Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2022):

Ngành Tài chính nỗ lực thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng song hành giai đoạn 1966-1975

Thanh Tú (t/h)

Giai đoạn 1966-1975, với những nỗ lực không ngừng, ngành Tài chính đã có các chính sách và biện pháp quản lý tài chính phù hợp, đáp ứng yêu cầu đấu tranh bảo vệ CNXH ở miền Bắc và huy động tốt nhất nguồn tài chính trong nước, tranh thủ sự giúp đỡ, viện trợ của nước ngoài, tập trung sức người, sức của, mọi nguồn vốn tài chính cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước...

Bộ trưởng Tài chính Đặng Việt Châu (giữa) tham gia phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris (năm 1973)
Bộ trưởng Tài chính Đặng Việt Châu (giữa) tham gia phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris (năm 1973)

Bối cảnh mới cùng những yêu cầu, thách thức mới

Đặc điểm tình hình chung cùng những nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và quốc phòng trong giai đoạn 1966 - 1975 đặt ra cho ngành Tài chính những yêu cầu rất to lớn: Phải tăng cường động viên nguồn vốn trong nước, tranh thủ thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ từ bên ngoài; tập trung sức phục vụ cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và thực hiện việc chuyển hướng xây dựng kinh tế. Phải thông qua việc bổ sung, đổi mới chính sách và cơ chế quản lý tài chính để phát huy tính tích cực, chủ động của các ngành, các địa phương và cơ sở, giữ vững và nâng cao chế độ hạch toán kinh tế trong khu vực quốc doanh, khuyến khích hướng dẫn sản xuất, kinh doanh, củng cố quan hệ sản xuất XHCN, góp phần ổn định giá cả, sản xuất và đời sống nhân dân trong chiến tranh.

Khó khăn lớn nhất của tài chính là nền kinh tế quốc dân bị đảo lộn - bị tổn thất nặng nề trước sự đánh phá điên cuồng của địch, làm ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế và nguồn thu, trong khi nhu cầu chi tiêu cho chiến đấu, sản xuất, đời sống lại rất to lớn và khẩn trương.

Trước sứ mệnh mới trên, ngành Tài chính đã khẩn trương chuyển đổi các chế độ, chính sách và phương thức hoạt động cho phù hợp với kinh tế thời chiến: Tăng cường phân cấp quản lý tài chính - ngân sách cho các địa phương, mở rộng diện áp dụng chế độ thu quốc doanh, cho phép xí nghiệp thành lập 3 quỹ, cải tiến chế độ kế toán, ban hành hệ thống tài khoản thống nhất, đẩy mạnh thanh tra tài chính, thực hiện việc quản lý có hiệu quả nguồn vốn viện trợ của các nước anh em...

Nỗ lực không ngừng, phát huy các mặt thuận lợi, khắc phục muôn vàn thử thách khó khăn để phục vụ cho các nhiệm vụ cơ bản của thời kỳ lịch sử này, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đặng Việt Châu (4/1965 - 3/1974) - một nhà cách mạng, nhà kinh tế tiên phong của Đảng, ngành Tài chính đã căn cứ vào thực tiễn kinh tế - xã hội đất nước, theo sát diễn biến của tình hình miền Bắc có chiến tranh phá hoại, với những khoảng thời gian hoà bình xen kẽ, để ra những chủ trương, chính sách và biện pháp quản lý tài chính phù hợp, đáp ứng đòi hỏi của sản xuất và chiến đấu, do đó đã phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ cơ bản của Đảng và Nhà nước.

Thực hiện song hành 2 nhiệm vụ quan trọng

Giai đoạn 1966-1975, ngoài việc bảo đảm nguồn tài chính cho nhiệm vụ tiếp tục xây dựng CNXH, nhằm củng cố miền Bắc là hậu phương vững chắc của miền Nam, ngành Tài chính đã tập trung thực hiện các chủ trương, chính sách để phục vụ tốt nhiệm vụ chi viện cho miền Nam. Cụ thể:

Một là, điều chỉnh, phân phối các nguồn lực đảm bảo tiếp tục xây dựng, phát triển miền Bắc XHCN.

Thời kỳ 1966 - 1975, với tổng mức vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp ngày càng hạn hẹp bởi sự ưu tiên cho tiền tuyến, ngành Tài chính phải cân đối, tham mưu cho Đảng và Nhà nước thực hiện phân phối hiệu quả, phù hợp, đảm bảo tiếp tục xây dựng, phát triển miền Bắc XHCN. Nguồn NSNN đã dành 30,4% tổng chi XDCB nhằm tăng tài sản cố định của ngành công nghiệp quốc doanh, tăng số xí nghiệp được xây dựng mới và số lao động trong các lĩnh vực công nghiệp. So với năm 1960, số xí nghiệp công nghiệp năm 1965 tăng 14,08 lần, năm 1975 tăng 16,5 lần và số lao động công nghiệp ở các năm tương ứng là 1,27 và 1,76 lần.

Tài chính còn quan tâm đầu tư vào các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp để tăng nhanh số máy bơm, máy kéo, số kilômét đường dây và trạm cung cấp điện, số lượng phân bón các loại, góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tài chính đã dành 14,4% tổng chi XDCB của Nhà nước (xấp xỉ bằng 50% chi XDCB cho công nghiệp) để xây dựng hệ thống các công trình thuỷ lợi lớn, hệ thống đê điều, các trạm kỹ thuật nông nghiệp từ Trung ương xuống đến các tỉnh, huyện. Đồng thời, tài chính còn đầu tư vào các nông trường quốc doanh, các vùng chuyên canh lớn như chè, cam, thuốc lá, cà phê... để tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp và nguồn lương thực, thực phẩm cho bộ đội và nhân dân. Chính sách đầu tư tích cực và trực tiếp vào nông nghiệp giai đoạn 1966 - 1975 đã góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng đáng kể về diện tích, năng suất, sản lượng so với giai đoạn trước.

Trong lĩnh vực thương nghiệp, thực hiện chủ trương của Nhà nước về mở rộng phương thức hậu cần tại chỗ, tài chính đã dành 3,1% tổng chi XDCB để đầu tư xây dựng thêm các cơ sở thương nghiệp bán lẻ. Do vậy, các chỉ số về lượng hàng hoá thu mua, tổng mức hàng hoá bán lẻ, nhân viên thương nghiệp nhà nước năm 1975 tăng nhiều lần so với năm 1964 - năm đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Trong lĩnh vực phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, xã hội, Nhà nước đã dành trên 20% tổng chi ngân sách giai đoạn 1966 - 1975 trong đó có trên 10% tổng chi XDCB) để tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc phát triển sự nghiệp văn hoá - xã hội, đào tạo kịp thời đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và cho cả nước, nâng cao trình độ văn hoá và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Các chỉ tiêu quan trọng của sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế như số học sinh, sinh viên, số đầu sách, trang in xuất bản, số bệnh viện, giường bệnh đến năm 1975 đều tăng gấp nhiều lần so với thời kỳ trước đó.

Cùng với chính sách bảo hiểm xã hội được áp dụng, tài chính nhà nước còn thực hiện chính sách trợ cấp xã hội cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, trẻ mồ côi do chiến tranh, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội, tạo lòng tin cho quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Sự chú trọng đầu tư cho các lĩnh vực phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, xã hội trong điều kiện có chiến tranh như trên chẳng những có ý nghĩa trước mắt, mà còn có ý nghĩa đối với công cuộc xây dựng CNXH trong cả nước sau này.

Thứ hai, phục vụ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc và chi viện cho Nam

Bảo đảm và phát triển giao thông vận tải giai đoạn 1966 - 1975 vừa là yêu cầu của công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa là yêu cầu cấp bách của chiến trường, của nhiệm vụ tăng cường vận tải chi viện nhanh chóng cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trong giai đoạn này, tài chính đã dành 2,4% tổng chi XDCB cho giao thông vận tải (gấp 1,5 lần so với giai đoạn 1955 - 1965) tăng chiều dài đường ô tô từ 9.058 km lên 62.779 km. Đường Hồ Chí Minh huyền thoại nối liền hậu phương lớn miền Bắc đến tiền tuyến lớn miền Nam đã hình thành và phát triển từ đây. Việc đầu tư nguồn vốn lớn đã bảo đảm khối lượng vận chuyển hàng hoá trong năm 1975 gấp 3,2 lần so với năm 1960, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình thế, chi viện kịp thời, liên tục sức người, sức của cho tiến tuyến lớn miền Nam.

Đi đôi với việc cung cấp người và phương tiện chiến tranh từ miền Bắc vào, NSNN Trung ương đã chi viện cho lực lượng cách mạng miền Nam, lúc đầu là tiền của chế độ Sài Gòn, về sau bằng đô la Mỹ với số lượng tăng lên theo nhu cầu đẩy mạnh chiến tranh để giành thắng lợi cuối cùng, thống nhất Tổ quốc.

Thực hiện tăng cường tiềm lực kinh tế và khả năng quốc phòng, bảo đảm điều kiện chiến đấu và chiến thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược, giai đoạn 1966 - 1975, tài chính đã huy động và sử dụng bình quân hàng năm số tiền viện trợ và vay nợ nước ngoài lớn gấp trên 5 lần so với giai đoạn 1961 - 1965 để nhập vật tư, thiết bị cho sản xuất và chiến đấu với cơ cấu mặt hàng thích hợp: 13% thiết bị toàn bộ: 22% thiết bị lẻ: 27% nguyên, nhiên, vật liệu; 38% hàng tiêu dùng với số lượng và cơ cấu hàng nhập khẩu này. Điều này đã giúp giải quyết được nhu cầu xây dựng lực lượng quốc phòng theo đòi hỏi của chiến trường miền Nam và cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, đồng thời bảo đảm được việc cung cấp các điều kiện vật chất cần thiết cho việc bồi dưỡng sức dân, cải thiện một bước đời sống Nhân dân.

Tóm lại trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, một trong những thời kỳ khó khăn nhất của đất nước, với những nỗ lực không ngừng trong đổi mới cơ chế, chính sách và biện pháp quản lý tài chính phù hợp, ngành Tài chính đã đảm nhiệm tốt vai trò là huyết mạch kinh tế phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa dốc lực chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Tài liệu tham khảo: 

1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính

2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính: mof.gov.vn