Thảo luận những thách thức về vấn đề phát triển điện hạt nhân

PV.

(Tài chính) Cần phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam theo hướng an toàn, hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng...là vấn đề các nhà khoa học trong nước và quốc tế nhấn mạnh tại Tại hội nghị Điện hạt nhân châu Á lần thứ 3, do Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Cơ quan Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh tổ chức sáng 22/1.

Phát triển tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh khẳng định, Việt Nam đang quan tâm và phát triển theo phương hướng an toàn, hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính có ảnh hưởng xấu đến biến đổi khí hậu. Hiện các dự án thành phần của Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận cũng đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận triển khai theo lội trình..

Cũng trong Hội nghị, chuyên gia quốc tế cũng tập trung thảo luận những thách thức về vấn đề phát triển điện hạt nhân ở châu Á như năng lượng hạt nhân, biến đổi khí hậu, các vấn đề an toàn, an ninh, pháp lý, môi trường và xã hội phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân; các cơ hội đầu tư và chiến lược tài chính cho lĩnh vực điện hạt nhân... Ông Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển điện hạt nhân, bởi điện hạt nhân là nguồn năng lượng thay thế các nhiên liệu khác như than, dầu... Đồng thời đánh giá cao việc Việt Nam quan tâm phát triển nguồn năng lượng mới, nhưng việc phát triển phải đảm bảo xây dựng các biện pháp an toàn, an ninh ngay từ giai đoạn đầu.

Trước đó, 11/2013, Vương quốc Anh đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Khoa học và Công nghệ về hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Vì vậy Vương quốc Anh sẵn sàng cung cấp chuyên gia, trao đổi nghiên cứu viên, đào tạo ngắn hạn, tư vấn cho Việt Nam trong phát triển điện hạt nhân.

Đến nay, Việt Nam cũng đã ký các Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình với 9 quốc gia là Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ, Argentina, Canada và Hoa Kỳ.