Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2022):

Thay đổi chế độ thu và thành lập các quỹ để tạo nguồn thu phục vụ kháng chiến

Gia Hân (t/h).

Những ngày đầu kháng chiến toàn quốc (1947-1950), cả nước nói chung và ngành Tài chính nói riêng đã nhanh chóng thực hiện đồng bộ các giải pháp thích hợp nhằm thực hiện nhiệm vụ: Tập trung mọi nguồn lực cho công cuộc kháng chiến. Cùng với đó, lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính nhận thức được rằng, sự quyên góp tự nguyện của nhân dân không thể trở thành một nguồn thu lâu dài và thường xuyên cho Ngân sách Nhà nước, vì vậy, yêu cầu phải đổi mới cơ chế thu phục vụ kháng chiến là nhiệm vụ mà ngành Tài chính cần thực hiện trong giai đoạn 1947-1950.

Hội nghị Tài chính toàn quốc tại Chiến khu Việt Bắc (năm 1949).
Hội nghị Tài chính toàn quốc tại Chiến khu Việt Bắc (năm 1949).

Công tác tổ chức thu phải đối mặt với khó khăn ngày càng lớn

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đảng và Chính phủ đã nhận định cuộc chiến tranh của dân tộc ta là rất gian khó, lâu dài. Vì thế, thực hiện sách lược trường kỳ kháng chiến, cả nước nói chung và ngành Tài chính nói riêng cần thấm nhuần nguyên tắc: “Tài chính kinh tế phải tập trung. Mọi lực lượng của quốc dân được huy động để dùng trong việc kháng chiến, kiến quốc. Toàn thể nhân dân, nhất là những người làm việc công phải tuân theo kỷ luật”.

Kháng chiến làm cho nền kinh tế của Việt Nam mới bước đầu hồi phục lại bị xáo trộn, kinh tế Việt Nam cũng chính là mục tiêu tàn phá trọng tâm của địch với những thủ đoạn như: phong toả ngoại thương, đốt phá mùa màng, giết hại trâu bò, bắn phá các tụ điểm buôn bán sản xuất, cấm nhân dân vùng tạm chiếm tiêu tiền Việt Nam và mọi thủ đoạn phá hoại giá trị đồng tiền Việt Nam.

Đây là thời điểm dân phải tản cư, thực hiện "vườn không, nhà trống". Các cơ quan và cơ sở sản xuất cùng cán bộ, nhân viên và gia đình đều phải chuyển đến những nơi an toàn. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và thương mại đều bị ngừng .. giao thông vận tải gián đoạn, một phần do đường sá bị phá huỷ, một phán do địch phong tỏa, đánh phá. Hàng hoá khan hiếm, lương thực ở nơi thừa không chuyển đến được nơi thiếu, giá hàng công nghệ phẩm tăng vọt trong khi giá lương thực và nông sản, thực phẩm bấp bênh và chênh lệch nhiều giữa nơi này và nơi khác.

Trù liệu trước việc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc, nhu cầu của ngân sách quốc gia có thể vô hạn định, khó dự trù trước được. Nguồn tài chính động viên vào ngân sách theo các chế độ thu hiện hành sẽ bị thu hẹp bởi các địa bàn bị kẻ địch chiếm đóng; công tác tổ chức thu bởi vậy phải đối mặt với khó khăn ngày càng lớn hơn.

Yêu cầu và đòi hỏi lúc này của đất nước là thay vì dựa vào sự quyên góp dựa trên tình thần tự nguyện của nhân dân thì phải có chính sách huy động những nguồn thu thường xuyên, đều đặn, có khả năng phát triển cùng với đà phục hồi kinh tế, đồng thời có những nguồn thu đặc biệt để cung cấp cho kháng chiến.

Đổi mới cơ chế thu, tạo lập nguồn thu thường xuyên, lâu dài phục vụ kháng chiến trường kỳ

Thay đổi chính sách động viên tài chính

Nguồn thuế thu ở thành thị trong giai đoạn này gần như không thể thực hiện do địch chiếm đóng các thành thị khiến đời sống kinh tế nhân dân bị xáo trộn. Việc đầu tiên là Nhà nước bãi bỏ các loại thuế thu ở thành thị như thuế lương bổng, thuế lãi doanh nghiệp, thuế lợi tức tổng hợp, thuế thổ trạch, thuế du hý đánh vào các cuộc vui chơi công cộng, thuế đặc biệt vận tải ...

Thuế điền thổ là một trong những sắc thuế được giữ lại và trở thành nguồn thu lớn, quan trọng, tương đối ổn định trong điều kiện chiến tranh nhân dân, dựa vào nông thông để chiến đấu. Do đó, việc cần thiết là chấn chỉnh cách tính thuế và thu thuế cho công bằng, hợp lý hơn, chấm dứt nạn phụ thu lạm bổ, điển bất cập bạ, bạ bất cấp điền gây nhiều thiệt hại cho nông dân nghèo.

Bên cạnh đó, thuế xuất, nhập khẩu cũng là loại thuế được giữ lại và được cải tiến bằng cách đơn giản hoá biểu thuế, thuế suất hàng nhập chỉ còn lại hai mức là 5% và 15%, hàng xuất chỉ còn một mức 5%.

Tính từ sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947, chiến tranh chuyển từ thế phòng ngự sang thể cầm cự giằng co với địch. Chính sách động viên đối với nhân chủ yếu vẫn là dùng hình thức tự nguyện đóng góp và do địa phương huy động để đáp ứng nhu cầu chỉ tiêu của địa phương là chính.

Đối với thuế thu cho ngân sách trung ương, để phù hợp với thời giá ngày một tăng, năm 1948, Nhà nước cho điều chỉnh một số biểu thuế như: thuế điền thổ tăng 50%, thuế trước bạ thu thêm phụ thu 50%, thuế hàng nhập tăng từ 5% lên 10% và từ 15% lên 20%, thuế thuốc lào, thuốc lá tăng thêm 50%...

Đầu năm 1949, tình hình chung đã có nhiều chuyển biến thuận lợi đối với nước ta. Do đó, đối với nông nghiệp, Nhà nước đã ban hành một số chính sách khuyến khích sản xuất, cải thiện đời sống, bồi dưỡng sức dân:  chia lại công điền, tạm cấp ruộng đất vắng chủ, giảm tô, giảm tức, cho vay sản xuất nông nghiệp... Đối với tiểu thủ công nghiệp, cho vay vốn để sản xuất, đồng thời đẩy mạnh bao vây kinh tế địch để bảo vệ hàng nội địa.

Thành lập các quỹ phục vụ kháng chiến

Trước khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, “Quỹ Quốc phòng” được Bộ Tài chính thành lập nhằm đảm bảo các khoản chi tiêu về quân sự, quy định các khoản thu của quỹ này gồm: Đảm phụ quốc phòng, phụ thu về tem bưu điện, tiền do dân ủng hộ vào quỹ kháng chiến và các khoản thu khác có tính chất ủng hộ công cuộc phòng thủ quốc gia.

Kháng chiến toàn quốc nổ ra, chính sách huy động sự đóng góp của nhân dân cũng cần có sự thay đổi mạnh mẽ để giải quyết những nhu cầu chi tiêu cấp bách về lương thực, quân trang, quân dụng, vũ khí, thuốc men...Vì vậy, Quỹ tham gia kháng chiến được thành lập theo Sắc lệnh số 36/SL ngày 8/5/1949. Quỹ này mang tính nghĩa vụ bắt buộc cho mọi công dân nam, nữ từ 18 đến 65 tuổi với mức phải nộp 60 đồng/người/năm (trừ thương binh, cha, mẹ, vợ liệt sỹ, bộ đội tại ngũ, người nghèo khổ tàn tật).

Ngày 12/2/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lệnh tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực theo phương châm “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Một chuyển hướng quan trọng của chính sách tài chính là các khoản đóng góp chính không thu bằng tiền mà thu bằng hiện vật, chủ yếu là thóc, để thu hẹp ảnh hưởng của lạm phát và để đảm bảo cung cấp lương thực cho bộ đội và cán bộ, công nhân viên. Do đó, lương của cán bộ, công nhân, binh sỹ cũng được quy ra thóc, giúp đời sống được ổn định.

Sự chuyển hướng này là tiền đề cho Quỹ công lương thu bằng thóc được chính thức thành lập, thay thế Quỹ tham gia kháng chiến. Quỹ công lương năm 1950 là hình thức động viên đơn giản nhằm tạo điều kiện cho mọi người thực hiện nghĩa vụ công dân với mức quy định theo pháp luật, không theo sự tự nguyện của mỗi người.

Bằng nguồn thu được cải tiến, cùng sự đóng góp to lớn của nhân dân về nhân lực, vật lực, ngành Tài chính đã góp phần cùng cả nước làm nên thành công của giai đoạn ba năm đầu kháng chiến.

Xây dựng cơ sở tín dụng, dự trữ muối

Thực hiện chấn chỉnh cơ quan tín dụng, năm 1947, các loại quỹ: Quỹ nông nghiệp tín dụng do Bộ Canh nông quản lý và Quỹ Kinh tế tín dụng do Bộ Kinh tế quản lý đã được hợp nhất thành Nha Tín dụng sản xuất do Bộ Tài chính quản lý để phụ trách công việc tín dụng trong cả nước.

Hoạt động tín dụng sản xuất tạo điều kiện cho người dân có vốn làm ăn, mua sắm được công cụ sản xuất và có lương thực ăn trong thời kỳ giáp hạt, tránh được nạn cho vay nặng lãi của địa chủ, phú nông. Từ đó, đẩy mạnh sản xuất và nâng cao đời sống, đặc biệt ưu tiên cho các hợp tác xã và quỹ nghĩa thương với lãi suất nhẹ hơn lãi suất áp dụng đối với tư nhân.

Phương thức cho vay của Nha tín dụng là lấy bảo đảm tinh thần, không yêu cầu thế chấp, đối tượng vay nợ chỉ cần được Nông dân hội đảm bảo về tinh thần kháng chiến và năng lực sản xuất là đủ. Trong trường hợp cần thiết, đối với nông dân, có thể cho vay bằng hiện vật như trâu, bò, nông cụ,... Việc thu nợ cũng rộng rãi, thỏa đáng, đặc biệt là xem xét tình hình sản xuất và khả năng của đối tượng vay nợ, nếu gặp thiên tai hoặc chiến sự, có thể cho hoãn nợ, giảm nợ.

Bên cạnh việc xây dựng cơ sở tín dụng, Bộ Tài chính đã thành lập cơ quan chuyên trách với tên gọi là Cơ quan Phân tán muối để thực hiện việc thu mua và dự trữ muối nhằm cung cấp cho nhu cầu kháng chiến và nhân dân miền núi. Việc thu mua và dự trữ muối đã được hoàn thành nhanh gọn và có tác dụng vô cùng to lớn đối với việc giải quyết nhu cầu về muối của các cơ quan, đơn vị bộ đội và nhân dân trong suốt thời gian kháng chiến. Việc thu mua và vận chuyển đã được tích cực triển khai từ năm 1946 và tiếp tục tiến hành khẩn trương sau đó một thời gian nữa.

Bước đầu thực hiện giảm nhẹ biên chế, hợp lý hóa chế độ tiền lương

Chỉnh đốn biên chế được xác định là công việc mấu chốt cần triển khai nhằm bớt khoản chi lớn trong ngân sách nhà nước. Năm 1950, Chính phủ đã thực hiện việc tinh giản biên chế, chuyển bớt nhân viên hành chính sang ngành quân sự và sản xuất.

Giữa năm 1951, công tác chỉnh đốn biên chế tiếp tục được Chính phủ thực hiện, số cán bộ, công nhân viên dôi thừa, chiếm khoảng 40% tổng số biên chế đã được chuyển sang khu vực sản xuất và quân đội. Như vậy, không những đã tinh giảm được bộ máy nhà nước theo hướng gọn nhẹ, hợp lý, hiệu suất cao mà còn giảm được cho ngân sách một khoản chi rất lớn hàng năm.

Mặt khác, trong xứ “thuộc địa” hay “bảo hộ” trước đây, số viên chức người bản xứ bị mua chuộc trả lương cao chỉ là số ít, còn lại số rất đông đều lương thấp, đời sống khó khăn. Trước tình hình giá cả không ổn định, Nhà nước đã cho thi hành chế độ phụ cấp bổ túc gạo đắt và ấn định lương tối thiểu cho công nhân, viên chức các hạng để tiền lương tương đối phù hợp với giá sinh hoạt (lương tối thiểu 150 đồng/tháng ở Hà Nội, Hải Phòng; và 130 đồng/tháng ở các tỉnh khác; phụ cấp bổ túc gạo đắt tối thiểu 15 đồng, tối đa 200 đồng).

1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính;

2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (mof.gov.vn).