Thất thu ngân sách nhà nước do định giá đất không sát với giá thị trường
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thời gian vừa qua, vấn đề thất thoát, thất thu ngân sách nhà nước qua việc giao đất không qua đấu thầu, đấu giá đã xảy ra và chủ yếu là do khi định giá đất không sát với giá thị trường...
Hoàn thiện cơ chế quản lý về đấu thầu, đấu giá đất đai
Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng ngày 10/11/2020, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) liên quan đến thất thoát, lãng phí thông qua đấu thầu, đấu giá đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo quy định, trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thì thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ trưởng thông tin, qua theo dõi thấy rằng, thời gian vừa qua, vấn đề thất thoát, thất thu ngân sách nhà nước qua việc giao đất không qua đấu thầu, đấu giá đã xảy ra và chủ yếu là do khi định giá đất không sát với giá thị trường. Các địa phương giao cho nhà đầu tư khi đất chưa "sạch" và nhà đầu tư phải ứng tiền ra để đền bù. Sau khi đền bù, xảy ra việc chênh lệch giá so với ban đầu thì không được định giá lại.
Theo Bộ trưởng, đến nay còn rất nhiều trường hợp như trên phải xử lý; trong đó có cả những trường hợp sau khi cổ phần hóa, vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch của các cơ sở do doanh nghiệp quản lý… vẫn đang xảy ra.
“Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như báo cáo với Chính phủ để hoàn thiện cơ chế quản lý, đặc biệt là về đấu thầu, đấu giá cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cổ phần hóa
Trước đó, tại phiên chất vấn chiều ngày 9/11/2020, trả lời đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TP. Hồ Chí Minh) về nguyên nhân và giải pháp về cổ phần hóa và thoái vốn chậm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến cổ phần hóa chậm là vấn đề về đất đai, lịch sử pháp lý phức tạp.
Các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại trong giai đoạn này hầu hết các doanh nghiệp lớn có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai hoặc các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công ích gắn liền với hoạt động của các địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương. Do vậy, việc cổ phần hóa, thoái vốn phải tiến hành thận trọng, đảm bảo tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp và không làm thất thoát vốn của nhà nước khi cổ phần hóa.
Việc phối hợp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với các UBND các tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện, phê duyệt phương án sắp xếp lại xử lý nhà đất theo theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ còn chưa tốt, tiến độ còn rất chậm, đặc biệt là các cơ sở nhà đất tại thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn thời gian vừa qua cũng đã được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn, tăng cường công khai, minh bạch hơn trong quá trình cổ phần hóa. Đồng thời, đã tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, hoàn thành việc xác lập hồ sơ quản lý về đất đai, tài sản trước khi cổ phần hóa. Do đó, việc rà soát, phê duyệt phương án cổ phần hóa doanh nghiệp phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục và nhiều thời gian.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thời gian qua chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Cùng với đó, công tác lập kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành danh mục cổ phần hóa, thoái vốn còn chưa sát với thực tế. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong đổi mới hoạt động của doanh nghiệp. Đa số các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp không chủ động triển khai các chính sách của Nhà nước, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất, do đó ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ cổ phần hóa...
Về giải pháp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp, đổi mới phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý về tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước về sắp xếp việc cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan quản lý nhà nước cần kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa. Tăng cường công tác chấp hành kỷ luật, kỷ cương và xử lý nghiêm những người sai phạm, chậm tiến độ...