hội thì phải báo cáo Quốc hội. Các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố là những người nắm rõ nhất việc này", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại phiên họp, các báo cáo và ý kiến cho thấy có khoảng 21 loại tồn tại, khó khăn về đầu tư công và được phân thành 03 nhóm chính: nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách; nhóm nội dung liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; và nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.
Các tỉnh, thành phố, bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao khẳng định, bài học quan trọng nhất là đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức công việc, giám sát, kiểm tra, đôn đốc. Trên phạm vi toàn quốc, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã cắt giảm khoảng 5.000 dự án so với nhiệm kỳ trước, chỉ còn dưới 5.000 dự án.
Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Tường Văn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, so với khoảng 600 dự án đầu tư công trong nhiệm kỳ trước, số lượng các dự án trong nhiệm kỳ này của tỉnh Quảng Ninh chỉ bằng khoảng 1/8, trong đó năm 2021 khởi công mới 9 dự án và năm 2022 khoảng 12 dự án. Quảng Ninh sẽ tập trung vào 10 dự án trọng điểm, có tính chất động lực phát triển với tổng vốn khoảng 40.000 tỷ đồng. Đến nay, Quảng Ninh đã giải ngân được khoảng 58% trong tổng vốn hơn 11.000 tỷ đồng của năm 2022.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng thông tin về kết quả giải ngân của tỉnh này đạt khoảng 59% trong tổng vốn hơn 5.000 tỷ đồng của năm 2022.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Các đại biểu tham dự phiên họp đều thống nhất quan điểm, xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương có liên quan nghiên cứu, sửa đổi tổng thể các luật có liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công. Sớm sửa đổi và ban hành các quy định tại các luật liên quan đến đầu tư công như: Luật Đất đai; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Xây dựng… Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các vướng mắc về đất đai theo phản ảnh của các địa phương trong quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai dự án đầu tư công; các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải chủ động, thực sự vào cuộc và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu; kiểm tra việc xây dựng, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi…
Biểu dương, ghi nhận kết quả giải ngân tốt của các bộ, ngành, địa phương đạt trên 50% và phê bình các đơn vị giải ngân dưới mức bình quân của cả nước, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, thúc đẩy giải ngân đầu tư công là nhiệm khó. Năm 2022, nhiệm vụ giải ngân đầu tư công càng lớn khi lượng vốn đầu tư công (542 nghìn tỷ đồng) gấp hơn 2,5 lần năm 2016 (204 nghìn tỷ đồng) và nhiều hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với năm 2021, do ngoài vốn đầu tư trung hạn còn có nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, càng khó khăn, phức tạp, càng phải phát huy bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Theo đó, đề cao hơn nữa trách nhiệm Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tự rà soát lại các thủ tục, công việc cần triển khai để chỉ đạo thực hiện đúng quy định, tránh tiêu cực, tham nhũng; rà soát các quy định thuộc phạm vi quản lý, nếu thuộc thẩm quyền thì sửa ngay, nếu thuộc thẩm quyền Chính phủ thì đề xuất Chính phủ và báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền với các vấn đề vượt thẩm quyền.