Tháo gỡ vướng mắc về xử lý nợ xấu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Trong nhiều năm qua, hệ thống Ngân hàng đã đạt được những kết quả rất quan trọng về xử lý nợ xấu, khai thông hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ đọng đưa vào đầu tư cho tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, từ giữa năm 2017, việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại. Mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều bước tiến lớn.
Tuy nhiên, trong thực tiễn đang tiếp tục phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để hoạt động xử lý nợ xấu đạt được hiệu quả cao hơn, khai thông dòng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư cho tăng trưởng bền vững nền kinh tế.
Tổng quan nợ xấu, phương án xử lý nợ xấu và những khó khăn, vướng mắc
Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/5/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 293,88 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012-2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực).
Kết quả đạt được là rất tích cực nhưng những khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 và biến động bất thường về dịch bệnh Covid-19 (đặc biệt từ tháng 2/2020 đến nay) đang ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD.
Trước diễn biến đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều khả năng khi Thông tư này hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020, khi đó nợ được cơ cấu lại sẽ chuyển thành nợ xấu.
Đặc biệt, hiện nay đang phát sinh hơn 10 nhóm khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội. Cụ thể:
Thứ nhất, khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành phố.
Về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 42/2017/QH14, tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa quyết liệt thực hiện, hoặc thực hiện thiếu đồng bộ…; công tác thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) còn nhiều khó khăn, bất cập. Ngoài ra, trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, việc thừa kế nghĩa vụ trả nợ giữa pháp nhân mới thành lập và pháp nhân cũ chưa được đồng bộ… dẫn đến tranh chấp kéo dài tại Tòa án.
Thứ hai, về bán nợ xấu và TSBĐ theo giá trị thị trường, phát triển thị trường mua bán nợ quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 42/2017/QH14 vẫn còn gặp một số khó khăn.
Việc mua bán nợ xấu chủ yếu diễn ra giữa TCTD và 2 đơn vị mua nợ chính là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Thực tế hiện nay cho thấy, việc thiếu thị trường thứ cấp và phái sinh đối với các khoản nợ; việc thẩm định giá khoản nợ đang được các tổ chức thẩm định giá áp dụng theo Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam (được áp dụng chung cho thẩm định giá các loại tài sản) nên khi định giá các khoản nợ thì các tổ chức thẩm định giá lại vận dụng rất khác nhau, gây khó khăn cho các bên trong việc lựa chọn mức giá tham khảo làm cơ sở xác định mức giá khởi điểm trong giao dịch mua bán nợ.
Thứ ba, về cơ chế tiếp cận thông tin tình trạng TSBĐ quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Hiện nay, Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết. Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản.
Thứ tư, về quyền thu giữ TSBĐ quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Trên thực tế, việc thu giữ TSBĐ hiện nay vẫn phụ thuộc khá nhiều vào thiện chí của bên vay. Đồng thời, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan tại địa phương trong một số trường hợp chưa kịp thời (như xác minh thông tin khách hàng, hỗ trợ thu giữ TSBĐ)… cũng làm ảnh hưởng đến công tác xử lý thu hồi nợ xấu.
Thứ năm, về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp nghĩa vụ giao TSBĐ và xử lý TSBĐ quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Hiện nay, số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại Tòa án còn rất hạn chế, điều này phần nào ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ xấu nói chung. Số liệu do các TCTD báo cáo, một số TCTD đã áp dụng hình thức rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ và đang được Tòa án các cấp xem xét giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Thứ sáu, về đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là TSBĐ của khoản nợ xấu quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Trên thực tế, trong quá trình xử lý nợ xấu, hầu hết các chủ tài sản đều chống đối, không hợp tác... Do đó, TCTD, tổ chức mua bán nợ đề xuất sử dụng Biên bản thu giữ thay cho văn bản về việc bàn giao tài sản thế chấp/văn bản về việc bàn giao tài sản mua bán nợ nhưng không được Văn phòng đăng ký đất đai chấp thuận, từ đó dẫn đến các bên liên quan không thực hiện được việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho bên mua tài sản.
Thứ bảy, về điều kiện chuyển nhượng TSBĐ là dự án bất động sản quy định tại Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Việc chuyển nhượng các dự án chưa có Giấy chứng nhận vẫn gặp phải khó khăn khi tiến hành các thủ tục chuyển nhượng dự án tại các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ tám, về việc thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và việc nộp thuế khi chuyển nhượng TSBĐ quy định tại (Điều 12, Nghị quyết số 42/2017/QH14).
Trong quá trình triển khai thực hiện, NHNN tiếp tục nhận được kiến nghị của các TCTD phản ánh về việc phải nộp các khoản thuế trước khi thực hiện nghĩa vụ ưu tiên thanh toán cho bên nhận bảo đảm là TCTD đã làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD, nhiều trường hợp số tiền bán TSBĐ không đủ thu hồi nợ cho TCTD nhưng vẫn phải nộp thuế, gây khó khăn cho cả bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chủ nợ có bảo đảm của TCTD…
Thứ chín, khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự quy định tại Điều 14 Nghị quyết số 42/2017/QH14. Cụ thể, các thủ tục, quy trình về hoàn trả TSBĐ của các vụ án cho các TCTD không rõ ràng, thiếu chi tiết. Bên cạnh đó, sự phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa đầy đủ trách nhiệm của các bên có liên quan như: cơ quan thi hành án, công an… về hoàn trả TSBĐ của các vụ án cho các TCTD có khoản nợ xấu. Do đó, công việc này kéo dài thời gian, các TCTD chậm nhận được tài sản để chủ động bán hay phát mại, xử lý, thu hồi vốn của các khoản nợ xấu.
Thứ mười, về công tác phối hợp trong hoạt động thi hành án dân sự.
Mặc dù đã có Quy chế phối hợp giữa NHNN và Bộ Tư pháp về hoạt động thi hành án dân sự, tuy nhiên, tại một số địa phương do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, hoạt động thi hành án ngân hàng còn chưa thật sự hiệu quả, nhiều vụ việc kéo dài… phát sinh nhiều chi phí cho các TCTD xử lý nợ. Trong thực tế, đối với nhiều trường hợp, TCTD thu hồi được nợ về, trừ các chi phí, số thực thu hạch toán vào nội bảng không còn được bao nhiêu.
Mười một, về việc giới hạn phạm vi lựa chọn tổ chức thẩm định giá TSBĐ.
Việc giới hạn tổ chức thẩm định giá phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố đã làm hạn chế cơ hội lựa chọn được tổ chức định giá có đủ uy tín, năng lực để thực hiện định giá tài sản bảo đảm. Nhiều địa phương còn thiếu tổ chức thẩm định giá hoặc năng lực của tổ chức thẩm định giá còn yếu, dẫn đến chất lượng thẩm định giá chưa cao.
Một số nhóm giải pháp đề xuất
Để hoạt động xử lý nợ xấu đạt được hiệu quả cao hơn, một số giải pháp được đề xuất thực hiện gồm:
Về phía Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương
Thứ nhất, các bộ ngành có liên quan trình ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nhằm hỗ trợ các TCTD triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 và các cấp hỗ trợ tối đa các TCTD trong quá trình xử lý TSBĐ, thu hồi nợ.
Thứ hai, các bộ ngành và các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14; trong đó bao gồm khó khăn, vướng mắc cụ thể liên quan đến công tác triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương; Bán nợ xấu và TSBĐ theo giá trị thị trường, phát triển thị trường mua bán nợ; Cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSBĐ; Quyền thu giữ TSBĐ; Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và xử lý TSBĐ; Thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và việc nộp thuế khi chuyển nhượng TSBĐ…
Thứ ba, các bộ ngành và các địa phương đẩy mạnh hơn nữa quá trình phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp, trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện để hệ thống các TCTD xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính.
Thứ tư, trên cơ sở thực tế áp dụng chính sách tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 và kết quả tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 1058 của Thủ trướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, NHNN cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về cơ cấu lại hệ thống các TCTD và chiến lược phát triển ngành Ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ năm, theo Thông báo số 3616/TB-TTKQH về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45 tháng 5/2020 đợt 2, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét sớm chỉ đạo NHNN và các bộ ngành có liên quan tiến hành rà soát các chính sách về tín dụng, chỉnh sửa, bổ sung kịp thời, để có các giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu gia tăng.
Về phía Quốc hội
Thứ nhất, Quốc hội nên xem xét đến khía cạnh xử lý nợ xấu khi quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia.
Thứ hai, Quốc hội cần thực hiện quyền giám sát tối cao đối với quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Chính phủ, các địa phương, các cấp, các ngành và các tổ chức xã hội; Chỉ đạo các Đoàn Đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 tại địa phương.
Thứ ba, Quốc hội xem xét chỉ đạo Tòa án nhân dân tối cao về việc triển khai, ban hành văn bản hướng dẫn các cấp Tòa có liên quan thi hành thủ tục rút gọn theo quy định pháp luật, để giải quyết nhanh chóng yêu cầu khởi kiện theo nêu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán (Tòa án Nhân dân tối cao).
Thứ tư, Quốc hội xem xét chỉ đạo Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Cơ quan thi hành án sớm có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện quy định về hoàn trả các TSBĐ là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14; phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự sớm xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết để TCTD nhanh chóng thu hồi nợ, khai thông dòng vốn để tiếp tục cho vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tài liệu tham khảo:
Quốc hội, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng;
Báo cáo tài chính hợp nhất của các NHTM hết quý II/2020, tháng 8/2020 và hết quý III/2020, tháng 11/2020;
www.sbv.gov.vn; www.vbna.org.vn