Thay đổi chính sách ưu tiên thu hút vốn FDI

PV.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cả cơ hội và thách thức to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, người dân, doanh nghiệp. Để bắt kịp với cuộc Cách mạng 4.0, Chính phủ cần có những thay đổi về chính sách để ưu tiên thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với một số ngành và sản phẩm công nghệ cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đây là nhận định của GS;TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tại Hội thảo: "Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam" diễn ra vào ngày 7/12 tại Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

11 tháng đầu năm, FDI tăng trưởng bứt tốc

Tại Hội thảo, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết: Tính đến nay đã có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 316 tỷ USD. Cụ thể, trong 11 tháng năm 2017, cả nước có 2.293 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 19,8 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016; Có 1.100 dự án FDI điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm 2016 và 4.535 lượt dự án góp vốn, với tổng vốn đầu tư 5,29 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ 2016.

Tính chung 11 tháng năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 33,09 tỷ USD, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2016; Khu vực FDI chiếm 20% GDP và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. 

Về lĩnh vực đầu tư, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực của Việt Nam, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 14,95 tỷ USD, chiếm 45,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 8,37 tỷ USD, chiếm 2,5,35 tổng vốn đầu tư đăng ký; Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,5 tỷ USD, chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Với những kết quả ấn tượng trên, khu vực FDI tiếp tục khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 và đưa Việt Nam trở thành một trong những nước thu hút nguồn vốn FDI nhiều nhất trong khu vực.

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng thu hút FDI

Những năm qua, mặc dù khu vực FDI có những đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những hạn chế. Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, sự tác động mạnh mẽ từ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp căn bản, trọng tâm để nâng cao chất lượng thu hút FDI.

Bàn về vấn đề trên, GS;TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) kiến nghị, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cả cơ hội và thách thức to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, người dân, doanh nghiệp. Để bắt kịp với cuộc Cách mạng 4.0, Chính phủ cần có những thay đổi về chính sách để ưu tiên thu hút FDI đối với một số ngành và sản phẩm công nghệ cao. Vì vậy, Việt Nam cần thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ, nhất là những ngành có lợi thế, có công nghệ và giá trị gia tăng cao, đồng thời đẩy mạnh thu hút FDI có công nghệ cao, thân thiện môi trường.

GS;TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh, doanh nghiệp tư nhân vẫn là động lực chính cho nền kinh tế trong nước, do đó, các chính sách của Chính phủ nên hướng tới việc liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để hướng tới việc tăng nội lực cho doanh nghiệp trong nước.

Cùng với đó, khung khổ pháp lý đối với khu vực FDI cũng cần điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với các dự án FDI theo hướng gắn với hiệu quả kinh tế - xã hội của quá trình phát triển từng vùng kinh tế, từng địa phương. Cụ thể như, đối với các thành phố đã phát triển như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.

Đối với các địa phương, vùng kinh tế còn kém phát triển có thể lựa chọn dự án thâm dụng lao động như dệt nhuộm, may, da dày nhưng phải bảo đảm đầu tư bảo vệ môi trường. Kiên quyết không lựa chọn dự án FDI thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính.